Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

2 Ti-mô-thê 3:6-9

“6 Trong bọn họ có kẻ lẻn vào các nhà, quyến dụ lòng những người đờn bà mang tội lỗi, bị bao nhiêu tình dục xui khiến,

7 vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được.

8 Xưa kia Gian-nét với Giam-be chống trả Môi-se thể nào, thì những kẻ nầy cũng chống trả lẽ thật thể ấy: lòng họ hoại bại, đức tin họ không thể chịu thử thách được.

9 Nhưng họ không làm thêm được nữa, vì sự điên dại của họ sẽ bày tỏ ra cho thiên hạ, cũng như của hai người kia.”

Trong năm câu đầu Phao-lô đã vạch ra những đặc tính của những người ham tiền của và lạc thú trong đời. Nhưng câu sau đó, ông nói rõ lối sống và tư tưởng của họ. Đặc biệt là quyến dụ phái phụ nữ

Câu 6. Trong bản Việt Ngữ chỉ nói đến những người đàn bà…. thật ra trong nguyên văn là: Những người đàn bà dại dột hay là những phụ nữ nhẹ dạ. Trong xã hội luôn luôn có những phụ nữ nhẹ dạ, dễ nghe lời ngon ngọt của những kẻ lừa dối. Những người này ưa được nịnh nọt và thường bị lôi cuốn bởi khoa nói của các kẻ giả mạo làm người truyền giáo. Nhất là khi những người này đưa ra các điều đem lợi về cho họ. Đây cũng là giới mà những kẻ giả mạo sống nhờ. Ngày xưa, họ là các phụ nữ quyền quý, nhiều thời giờ nhàn rỗi, nên thích nghe các kẻ lừa dối tuyên truyền. Dĩ nhiên không phải phụ nữ nào cũng thế, nhưng trong xã hội bao giờ cũng có các bà nhẹ dạ như thế, nghĩa là tin Chúa nhưng dễ nghe theo những lý thuyết hay lạ và bị dao động. Giới phụ nữ này được mô tả là mang tội lỗi, bị nhiều tình dục xui khiến. Câu này không nhất thiết là về tình dục nam nữ, nhưng nói chung về những đam mê tội lỗi, tham lam, xấu xa như: kiêu ngạo, xa hoa, yêu danh lợi. Đây là những mảnh đất tốt cho những kẻ tham tiền và ham lạc thú hành động.

Câu 7, “vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật”. Câu này chứng tỏ giới phụ nữ đang nói đến không phải là người ngoại đạo, nhưng là các nữ môn đệ. Những người này vì nhẹ dạ, nên chỉ thích nghe những lời đường mật, lừa gạt của các giáo sư giả, vì vậy, dù có theo đạo lâu năm, cũng chẳng bao giờ nắm bắt được chân lý hằng sống của Chúa, mà chỉ theo những gì họ ưa nghe mà thôi. Đây là tình trạng của nhiều người ngày nay. Tin Chúa, nhưng thật ra chỉ đi nhà thờ, chỉ thích nghe nịnh hót, không bao giờ chịu hạ mình xưng tội để được cứu rỗi thật sự mà chỉ muốn vào đạo cho vui và có nhiều bè bạn. Nhiều người vẫn hăng hái hoạt động cho nhà thờ, nhưng trong lòng chẳng có gì thay đổi cả, vẫn chỉ sống bề ngoài và nghe những lời tán tụng giả trá. Thông biết lẽ thật có nghĩa là biết Chúa chứ không phải thuộc lòng nhiều kinh hay là dâng lễ trọng. Người tin Chúa điều cần yếu là biết Chúa và được giao ngộ với Chúa chứ không phải chỉ gia nhập vào một hội đoàn.

Nhiều người ngày nay bảo rằng biết rất rõ về Cơ-đốc-giáo, viết sách nghiên cứu về đạo và biết phân biệt mọi ngành của Cơ-đốc-giáo nhưng vẫn có thể gọi là “vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật.” nghĩa là họ chỉ biết triết lý Cơ-đốc, lịch sử Đạo Cơ-đốc, các phương cách phát triển của Đạo. Nhiều người còn cho là Đạo phát xuất từ các Đế quốc tư bản xâm lược. Nhưng thật sự vẫn chưa biết gì cả. Vì cái biết quan trọng nhất về Cơ-đốc-giáo là biết Chúa Giê-xu. Chỉ khi nào biết Chúa Giê-xu như Chúa Cứu Thế, đấng giải thoát mọi cuộc đời ra khỏi tội ác. Đấng đem hạnh phúc thật đến cho những người hết lòng tin bằng cách tha thứ, tái tạo và thay đổi hẳn cuộc đời. Đây là cái biết của kinh nghiệm. Cái biết của những người có thể phát biểu: Chúa Giê-xu thực sự sống trong tâm hồn tôi. Đó mới là biết lẽ thật hay chân lý. Các cái biết khác chỉ mất thì giờ hay là chỉ để thực hiện các việc làm hại cho Cơ-đốc-giáo mà thôi.

Bạn đã biết Chúa như thế nào? Đây chính là câu hỏi ta cần đặt ra mỗi ngày. Vì không chừng ta cũng theo đám đông trong đời, nói rằng biết Chúa mà chẳng có một kinh nghiệm nào cả.

Câu 8 “Xưa kia Gian-nét với Giam-be chống trả Môi-se thể nào, thì những kẻ nầy cũng chống trả lẽ thật thể ấy: lòng họ hoại bại, đức tin họ không thể chịu thử thách được” Tên hai người Gian-nét và Giam-be chỉ ghi lại tại đây vì vậy người ta chỉ đoán là hai người Ai-cập khi thấy Môi-se thực hiện các phép lạ để thuyết phục vua Ai-cập cho dân tộc Is-ra-ên được ra khỏi đất Ai-cập, cũng đã dùng các thủ pháp của họ làm các ảo thuật, cốt để làm giảm danh tiếng của Môi-se. Câu này có nghĩa là những giáo sư giả trong thời Phao-lô cũng tìm đủ cách để khoe tài khoe giỏi chứ không rao truyền đạo thật của Chúa. Vì trên căn bản, tâm hồn họ không có Chúa chiếm ngự và giáo lý của họ không thể nào chứng nghiệm được.

Câu 9: “Nhưng họ không làm thêm được nữa, vì sự điên dại của họ sẽ bày tỏ ra cho thiên hạ, cũng như của hai người kia.” Câu này có nghĩa là mặc dù các giáo sư giả có vẻ chinh phục được lòng một số người nhẹ dạ, nhưng họ có giới hạn không vượt qua được. Thời gian sẽ trả lời cho việc làm của họ. Vì đạo Chúa là đạo sống với kinh nghiệm và trưởng thành. Khi nào tin Chúa mà chỉ sống thấp hèn, quanh quẩn với những lý thuyết ru ngủ người tin thì chẳng chóng thì chầy, sẽ sụp đổ. Mọi người sẽ thấy những sai lầm của họ. Chỉ tội nghiệp cho những người nhẹ dạ, bỏ chính đạo mà theo những luận điệu giả trá của họ. Ngày xưa Môi-se thắng Pha-ra-ôn thế nào, thì ngày nay, những người tin Chúa thật cũng sẽ thắng những kẻ giả trá mang lốt đạo làm điều xằng bậy như thế.

Bài học trong các câu Kinh Thánh này là:

1. Người tin Chúa phải thận trọng trong việc phân định thật giả, căn cứ theo lời Chúa và những gì mình đã tin nhận. Nếu không, dễ bị những lời ngon ngọt của những kẻ tà giáo lôi cuốn.

2. Tin Chúa không phải là chỉ giữ hình thức, nhưng phải thực sự đặ Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống. Nếu không, dù ở trong đạo bao lâu cũng vẫn bị coi là chưa biết Chúa.

3. Mỗi người phải đi đến chỗ biết Chúa và Chúa sống trong tâm hồn mình. Vì đó là kinh nghiệm quý nhất của người tin Chúa.