Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Xin Người Khác Cầu Nguyện cho Nan Đề của Mình

II Sử-ký 20:1-4

"Vua kêu gọi toàn thể Giu-đa kiêng ăn... người Giu-đa tập họp lại tìm kiếm CHÚA; thật vậy, người Giu-đa từ khắp các thành đến tìm kiếm CHÚA" (câu 3b-4).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Giô-sa-phát làm gì sau khi ông cầu nguyện? Bạn có tin sự hiệp nguyện có một sức mạnh lớn lao không? Bạn có thường bày tỏ nan đề của mình và nhờ anh chị em trong Hội Thánh cầu nguyện cho mình hay không? Tại sao có? Tại sao không?

Khi đối diện với những nan đề, chúng ta phải cầu nguyện, nhưng cũng cần nhờ nhiều người khác cầu nguyện với mình. Trước nguy cơ đất nước bị thôn tính, Vua Giô-sa-phát cầu nguyện và cũng kêu gọi cả nước cùng cầu nguyện với ông. Tập thể dân Chúa nhóm họp lại cầu nguyện, tìm kiếm Chúa.

Có một số nan đề, Đức Chúa Trời muốn sự cầu xin phải đến từ tập thể. Chúa muốn chúng ta phải cầu nguyện với nhau và cho nhau. Có hai lý do:

(1) Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống cô đơn trong cộng đồng đức tin. Là những chi thể của thân Chúa, chúng ta lệ thuộc lẫn nhau, cho nên nan đề của cá nhân cũng là vấn đề của tập thể. Khi một chi thể bị đau thì cả thân bị đau, một chi thể bị tấn công là cả thân thể bị tấn công.

Chúng ta cần lời cầu nguyện của nhiều anh chị em cho nan đề của mình. Một trong những lợi ích lớn nhất của một thành viên trong Hội Thánh là được nhiều anh chị em trong Hội Thánh quan tâm và cầu nguyện cho mình.

Sứ đồ Phao-lô gặp nhiều nan đề trong chức vụ của ông. Trong II Cô-rinh-tô 1:8-9 ông chia sẻ kinh nghiệm này: "Anh chị em ơi, chúng tôi không muốn anh em chẳng biết về sự hoạn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong A-si, thể nào chúng tôi đã bị đè nén quá chừng quá sức, đến nỗi cũng hết mong sống được." Và ông khẳng định chính nhờ sự cầu nguyện của nhiều anh chị em trong Chúa mà ông được Đức Chúa Trời ban ơn để đương đầu với những khó khăn hoạn nạn của mình; "Chính anh chị em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa" (II Cô-rinh-tô 1:11).

(2) Khi chúng ta để cho người khác cộng tác với mình trong sự cầu nguyện, Đức Chúa Trời có thể dùng giải pháp cho nan đề của chúng ta giúp đỡ những anh chị em khác cùng cảnh ngộ. Có thể lúc nào đó, một anh chị em trong Hội Thánh sẽ đối diện với nan đề tương tự, và họ sẽ nhớ lại cách chúng ta đã giải quyết nan đề.

Ai cũng cần sự cộng tác chiến đấu của người khác cho những nan đề của mình. Truyền Đạo 4:9, 12 nói về sức mạnh của sự hiệp một: "Hai người hơn một, Vì làm việc chung có lợi cho cả hai... Người đơn độc dễ bị đánh hạ, Nhưng hai người chung sức chống cự, dễ ai đánh hạ được sao?" Chúng ta có thể nhìn thấy sức mạnh của sự hiệp một cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên khi Đức Chúa Trời đổ Thánh Linh Ngài trên mọi người đang cầu nguyện để hình thành Hội Thánh của Ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 2).

Đối diện với thập tự giá, chính Chúa Giê-xu đã dẫn các môn đệ của Ngài vào vườn Ghết-sê-ma-nê để họ có thể cùng chiến đấu với Ngài trong sự cầu nguyện. Bạn không đủ sức để chiến đấu một mình cho những nan đề của mình. Hãy nhờ những anh chị em mình tin tưởng cùng cầu nguyện.

Bạn có thường cầu nguyện với một anh chị em cùng đức tin không? Thường cầu nguyện cho vấn đề gì? Bạn có chia sẻ nan đề của mình để anh chị em khác cùng cầu nguyện không? Tại sao?

Cám ơn Chúa cho con nhìn thấy sức mạnh của sự hiệp chung cầu nguyện của nhiều người. Xin giúp con có thể chia sẻ và nhờ anh chị em trong Chúa cầu nguyện cho nan đề của con.

(c) 2024 svtk.net