Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Tỉnh Thức Cầu Nguyện và Tạ Ơn

Cô-lô-se 4:2-4

"... tỉnh thức trong khi cầu nguyện và tạ ơn" (câu 2b).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là cầu nguyện trong sự "tỉnh thức"? Khi chúng ta cầu nguyện trong sự tỉnh thức thì chúng ta thấy được những điều gì để cầu nguyện và tạ ơn? Tạ ơn quan trọng thế nào trong sự cầu nguyện của bạn?

Chữ thứ hai chúng ta cần chú ý trong lời dạy của Sứ đồ Phao-lô về sự cầu nguyện trong phân đoạn này là "tỉnh thức." Khi cầu nguyện, chúng ta phải tỉnh thức.

"Tỉnh thức" có nghĩa là tỉnh táo nhìn xem để thấy được, biết được vấn đề chúng ta cầu nguyện.

Nếu bạn quan tâm cầu nguyện cho một người bạn thân, hãy nhìn xem đời sống của người đó, không phải để tìm thấy một điều gì để chỉ trích, nhưng để tìm thấy một điều thật sự người đó cần được Chúa cứu giúp để cầu nguyện. Người đó có thể đang có vấn đề sức khỏe, hay vấn đề thuộc linh nghiêm trọng.

"Tỉnh thức" cũng có nghĩa là nhìn xem những gì đang xảy ra hằng ngày với thái độ quan tâm. Nó có nghĩa là lắng nghe bản tin hằng ngày để nhận biết tình trạng của con người, của thế gian đang cần đến sự can thiệp, cứu giúp của Chúa.

Có người nói, "Tôi không biết cầu nguyện cho điều gì." Thật ra Chúa cho chúng ta biết nhiều vấn đề để cầu nguyện mỗi khi chúng ta nghe tin tức! Khi tôi nghe tin tức những mục sư hay tín hữu bị bách hại, lòng tôi ở với họ. Thánh Linh Chúa cảm động tôi cầu nguyện cho họ.

Thường khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nhắm mắt để tập trung tinh thần. Nhưng Phao-lô dạy chúng ta trong cầu nguyện với đôi mắt mở ra - với tinh thần tỉnh thức. Mở ra trong ý nghĩa để nhìn thấy để biết những nan đề, những khó khăn của con dân Chúa và Hội Thánh ở mọi nơi để cầu nguyện.

Chữ thứ ba chúng ta chú ý trong các câu Kinh Thánh này là "tạ ơn." Sứ đồ Phao-lô nói khi cầu nguyện, chúng ta phải tạ ơn. Cầu nguyện trong sự tỉnh táo giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề khó khăn của mình và của người khác, nhưng chúng ta còn nhìn thấy ân sủng của Chúa, thấy những điều tốt đẹp và thấy Ngài đang hành động trong đời sống chúng ta và trong thế gian khiến chúng ta không thể không tạ ơn Ngài.

Lòng biết ơn là một chủ đề xuyên suốt thư Cô-lô-se. Phao-lô nói chúng ta phải tạ ơn vì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta xứng đáng để hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ trong sự sáng láng (Cô-lô-se 1:12). Ông cũng nói chúng ta phải gia tăng đức tin như chúng ta đã được dạy dỗ, và chan chứa lời cảm tạ (Cô-lô-se 2:7). Và bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm, hãy nhân danh Chúa mà làm, và nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Cha (Cô-lô-se 3:17). Trong sự dạy dỗ về cầu nguyện, Phao-lô nói chúng ta phải tạ ơn - vì chúng ta phục vụ một Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện.

Tạ ơn Đức Chúa Trời Ngài nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì nhiều người đã dâng thì giờ, tài năng và tiền bạc của họ cho công việc Chúa. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì chúng ta phục vụ một Chúa Cứu Thế là Đấng chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta theo sự giàu có trong nơi vinh hiển của Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải cầu nguyện với một thái độ biết ơn về những gì Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm cho chúng ta. Trong ngày lễ Tạ Ơn hôm nay, khi nghĩ đến Đấng tạo dựng, Đấng cứu chuộc, Đấng ở với chúng ta từng giây phút, từng khía cạnh của đời người, làm sao lòng chúng ta không cất tiếng tạ ơn Ngài?

Cầu nguyện và tạ ơn Chúa có trở nên nếp sống hằng ngày trong đời sống bạn không? Bạn bày tỏ nếp sống ấy cách đặc biệt nào trong ngày lễ Cảm Tạ hôm nay?

Xin Chúa giúp con không cầu nguyện chiếu lệ, nhưng cầu nguyện trong sự tỉnh táo để không chỉ nhìn thấy nan đề của con cũng thấy ân sủng của Chúa để tạ ơn Ngài.

(c) 2024 svtk.net