Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

Chịu Khổ Vì Chúa

1 Ti-mô-thê 2:7-13

“7 Hãy hiểu rõ điều ta nói cho con, và chính Chúa sẽ ban sự khôn ngoan cho con trong mọi việc.

Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin Lành của ta, 9 vì Tin Lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. 10 Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời. 11 Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; 12 lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta; 13 dù chúng ta không thành tín, Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.”

Sau khi đã nêu lên ba tấm gương để so sánh đời sống tin Chúa, Phao-lô bảo Ti-mô-thê là phải luu ý và tìm hiểu cho rõ những lời ông trình bầy, và nếu khó hiểu, thì Chúa sẽ ban cho khôn ngoan để hiểu.

Có mấy vấn đề khó hiểu ở đây: Thứ nhất là, tin Chúa không phải thụ động, chờ đợi ân phúc mà thôi, nhưng còn phải chiến đấu như người lính ra trận; phải luyện tập và theo đúng kỉ luật như vận động viên chuyên nghiệp thi đấu; và phải kiên nhẫn làm việc như người nông phu trồng tỉa và cầy cấy. Vấn đề khó hiểu thứ hai là điều Phao-lô sẽ trình bày để trả lời câu hỏi có thể Ti-mô-thê đang đặt ra: Tại sao phải chịu khổ trong khi làm người truyền bá Phúc Âm? Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề chịu khổ.

Chịu khổ vì tin mừng hay tin lành khác hẳn với chịu khổ vì bất cứ lý do nào. Thông thường người ta trải qua những thử thách khó khăn trong đời với thái độ ngỡ ngàng. Hơn nữa việc chịu khổ là điều ta thường tránh, không ai chịu khổ mà tươi cười được, vì ai cũng là người và vết thương nào cũng đau. Chịu khổ vì phạm tội khác hẳn với chịu khổ vì hi sinh cho chính nghĩa. Chịu khổ khi có tội là một điều sỉ nhục, nhưng chịu khổ vì một chính nghĩa là vinh hạnh.

Chịu khổ vì tin mừng hơn hẳn mọi chính nghĩa trong đời, vì mang giá trị vĩnh hằng. Nhưng muốn hiểu vấn đề này, cần phải hiểu cuộc chịu khổ của chính Chúa Giê-xu. Phao-lô dạy:

“Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin Lành của ta.”

Chúa Giê-xu đã chịu khổ vì tin mừng. Ngài từ trời xuống thế gian làm người, sinh ra trong dòng Đa-vít là dòng làm vua, nhưng không làm vua mà chịu tử hình trên thập giá, bị chôn vào lòng đất, nhưng sau ba ngày đã sống lại. Cuộc chịu khổ, tử hình của Chúa là một hi sinh để cứu chuộc nhân loại, để đem kẻ tội nhân đến với đấng toàn thánh toàn thiện, cho được tha tội và tái tạo. Phao-lô nhắc lại cuộc ra đời của Chúa, cái chết của Ngài và cuộc phục sinh. Đây là phần chính của tin mừng, trong đó có chịu khổ và chết.

Phao-lô nói đến Tin lành hay tin mừng của ta. Đây không phải là đạo Tin Lành viết chữ hoa, nhưng là phúc âm, là tin mừng. Phao-lô rao truyền việc Chúa sinh ra, chết hi sinh và sống lại để cứu nhân loại, đó là sứ điệp tin mừng của ông từ thế kỷ thứ nhất và không thay đổi cho đến ngày nay.

Sau khi nói đến cuộc hi sinh cứu chuộc của Chúa, Phao-lô nói đến cuộc chịu khổ của ông. Phao-lô từng bị bắt bớ, đánh đập, giam cầm nhiều lần, ở nhiều nước trong lúc ông rao truyền tin mừng. Phao-lô bị vu cáo, vị đưa ra tòa xử như phạm nhân, bị đánh tử thương, sống lại, vào tù ra khám nhiều lần. Ông chỉ nêu một hình ảnh: Đến nỗi bị trói như một phạm nhân hình sự. Phao-lô bị bắt bớ, trói, tra tấn và bị bỏ tù như một kẻ trộm cướp hay sát nhân, mặc dù ông là thánh nhân, chỉ giảng truyền tin mừng về Chúa Giê-xu. Các môn đệ của Chúa ngày xưa đã được nghe Chúa nói về những khổ nạn của những người làm chứng nhân cho Chúa. Họ đã chịu khổ và Phao-lô cũng chịu khổ. Người ta nghĩ rằng cứ bách hại, cấm đoán người truyền bá tin mừng về Chúa Giê-xu, thì đạo Chúa sẽ bị tiêu diệt. Phao-lô thêm ngay: Nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Câu này được Phao-lô minh chứng trong thế kỷ thứ nhất và con dân Chúa sau hai mươi thế kỷ cũng đang chứng minh hùng hồn là chân xác. Đạo Chúa không bao giờ bị trói buộc, dù cho người truyền đạo có bị giết chết chăng nữa.

Có hai điều ta học được qua câu nói này:

1. Không ai có thể trói buộc đạo Chúa được. Đạo Chúa không phải là ngôi giáo đường hay một tổ chức, vì nếu vậy, chỉ cần cho xe xúc đất kéo đổ nhà thờ, san bằng và ra lệnh cho tổ chức giải tán là đạo Chúa không còn nữa. Đạo Chúa không phải là một tổ chức tội ác, làm điều gian trá, tay sai cho kẻ này hay kẻ khác. Đạo Chúa là lời dạy về tin mừng, về phương pháp giải phóng con người ra khỏi mọi thứ tội ác và trở về với nguồn cội của sự sống là Chúa, là tin nhận Chúa Giê-xu. Đạo Chúa là một sức sống không có thế lực nào tiêu diệt được. Đạo Chúa là một niềm tin vào một đấng hằng sống mà thần chết và ma quỷ đành thua cách đây 2000 năm, vì Chúa Giê-xu đắc thắng tử thần và trở về trời là cõi thần linh vô hình. Làm sao con người với sức mạnh của giây trói, vũ khí, nhà tù, những lời đe dọa giết chết có thể giới hạn sức sống và niềm tin của người tin Chúa? Không ai trói buộc đạo Chúa được, đây là một nguyên lý không thay đổi và con người cần suy nghĩ khi áp dụng những phương cách trói buộc đạo Chúa. Không biết nguyên lý này là chỉ làm cho đạo Chúa bành trướng mạnh hơn mà thôi. Vì sức sống và niềm tin khi bị đè nén sẽ bộc phát mạnh hơn vì có nhiều động lực mới, và tạo ra những nghĩa cử anh hùng. Có người đã nói rằng: bài trừ đạo Chúa là một việc làm vô ích, như lấy dao chém xuống nước, dao đi qua, nước vẫn không việc gì. Câu này vô cùng chính xác, vì nguyên lý: Đạo Chúa không bao giờ bị trói buộc.

2. Đạo Chúa không bao giờ trói buộc được. Vì nguyên lý này mà người tin Chúa không sợ bất cứ sức mạnh chống đối nào. Người tin Chúa tự nhận mình là đối tượng dễ bị đàn áp nhất, dễ bị bắt nạt và làm hại nhất. Thường bị vu cáo là tay sai cho kẻ này, kẻ nọ, đế quốc này đế quốc kia. Nhưng khi tin Chúa mới biết rằng một kẻ từ chết sống lại không thể nào chối bỏ rằng mình đã sống lại và bằng lòng nghe lời người ta, chịu các áp lực để nhận rằng mình hãy còn chết. Khi tin Chúa, biết rõ rằng mình từ mù lòa sang chỗ sáng mắt, thấy được vinh quang của Chúa, không có lý do nào, bởi sức thuyết phục nào bằng lòng phủ nhận là mình đã thấy, và bằng lòng trở về cõi tối tăm mù lòa. Không ai trói buộc đạo Chúa được vì nhiều nhân chứng quá, và quyền năng tái tạo của Chúa hiển nhiên quá. Mặt khác, dù người truyền bá danh Chúa bị trói, vô số người khác sẵn sàng làm nhân chứng và đang làm việc đó. Đừng ai sợ rằng mình bị trói buộc thì công việc Chúa sẽ bị ngưng trệ. Sau 20 thế kỷ, nguyên lý: “Đạo Chúa không bao giờ bị trói buộc” vẫn sáng ngời, và kẻ thù của đạo Chúa vẫn thất bại. Nhưng ta nên nhớ rằng Chúa bảo vệ đạo của Ngài để cứu vớt vô số đồng bào ta chưa tin nhận Chúa, mỗi người cần làm nhân chứng cho Chúa để đạo Chúa không bị giới hạn vì ta lười biếng, ích kỷ hay là chỉ là tín đồ hữu danh vô thực.

Phao-lô tiếp tục nói vềviệc lý do chịu khổ vì tin mừng, vì đạo Chúa. Đó là vì những người được chọn nhưng chưa tin Chúa, nghĩa là Chúa có chương trình cứu vớt nhiều người, nhưng những người ấy hoặc chưa biết hay chưa quyết định tin Chúa. Phao-lô chịu khổ để cho nhiều người có dịp nghe tin mừng, tin Chúa và được cứu để hưởng vinh quang đời đời.

Lý do chịu khổ ở đây không phải vì một chính nghĩa, vì tôn giáo, hay vì lòng can đảm hoặc dũng cảm anh hùng. Lý do chịu khổ đây là để tin mừng được loan truyền cho nhiều người có dịp nghe và được cứu.

Chúng ta tin Chúa cần nắm vững điểm này: Bất cứ hoạt động nào của chúng ta, dù là công tác bác ái, xã hội, văn hóa, giáo dục thì cũng phải đặt nặng mục tiêu truyền giáo. Nếu công tác nào mang danh nghĩa đạo Chúa mà không có tính cách truyền giáo là chưa đạt. Vì mục đích chính của người tin Chúa là thờ phượng Chúa và đưa người khác đến tin Chúa. Hai điểm này không tách rời được. Vì vậy tin Chúa không phải là để thụ hưởng phước hạnh, nhưng là để đem phước hạnh của Chúa đến cho những người bất hạnh.

Phần sau của khúc Kinh Thánh này là lời của một bài thánh ca ca ngợi Chúa, xin đọc diễn ý như sau:

“Đây là điều chắc chắn: Nếu chúng ta chết với Chúa, thì cũng sẽ sống với Ngài; nếu chúng ta chịu nổi thử thách, thì sẽ cùng Ngài quản trị; Nếu chúng ta chối bỏ Ngài, thì Ngài cũng chối bỏ chúng ta; dù chúng ta không thành tín, Chúa lúc nào cũng thành tín, vì Ngài không thể nào tự chối chính mình Ngài được.”

Trong bài thánh ca này ta thấy tác giả đặt cuộc đời người tin Chúa song song với Chúa. Chúng ta làm gì cũng nhìn về kết quả sau cùng của cuộc đời. Theo Chúa là chuyện sống chết, là chịu thử thách và quản trị vinh quang, là luôn luôn thành tín với Chúa.

Bài học cho mỗi chúng ta hôm nay là tìm ra ý nghĩa chịu khổ của mình. Ta có chịu khổ vì đạo Chúa hay vì danh nghĩa cá nhân, tự ái; danh nghĩa đoàn thể tôn giáo hay chính nghĩa nào?

Ta nên nhớ rằng, cuộc chịu khổ ý nghĩa nhất là vì vinh quang của Chúa và vì linh hồn của vô số người Việt nam chưa biết Chúa. Ta hãy trung tín với Chúa và sẵn sàng vì đồng bào, vì dân tộc mà chịu khổ.