Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Cầu Nguyện Kiên Trì

Cô-lô-se 4:2-4

"Hãy kiên trì cầu nguyện" (câu 2a).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là kiên trì cầu nguyện? Bạn có nhớ câu chuyện nào trong Kinh Thánh nói lên tinh thần này không? Bạn kiên trì cầu nguyện cho vấn đề gì? Cho ai?

Một chữ chúng ta cần chú ý trong lời dạy của Sứ đồ Phao-lô về sự cầu nguyện trong phần Kinh Thánh này là "kiên nhẫn," hay kiên trì, bền lòng trong sự cầu nguyện.

Sứ đồ Phao-lô biết quyền năng của sự cầu nguyện cho nên ông khích lệ con cái Chúa "Hãy kiên trì cầu nguyện." Kiên trì cầu nguyện có nghĩa là thường xuyên trò chuyện với Chúa. Kiên trì cầu nguyện có nghĩa là cầu nguyện trong hoàn cảnh dễ dàng cũng như trong hoàn cảnh khó khăn.

Con dân Chúa trong Hội Thánh đầu tiên hiệp một và kiên trì cầu nguyện (Công-vụ các Sứ-đồ 1:14). Sứ đồ Phao-lô khuyên Hội Thánh "Hãy thường xuyên dùng mọi lời khẩn nguyện, nài xin, mà cầu nguyện trong Thánh Linh. Để đạt mục tiêu này, hãy kiên trì, tỉnh thức, và cầu nguyện cho tất cả các thánh đồ." Phao-lô viết trong thư I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 "Hãy cầu nguyện không thôi."

Có thể bạn nghĩ, "Tôi biết cầu nguyện là quan trọng, nhưng không phải lúc nào tôi cũng rảnh rỗi để cầu nguyện. Tôi phải đi làm. Tôi có gia đình. Tôi có nhiều trách nhiệm phải làm. Nếu cầu nguyện không thôi, thì giờ đâu để làm những việc cần khác?"

"Cầu nguyện không thôi" hay "cầu nguyện kiên trì" không có nghĩa là chúng ta phải làm ngơ những trách nhiệm khác. Ý nghĩa của sự kiên trì cầu nguyện là chúng ta phải duy trì một thái độ cầu nguyện dù chúng ta ở đâu hay đang làm gì. Nó có nghĩa là chúng ta luôn luôn sẵn sàng kêu cầu Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào.

Vấn đề lớn nhất trong Hội Thánh chung ngày nay là nhiều người đã bỏ thói quen cầu nguyện hằng ngày. Nó bắt đầu bằng bỏ qua không cầu nguyện ngày hôm nay. Chúng ta tự nhủ, "Không cầu nguyện hôm nay không phải là chuyện lớn. Mình đã cầu nguyện hôm qua." Ngày sau chúng ta nói, "Hôm nay mình bận quá. Có những chuyện xảy ra bất ngờ phải làm, mình không có giờ cầu nguyện. Chúa biết và Ngài thông cảm." Rồi chúng ta bỏ qua một ngày nữa, tiếp một ngày nữa. Khi chúng ta nhận biết mình đã không cầu nguyện trong nhiều tuần lễ là lúc chúng ta không còn cầu nguyện thường xuyên với Chúa nữa. Nếu chúng ta không làm điều gì để đảo ngược lại cơn thủy triều của đời sống đầy bận rộn này, những tuần lễ không cầu nguyện sẽ thành những tháng không cầu nguyện. Và những tháng không cầu nguyện trở thành những năm không cầu nguyện. Rồi một ngày, chúng ta sẽ thức dậy nhận biết mình đã vô cùng sa sút trong đời sống đức tin, đã mất liên lạc với Chúa. Chúng ta cảm thấy như thể Chúa ở xa lắm, nhưng kỳ thật là Ngài không đi đâu cả mà chính chúng ta là người lìa xa Ngài.

Có nhiều chuyện lạ lùng trong Kinh Thánh nói về tầm quan trọng của sự cầu nguyện kiên trì. Một trong những chuyện đó là chuyện Gia-cốp vật lộn với Chúa ghi trong Sáng Thế Ký 32. Ông vật lộn suốt đêm với thiên sứ của Đức Chúa Trời bất phân thắng bại. Lúc trời gần sáng thiên sứ nói, "Thôi ngươi buông ta ra để cho ta đi vì trời đã gần sáng" (câu 26). Nhưng Gia cốp nói, "Tôi sẽ không để cho Ngài đi nếu Ngài không ban phước cho tôi." Và ông đã được Ngài ban phước.

Câu chuyện này là hình ảnh minh họa về sự kiên trì cầu nguyện. Khi cầu nguyện cho một vấn đề nào đó chúng ta cần cầu nguyện trong tinh thần "chiến đấu," với lòng tha thiết mãnh liệt. Cầu nguyện với tinh thần không buông ra nhưng nói rằng, "Chúa ôi, con sẽ không buông Ngài ra cho đến khi Ngài ban phước cho con. Con sẽ không để Ngài đi, cho đến khi Ngài làm việc làm quyền năng của Ngài cho điều con cầu xin. Đó là tinh thần cầu nguyện không thôi, đó là tinh thần cầu nguyện kiên trì và hết lòng.

Bạn có kiên trì cầu nguyện không? Bạn có biết ai đang cần sự kiên trì cầu nguyện cuœa bạn không? Bạn cầu nguyện cho người đó thế nào? Kết quả của sự kiên trì cầu nguyện là gì?

Xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn cầu nguyện cho những nan đề của chính mình và người khác.

(c) 2024 svtk.net