Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 25

2 Ti-mô-thê 2: 14-26

14 Nầy là điều con hãy nhắc lại và răn bảo trước mặt Đức Chúa Trời rằng, phải tránh sự cãi lẫy về lời nói, sự đó thật là vô dụng, chỉ hại cho kẻ nghe mà thôi. 15 Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật. 16 Nhưng phải bỏ những lời hư không phàm tục; vì những kẻ giữ điều đó càng sai lạc luôn trong đường không tin kính, 17 và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hy-mê-nê và Phi-lết thật như thế, 18 họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy. 19 Tuy vậy, nền vững bền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn còn nguyên, có mấy lời như ấn đóng rằng: Chúa biết kẻ thuộc về Ngài; lại rằng: Phàm người kêu cầu danh Chúa thì phải tránh khỏi sự gian ác. 20 Trong một nhà lớn, không những có bình vàng bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa, thứ thì dùng việc sang, thứ thì dùng việc hèn. 21 Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành. 22 Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa. 23 Hãy cự những lời bàn luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. 24 Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, 25 dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, 26 và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó.

Trong phần Kinh Thánh chúng ta vừa đọc chứa đựng nhiều lời răn dạy quý giá. Trước tiên là cảnh cáo về việc tranh luận. Đó là câu 14. Câu này thật ra trong nguyên văn là: “Con phải nhắc lại cho mọi người ghi nhớ những điều này. Phải răn bảo là trước mắt Đức Chúa Trời phải tránh tranh cãi về chữ nghĩa ngôn từ, điều này hoàn toàn vô dụng, chỉ gây hại cho người nghe mà thôi.”

Người tin Chúa thường hay bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận về ngôn từ, có khi quên cả những điều căn bản. Phao-lô dạy là phải ghi nhớ những điều ông vừa nói đến bên trên, xin đọc lại những lời đó: “8 Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin Lành của ta,

9 vì Tin Lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu.

10 Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.

11 Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài;

12 lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta;

13 nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.”

Mỗi người cần nắm vững các điều căn bản này và đừng để cho bị lôi kéo vào những cuộc tranh cãi về từ ngữ, về những ý niệm do các chủ thuyết triết học đưa ra để bài bác hay lý giải Kinh Thánh theo lối suy nghĩ của người đời. Trong thời Ti-mô-thê thì phái triết học Khả Tri, tức là Gnostics thường thách thức người tin Chúa lý luận với họ. Phái này muốn biến Cơ-đốc-giáo thành một triết học chứ không phải một hành trình về đức tin.

Trong thời chúng ta cũng có những người thường muốn tranh luận về các đề tài như vấn đề Bà Ma-ri đồng trinh, vấn đề lò luyện tội, vấn đề giữ ngày Sa-bát chẳng hạn. Đây là những vấn đề bên ngoài Kinh Thánh Tân Ước và chúng ta không nên bận tâm tranh luận.

Thường những cuộc tranh luận bên ngoài Kinh Thánh Tân Ước nếu không có căn bản thần học, sẽ không bao giờ chấm dứt được.

Ngoài ra ta còn cần biết rằng trong mạc khải của Chúa có nhiều huyền nhiệm mà trí óc con người không sao nắm bắt được. Những gì ta không hiểu không phải là sai lạc cả đâu, ta cần học Kinh Thánh kỹ hơn và hạ mình tôn phục Thánh Linh chứ không nên vì chủ trương của giáo phái mình mà bài bác tất cả các hình thức thờ phượng Chúa thuần tuý là sai lạc. Tuy nhiên những thái độ cực đoan bao giờ cũng nên tránh vì như Phao-lô dạy, không ích lợi gì mà chỉ có hại cho người nghe. Cuộc tranh cãi nào cũng bất lợi cho người nghe cả, vì khi tranh cãi, người ta không tôn vinh Chúa mà chỉ đề cao khôn ngoan của con người. Lúc đó Chúa bị tổn thương rất nhiều.

Một điểm khác ta cần lưu ý là mỗi khi tranh cãi, ta thường bỏ mất phần sống đạo mà chỉ lo lý luận sao cho thắng được đối phương, dù đó là ai. Năng thuyết bất năng hành cũng là một tục ngữ rất đúng, vì khi bận tâm cãi lẽ, ta quên hẳn nhiệm vụ cao quý của mỗi người tin Chúa là làm chứng nhân cho Chúa chứ không phải cãi cho Chúa. Chúa không bảo chúng ta tranh cãi, nhưn Ngài dạy mỗi người làm chứng nhân cho Ngài.

Khi các cuộc tranh cãi của những người tin Chúa diễn ra thì có hai tai hại. Thứ nhất là tạo nên ấn tượng là Cơ-đốc-giáo chỉ là một tôn giáo thu nhập những câu hỏi để tranh luận và những vấn đề để giải quyết. Một danh nhân từng nói rằng: “Chúng ta đã đặt ra tất cả những câu hỏi cần đặt. Đã đến lúc ngưng đặt câu hỏi mà bắt đầu tìm câu giải đáp.” Thứ hai, cuộc tranh cãi có thể phần nào thu hút những thành phần trí thức, có căn bản về tri thức và học vấn, nhưng lại gây hại cho những người tin Chúa đơn giản, vì có thể nêu lên những vấn đề không cần thiết và tạo nghi ngờ. Đây chính là điều Phao-lô dạy là nên tránh.

Thay vì bận tâm tranh cãi về những tín lý mà ta cho là không phù hợp và làm cho chính ta cũng như những người nghe khó chịu và bất mãn, Phao-lô dạy:

“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.”

Chuyên tâm trong nguyên văn là “gắng hết sức”. Câu này có thể diễn ý là: “Hãy gắng hết sức ra mắt Chúa như người đã chịu nổi các thử thách, như công nhân gương mẫu không hổ thẹn, như người giảng truyền chân lý chân thành.

Câu này trong Việt ngữ dùng từ chuyên tâm thật hay, nhưng nghĩa ở đây không phải chỉ là chăm chỉ không lười biếng, nhưng còn là sống sao cho xứng đáng là người đã được tinh luyện, làm việc trung tín và trung thực với lời dạy của Chúa. Người tin Chúa cần rao truyền lời Chúa chứ không phải những lý luận của mình nhằm bài bác người khác hay tạo uy tín cho mình. Giữa những lúc tà giáo nổi lên mạnh mẽ, những lý luận đưa ra bài bác đạo Chúa và phong trào kêu gọi trở về thờ cúng ma quỷ và linh hồn người đã chết, người tin Chúa cần đứng vững trong niềm tin đặt nơi Chúa và hết lòng trung thành truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giê-xu, vì đây là ánh sáng duy nhất cho nhân loại tội ác để tránh cơn đoán phạt của Chúa.

Phao-lô dạy tiếp:

“ Nhưng phải bỏ những lời hư không phàm tục; vì những kẻ giữ điều đó càng sai lạc luôn trong đường không tin kính, 17 và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hy-mê-nê và Phi-lết thật như thế, 18 họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy.”

“Những lời hư không phàm tục” đây không phải là những câu nói thô lỗ của người đời trong lúc tranh luận, nhưng là những lý luận sai lạc xa rời chân lý của đạo Chúa. Câu này có thể diễn ý là: “Hãy tránh những cuộc đối thoại xa rời chân lý của đạo, vì những người nói năng như thế càng ngày càng đi xa Chúa và những lý luận của họ sẽ ăn sâu làm hại vào hội thánh cũng như chứng ung thối trong da thịt.” Đây là những lý lẽ làm cho con người càng ngày càng hoang mang về Chúa và xa Chúa dần cho đến chỗ vô đạo.

Đây cũng là một đặc tính của những lý luận tai hại. Khi nào ta nghe người ta nói về Chúa, về đạo Chúa, nhưng chỉ là những ngôn từ trống rỗng, không đưa người ta đến gần Chúa mà chỉ tạo nghi ngờ và hoang mang, thì nên tránh xa, vì đó là những bước đầu dẫn ta đến chỗ bỏ Chúa.

Hai nhân vật Hy-mê-nê và Phi-lết không rõ là ai, vì chỉ nêu danh một lần trong lá thư này. Tuy nhiên căn cứ vào những câu sau, ta cũng có thể hiểu chủ trương của hai nhân vật này và tác hại của họ trong Hội Thánh lúc ban đầu. Sống lại đây là sống lại của người chứ không phải của Chúa Giê-xu. Theo các nhà giải kinh thì lúc ấy có hai lý luận về sống lại của người.

Người ta bảo rằng sự sống lại xẩy ra ngay khi ta làm báp tem tin Chúa, vì lúc ấy ta từ con người chết sống lại với Chúa. Thật ra báp tem chỉ là một biểu tượng, không có tác dụng nào đến linh hồn ta cả.

Lý luận thứ hai cho rằng ta sống lại qua đời sống của con cái ta. Nghĩa là đời sống ta chấm dứt, nhưng ta vẫn tiếp tục sống qua con cái của mình. Điều này hoàn toàn sai vì mỗi người là một cá thể riêng biệt, không ai sống tiếp nối ai cả. Hai lý luận sai lạc về sống lại này từng gây hoang mang cho nhiều người. Nhưng nếu không tin có sống lại từ cõi chết thì không thể gọi là Cơ-đốc-giáo, và như Phao-lô dạy, việc truyền đạo Chúa trở thành vô hiệu và giả dối.

Ta nên nắm vững lẽ đạo sống lại, và nếu có lý luận nào dẫn ta đi xa hơn những gì Kinh Thánh dạy, ta cần cảnh giác và tránh xa.

Câu kết luận của phần này là: “19 Tuy vậy, nền vững bền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn còn nguyên, có mấy lời như ấn đóng rằng: Chúa biết kẻ thuộc về Ngài; lại rằng: Phàm người kêu cầu danh Chúa thì phải tránh khỏi sự gian ác.”

Đây là những nguyên tắc kiểm nghiệm một người tin Chúa chân thật: Chúa biết ai thuộc về Chúa. Không cần phải lý luận nhiều, nhưng ai tin lời Chúa và sống với lời ấy cụ thể, thì người ấy biết Chúa và Chúa biết người ấy là con của Ngài. Ngoài ra, những ai xưng Chúa là Chúa là Cha, chắc chắn phải xa lánh những gì trần tục nhơ bẩn, và nhất là những lý luận xa rời chân lý của Chúa.

Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta sống turng thực với những gì mình đã tin và không bao giờ bị các lý luận của con người vô đạo dẫn dụ.