Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

2 Ti-mô-thê 3:10-17

“10 Nhưng con đã theo sát ta trong lời dạy, hạnh kiểm, mục đích sống, đức tin, kiên nhẫn, yêu thương, bền chí của ta,

11 trong những cuộc bách hại, và hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lút-trơ. Những sự cuộc bách hại đó ta đều chịu cả, và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn.

12 Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống đời sống tin kính thánh thiện trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bách hại.

13 Nhưng những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, lừa dối kẻ khác mà cũng tự lừa dối chính mình nữa.

14 Về phần con, hãy đứng vững trong những điều con đã học và nhận lấy bằng lòng tin chắc chắn, vì biết con đã học những điều đó với ai,

15 và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.

16 Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, huấn luyện con người sống trong công chính thánh thiện,

17 hầu cho người của Đức Chúa Trời được trang bị đầy đủ để làm mọi việc tốt lành.”

Đây là những lời khuyên và khuyến giục Ti-mô-thê trong việc theo Chúa và phục vụ Ngài.

Khúc Kinh Thánh này có thể chia làm hai phần:

1. Tấm gương của Phao-lô và nguyên tắc sống thánh thiện.

Ta đọc lại các câu 10-12..

Phao-lô nêu lên chín điều mà Ti-mô-thê đã học qua tấm gương của ông:

a. Cách dạy dỗ. Phao-lô đã dạy như thế nào? Phao-lô chú trọng vào giáo lý căn bản, tức là sự nghiệp cứu rỗi nhân loại của Chúa Giê-xu hay phúc âm hoặc Tin Lành. Cách Phao-lô dạy là sống với học trò và cho họ thấy cách sinh hoạt và đối xử theo đúng nguyên tắc sống đạo. Học là bắt chước. Phao-lô muốn Ti-mô-thê bắt chước cách huấn luyện môn đệ và làm theo.

b. Hạnh kiểm. Bản cũ gọi là tánh hạnh. Đây là sống đạo của Phao-lô. Thuyết và hành phải đi đôi thì mới làm gương tốt được.

c. Mục đích sống. Phao-lô có mục đích sống là vì vinh quang của Chúa Giê-xu. Ông đã bảo ông sống là vì Chúa Giê-xu mà thôi, tất cả đều là rơm rác.

d. Đức tin. Phao-lô dạy người khác, nhưng cũng tiến lên trong đức tin. Ông bảo ông vẫn chưa đạt đến mức toàn vẹn, và còn đang chạy cho xong.

e. Kiên nhẫn. Dĩ nhiên là tin Chúa và công tác cứu người không thể nóng nẩy được mà phải kiên nhẫn, cầu nguyện tha thiết và chờ đợi Chúa. Chương trình của Chúa khác với ý định của ta, vì thế nếu không nhịn nhục, rất dễ bỏ cuộc.

f. Yêu thương. Người phục vụ Chúa không phải chỉ sống theo nguyên tắc, nhưng còn phải tràn đầy tình thương của Chúa. Không có tình thương, không thể nào phục vụ Chúa được, vì lúc ấy ta chỉ là máy móc mà thôi.

g. Chịu đựng hay bền đổ tức là kiên trì, không bỏ cuộc. Nhiều người cầu nguyện không thấy Chúa trả lời thì bỏ cuộc. Ta tin Chúa cần kiên trì trong mọi việc: cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, làm chứng cho Chúa hay giảng truyền phúc âm đều cần kiên trì.

h. Chịu bách hại. Bản cũ gọi là bắt bớ. Bắt bớ đây không nhất thiết là bị bỏ tù, nhưng là các phương cách làm khó dễ của người đời, của chính quyền, của kẻ thù v.v cốt ngăn cản ta sống đời tin Chúa trung tín và truyền ra tin mừng.

i. Chịu khổ. Hoạn nạn tức là những điều khiến cho ta đau đớn khó chịu. Gương chịu khổ của Phao-lô chắc ít ai theo kịp, vì ông có nguyên một danh sách các cảnh khổ ông từng trải qua.

Phao-lô nêu lên mấy địa danh từng gây khốn khổ cho ông nhất là An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lýt-trơ. Ông kết luận, ông đều chịu cả và được Chúa giải cứu luôn luôn. Gương sáng này cho những ai đang gặp cảnh bách hại bất cứ từ đối tượng nào cũng hãy vững tâm, tin Chúa và xin Chúa giải cứu. Chúa sẽ ra thay hành động.

Phao-lô nêu lên một nguyên tắc mà chúng ta không mấy ai muốn nghe, nhưng là sự thật, đó là:

“12 Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống đời sống thánh thiện trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bách hại.”

Chúng ta nhớ lời Chúa Giê-xu dạy về việc này và căn dặn mọi người rằng, vì không thuộc về trần gian nên ai tin Chúa đều sẽ bị chống đối và bách hại. Tuy nhiên Chúa cũng cho hay rằng tất cả chỉ tạm thời, mục đích cao quý nhất trong đời tin Chúa sẽ đạt đến nếu ta cứ tin cậy Chúa và trao tất cả cho Ngài. Sống thánh thiện có nghĩa là sống theo đúng lời Chúa dạy và giữ mình khỏi mọi nhơ bẩn của trần gian. Cả hai điều này người đời rất ghét và tìm cách làm khó dễ ta. Tuy nhiên Chúa Giê-xu từng nói: Chúa đã thắng trần gian, nên chúng ta cũng sẽ thắng. Nghĩa là vượt qua mọi gian khổ để đạt đến mục đích cao cả.

Phần thứ hai của khúc Kinh Thánh này là từ câu 13-17 đây là những lời khuyến giục Ti-mô-thê.

Xin đọc lại:

Câu 13 là mặt trái của câu 12. Một bên là những người muốn sống tin kính thánh thiện, bên kia là những kẻ hung ác, giả mạo. Phao-lô trở lại với đề tài giáo sư giả mà ông từng nói đến. Đặc tính của những người này là lừa dối kẻ khác và tự dối mình. Ngắn gọn hơn gọi là kẻ giả hình. Tức là những người không sống thật, chỉ sống vỏ ngoài và vì mục đích đen tối nào đó chứ không thật sự vì Chúa Giê-xu. Những người như thế không thể chứng minh được là họ có được gì nơi Chúa hay không, vì Phao-lô bảo, họ sẽ chìm đắm luôn trong tội ác.

Người tin Chúa thật không thể sống giả mạo, vì vô ích.

Câu 14, Phao-lô quay lại với Ti-mô-thê, và nhắc rằng Ti-mô-thê đã từng học với ông trong nhiều lĩnh vực. Khi học, Ti-mô-thê chiêm nghiệm và tin chắc. Tại đây chúng ta thấy vai trò của người hướng dẫn. Khi ta hướng dẫn ai đến với Chúa, ta cần sống thật với Chúa và đưa người ấy cùng gặp Chúa với mình. Học và tin nhiều khi là do gương sáng của người hướng dẫn. Đạo Chúa không phải là chỉ có một số người dạy đạo giỏi, nhưng là những người sống đạo gương mẫu và tạo ảnh hưởng tốt.

Câu 15. Phao-lô nhắc lại giáo dục trong gia đình của Ti-mô-thê. Hai bà có ảnh hưởng tới thanh niên này là người mẹ ruột và bà ngoại. Họ đã dạy thiếu nhi, thiếu niên Ti-mô-thê về Kinh Thánh là lời Chúa, và những lời ấy còn lại trong cả cuộc đời anh ta. Trong gia đình của quý vị và các bạn có như thế không? Chúng ta có quan tâm đến hiểu biết về Chúa của con em mình không? Nên nhớ rằng đứa trẻ là một người, và người đó cần biết Chúa, tin Chúa càng sớm càng tốt. Hai phụ nữ trong đời Ti-mô-thê đã dạy chàng rằng Kinh Thánh là con đường dẫn đến đức tin nơi Chúa Giê-xu để được cứu. Đó là giáo dục quan trọng nhất mà một trẻ em cần được học và tin. Mỗi chúng ta có trách nhiệm làm việc đó cho những trẻ em đang sống gần với ta.

Câu 16 và 17: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, huấn luyện con người sống trong công chính thánh thiện, hầu cho người của Đức Chúa Trời được trang bị đầy đủ để làm mọi việc tốt lành.”

Đây là một trong những câu trong Kinh Thánh nói về Kinh Thánh thường được trích dẫn. Trong các câu này cũng có một số nan đề về chữ nghĩa, tuy nhiên vẫn nói lên bản chất của Kinh Thánh và việc sử dụng Kinh Thánh.

Trước tiên ta nói về bản chất của Kinh Thánh. Một câu ngắn gọn gói trọn nguồn gốc và thẩm quyền của Kinh Thánh là: Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. Kinh Thánh trong thời Phao-lô chưa có Tân Ước, mà chỉ có Cựu Ước. Đức Chúa Trời đã soi dẫn, nghĩa là thần cảm những người ghi chép hay viết ra Kinh Thánh. Ta cần phân biệt giữa thần cảm và hứng cảm. Hứng cảm của các nhà văn hay thi sĩ nhạc sĩ qua nhiều thế hệ đã được thần cảm để viết ra Kinh Thánh theo ý định và mục đích của Chúa. Những người này thuộc đủ thành phần trong xã hội và sống qua nhiều thế kỷ, nhưng vẫn được thần cảm để viết Kinh Thánh. Việc Kinh Thánh tồn tại cho đến ngày nay chứng tỏ Kinh Thánh là Lời Chúa chứ không phải lời của con người. Vì không có cuốn sách nào do loài người viết ra có thể tồn tại và tác động đến nhân loại qua mấy nghìn năm và vẫn còn có giá trị như Kinh Thánh.

Khi nói về giá trị, các câu Kinh Thánh này cũng xác định rõ mấy tác dụng của Kinh Thánh đối với người tin Chúa:

1. Giáo dục. Đây là việc dạy cho con người biết về nguồn cội, Đức Chúa Trời, thân phận con người và phương cách tôn thờ Đức Chúa Trời để được tha tội và hưởng phúc lành.

2. Trách phạt hay khiển trách. Lời Kinh Thánh cho con người tiêu chuẩn để sống thánh thiện và cư xử tốt với đồng loại, vì thế khi đọc, lương tâm người bị thuyết phục phải thay đổi hành vi và cử chỉ.

3. Dạy người về công chính thánh thiện. Người từ dòng giống A-đam sinh ra, đã phạm nhiều tội ác, vì thế chỉ có Kinh Thánh mới chỉ bảo hướng trở về với Đức Chúa Trời là đấng toàn thánh, toàn thiện, toàn năng. Khi đọc Kinh Thánh con người biết rõ ý nghĩa, mục đích của cuộc đời và biết cách sống cho đạt tiêu chuẩn.

4. Trang bị cho người tin Chúa các điều cần để vào đời. Kinh Thánh không phải là sách kinh để đọc mà không hiểu gì cả. Nhưng là những lời dạy thiết thực để con người biết cư xử với Chúa, với người khác và với bản thân. Mục đích chính của đời người là tôn thờ Chúa và thương yêu đồng loại, vì vậy Kinh Thánh chính là cẩm nang cần thiết cho mỗi người.

Bài học trong phân khúc Kinh Thánh hôm nay rất quý giá, chúng ta cần đem áp dụng để cuộc đời thật sự đem lại hữu ích cho Chúa, cho đồng bào và cho chính bản thân.