Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Dấu Chỉ Chúa Vui Lòng: Sự Hiện Diện của Ngài

Xuất Ê-díp-tô Ký 33:15-17

“Việc Chúa đi với chúng con sẽ phân biệt con và dân Chúa với tất cả các dân tộc khác trên mặt đất” (câu 16b BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời điều gì? Tại sao ông xin điều này? Chúng ta phải làm điều gì để kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình?

Lời thỉnh cầu Đức Chúa Trời của Môi-se có hai phần. Thứ nhất: ông xin Chúa tiếp tục ban ơn để ông hoàn thành đặc ân làm người lãnh đạo dân Ngài, cho ông biết đường lối Ngài vì ông lo lắng trước công việc quá lớn. Chúa hứa chính Ngài sẽ đi với ông. Sự hiện diện của Chúa trên đời sống mang lại bình an cho ông (câu 13-14).

Thứ hai Môi-se cầu xin cho dân của Chúa (câu 15-17). Môi-se biết Chúa đi với ông không đủ, nếu Ngài không tha tội cho dân chúng và đi với họ. Sau khi dân chúng phạm tội thờ bò vàng, Chúa bảo Môi-se tiếp tục dẫn dân chúng vào đất hứa, Ngài sẽ sai thiên sứ dẫn đường và đánh đuổi các dân tộc khác để họ chiếm lấy đất hứa, nhưng Ngài không đi với họ nữa, vì họ là dân cứng cổ, không nghe lời, nếu Ngài đi với họ có thể diệt họ dọc đường (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:2-3). Môi-se xin Chúa tha tội cho dân Ít-ra-ên và cùng đi với họ nếu Ngài muốn ông tiếp tục làm người lãnh đạo dân Ngài đến đất hứa. Ông lý luận: “Làm sao người ta biết được rằng con và dân này được Chúa vui lòng nếu Chúa không đi với chúng con? Việc Chúa đi với chúng con sẽ phân biệt con và dân Chúa với tất cả các dân tộc khác trên mặt đất” (câu 15-16 BDM). Cuối cùng Chúa phán với Môi-se, “Ta sẽ làm mọi điều con cầu xin, vì con làm Ta vui lòng và vì Ta biết đích danh con” (câu 17 BDM).

Dấu chỉ của một cá nhân, của cộng đồng đức tin thuộc về Chúa là sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Sự hiện diện của Chúa trong hành trình của đời sống là dấu chỉ Chúa vui lòng về đời sống chúng ta. Nếu chúng ta sống một đời sống Chúa không chấp nhận, Ngài không thể hiện diện trong chúng ta. Nếu Hội Thánh làm vui lòng Chúa, quan tâm đến sự học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ niềm tin, Hội Thánh cảm nhận Thánh Linh là bằng chứng sự hiện diện của Ngài với họ. Khi cá nhân hay Hội Thánh không thấy Chúa hiện diện thì phải biết mình đã chọn, đã tập trung vào những điều không làm vui lòng Ngài.

Cách nào chúng ta làm vui lòng Chúa? Chúng ta bắt đầu bằng cách yêu Ngài hết lòng. Nhiều người nhận biết Chúa, nhưng không thiết lập một liên hệ yêu thương gần gũi Ngài. Bạn có thể nhận biết người đứng bán sau quầy hàng ở chợ, nhưng không có nghĩa là bạn yêu người đó. Chúa không muốn chúng ta biết Ngài như vậy. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài, có một mối liên hệ thật gần gũi với Ngài. Chúa phán, “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và lớn nhất” (Ma-thi-ơ 22:37-38). Ưu tiên số một của chúng ta là yêu Chúa với tất cả sự sống của mình. Chúa muốn có chỗ đứng ưu tiên và trên hết trong đời sống chúng ta, và Ngài xứng đáng được điều đó.

Chúng ta cũng làm vui lòng Chúa khi tin Ngài. Kinh Thánh nói, “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Bạn có thể hoàn toàn tin một người không thân, không quen biết chăng? Đối với Chúa cũng vậy, chúng ta chỉ tin cậy và phó thác cho Chúa khi chúng ta gần gũi với Chúa và hiểu biết Ngài trong kinh nghiệm cá nhân.

Chúa Giê-xu phán, “Ví thử các ngươi làm theo điều Ta dạy thì các ngươi là bạn hữu Ta” (Giăng 15:14). Sự vâng phục của người tin Chúa quyết định chiều sâu trong mối quan hệ của người đó với Chúa. Làm theo Lời Chúa là bày tỏ lòng yêu mến Ngài. Sự phục vụ Chúa phải thể hiện qua mọi việc làm trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Làm thế nào để Chúa vui lòng? Điều đó đưa đến kết quả nào?

Chúa ơi, xin giúp con biết làm những điều Chúa vui lòng mỗi ngày để có thể nhìn thấy sự hiện diện của Ngài trong đời sống của con.

(c) 2024 svtk.net