Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Nền Tảng Để Vâng Lời

Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:1-15

“Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta” (Giăng 14:15).

Câu hỏi suy ngẫm: Yêu Chúa và vâng giữ Lời Chúa liên hệ nhau như thế nào? Tại sao yêu Chúa là nền tảng cho việc vâng giữ Lời Chúa? Bạn vâng giữ Lời Chúa vì yêu Chúa hay sợ Chúa?

Tầm quan trọng của Lời Chúa được nhắc rất nhiều lần trong Kinh Thánh. Thi-thiên 119 là chương Kinh Thánh dài nhất gồm 176 câu, có chủ đề là Lời của Chúa. Cứ mỗi một hay hai câu là chữ Lời Chúa hoặc những từ đồng nghĩa được sử dụng như luật pháp (law), chứng cớ (testimonies), luật lệ (statutes), mạng lệnh, (decrees, ordinance), đường lối (way), hay điều răn (commandment), giềng mối (precept), v.v...

Tân Ước cũng nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của Lời Chúa. Phao-lô từng khuyên Ti-mô-thê, “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (I Ti-mô-thê 3:16). Tác giả Hê-bơ-rơ đã khẳng định, “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Từ thời của tác giả sách Phục Truyền, dân tộc Ít-ra-ên đã được dạy dỗ về tầm quan trọng của Lời Chúa (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9).

Trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký có ba bài giảng của Môi-se vào những năm cuối cùng của chức vụ trong đồng bằng xứ Mô-áp cho người Ít-ra-ên thuộc thế hệ thứ hai. Đây cũng là năm cuối cùng của chặng đường 40 năm trong đồng vắng khi người Ít-ra-ên sắp bước vào đất hứa. Tại đây, giao ước và luật pháp của Chúa được truyền đạt cho một thế hệ mới. Đây là những người Ít-ra-ên mới lớn và không can dự đến cuộc nổi loạn với Chúa ở đồng vắng Pha-ran Ca-đe, khi người Ít-ra-ên từ chối vào đánh chiếm xứ Ca-na-an và định quay lại Ai Cập. Vì sự phản nghịch đó mà Đức Chúa Trời đã nổi giận và phạt những người tuổi từ 20 trở lên không được vào Đất Hứa (Dân Số Ký 14).

Trong phân đọan này, một mệnh lệnh được nhắc lại: “Hỡi Ít-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” Yêu kính Chúa nhất trong cuộc sống chính là nền tảng cho việc vâng giữ Lời Ngài. Mệnh lệnh này được lập lại trong cả ba sách của Tân Ước, và cả ba lần này đều được chính Chúa Giê-xu nhắc lại và được gọi là điều răn lớn hơn hết (Ma-thi-ơ 22:37; Mác 12:30; Lu-ca 10:27).

Yêu Chúa hết lòng, hết ý, hết sức là tình yêu tuyệt đối mà Chúa đòi hỏi. Nhận thức Ngài là Đức Chúa Trời có một không hai sẽ giúp chúng ta biết cư xử với Ngài một cách đúng đắn. Chúng ta sẽ dâng cho Ngài điều Ngài đáng được nhận, đó là tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn của chúng ta. Chúng ta yêu Chúa để đền lại tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như Giăng đã nói “Chúng ta yêu Chúa vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19).

Đa-ni-ên, trong cảnh phu tù tại Ba-by-lôn, vẫn giữ lòng yêu kính Chúa. Mỗi ngày Đa-ni-ên hướng về đền thờ Giê-ru-sa-lem cầu nguyện ba lần. Đó là hành động của tình yêu kính. Ông không chịu ăn những thức ăn ngon vua ban, rượu ngon vua uống và Kinh Thánh chép rằng “Đa-ni-ên tự quyết định trong lòng.” Đó không những là một hành động của trái tim, đó cũng là một quyết định của ý chí; và ba người bạn của Đa-ni-ên thà chịu bị ném vào lò lửa hực hơn là quỳ lạy pho tượng vàng của vua. Các ông “hết sức” để chống cự với uy quyền của bạo lực, sự sợ hãi và cái chết.

Chỉ khi nào chúng ta hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể yêu mến, trân quý Lời Ngài. Đây chính là nền tảng cho việc chúng ta vâng giữ Lời Chúa.

Tại sao bạn vâng giữ Lời Chúa? Vâng giữ thế nào? Việc vâng giữ Lời Chúa của bạn giúp ích cho ai?

Lạy Chúa, xin ban năng lực cho con để con hết lòng, hết ý, hết sức kính yêu Ngài hầu vâng giữ Lời Ngài là việc thường trực của đời sống con.

(c) 2024 svtk.net