Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Việc Chẳng Lành Xảy Đến cho Mọi Người

Gia-cơ 1:1-10

"Anh chị em yêu dấu, đừng ngạc nhiên vì sự thử thách đau đớn mà anh chị em phải chịu như là việc khác thường xảy ra cho anh chị em" (I Phi-e-rơ 4:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua phân đoạn Kinh Thánh hôm nay và I Phi-e-rơ 4:12, các sứ đồ muốn chúng ta nhận biết gì về thử thách trong đời sống? Chúng ta cần có thái độ, phản ứng nào trước những việc chẳng lành? Phản ứng của người tin theo Chúa trước những việc chẳng lành quan trọng thế nào?

Gia-cơ được coi như là một sứ đồ (I Cô-rinh-tô 15:7). Ông trở nên người lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Ga-la-ti 1:19). Ông được coi như là một người có niềm tin sâu sắc và đời sống cầu nguyện mạnh mẽ. Ông viết thư này cho những tín hữu người Do Thái đang chịu những sự khó khăn, bắt bớ. Người Do Thái ghét họ vì họ tin Chúa Giê-xu, còn Dân Ngoại ghét vì họ là người Do Thái. Thay vì an ủi họ, Gia-cơ thách thức họ. Ông bảo họ nghĩ lại những khó khăn của mình, và ông thách thức họ tin cậy vào Đức Chúa Trời trong khó khăn đó.

Quan niệm cho rằng tin Chúa sẽ làm đời sống dễ dàng hơn không phải là quan điểm của Gia-cơ. Thật ra, Gia-cơ nói rằng đáp ứng của chúng ta đối với những khó khăn, thử thách chứng minh niềm tin của chúng ta là thật. Là những người tin theo Chúa, chúng ta đối diện cùng một thách thức giống như những tín hữu Do Thái này.

Chúng ta thường hỏi "Tại sao hay làm thế nào tôi có thể tránh được những khổ đau này?" Câu hỏi đúng phải là, "Làm thế nào có thể thay đổi cách tôi ứng phó với những khổ đau trong cuộc đời?" Chúng ta không thể tránh né những nan đề trong cuộc sống, điều chúng ta có thể làm là thay đổi cách phản ứng đối với những nan đề chúng ta đối diện.

Vài nguyên tắc đơn giản có thể giúp thay đổi cách chúng ta đối phó với những sự khó khăn xảy ra trong đời sống.

Trước hết, chúng ta phải biết khó khăn đến với đời sống mọi người: "Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng" (câu 2). Chữ "khi" trong câu này nói rằng thử thách là điều không tránh được. Gia-cơ không nói "nếu" gặp những thử thách, nhưng ông bảo "khi" gặp những thử thách. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói về sự không tránh được của những thử thách, "Anh chị em yêu dấu, đừng ngạc nhiên vì sự thử thách đau đớn mà anh chị em phải chịu như là việc khác thường xảy ra cho anh chị em" (I Phi-e-rơ 4:12).

Oswald Chambers viết, "Chọn đau khổ không có ý nghĩa gì cả; chọn ý Chúa giữa sự đau khổ của chúng ta làm cho mọi sự có ý nghĩa."

Kế đến, Gia-cơ nói, "Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng." Gia-cơ không nhấn mạnh đến khó khăn nhiều hay ít. Ông nói chúng ta có đủ thứ khó khăn khác nhau. Những khó khăn này có thể là mất việc, liên hệ đổ vỡ, người thân qua đời, đau yếu, liên hệ vợ chồng, con cái... Những khó khăn này làm chúng ta cảm thấy buồn khổ. Tuy nhiên, ông muốn nhấn mạnh chúng ta không phải là người duy nhất trên thế giới kinh nghiệm sự thử thách đau đớn. Mỗi người sống trên đời đều có những nan đề khác nhau. Cho nên nếu bạn thật sự là một người tin theo Chúa thì điều đó phải được bày tỏ qua đức tin trong phản ứng của bạn đối với những nan đề của đời sống. Nếu đức tin của bạn chỉ mạnh khi bạn bình an, khỏe mạnh, và mọi sự tốt đẹp thì đức tin ấy có tốt đẹp gì? Đức tin thật là đức tin nâng đỡ chúng ta trong những khó khăn, thử thách của đời sống. Đức tin thật của chúng ta được thử thách bởi cách chúng ta đứng vững thế nào trong những hoàn cảnh khó khăn.

Những khó khăn, nan đề trong đời sống có giúp ích cho đức tin của bạn không? Như thế nào? Bạn dùng kinh nghiệm này giúp ích cho ai?

Chúa ơi, xin giúp con biết đáp ứng những sự khó khăn thử thách trong đời sống thế nào để danh Chúa được tôn cao và niềm tin của con được tăng trưởng.

(c) 2024 svtk.net