Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

Đạo Lành

2 Ti-mô-thê 4:1-5

1 Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng:

2 hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.

3 Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; những vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình,

4 bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.

5 Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.

Ta nên nhớ là Phao-lô gửi hai lá thư Ti-mô-thê cho nhà truyền đạo mang tên của hai lá thư đó cũng như tất cả những ai rao truyền tin mừng cứu độ của Chúa Giê-xu cho nhân loại nói chung kể từ đó đến nay. Tuy nhiên không phải vì thế mà những người không chuyên về ngành truyền giáo không rút ra được những bài học hữu ích cho mình.

Phao-lô đã cho biết có những giáo sư giả, tiếng là dạy đạo Chúa, nhưng thật ra chỉ lo cho bản thâm mình và trục lợi. Ông quay sang Ti-mô-thê khuyên một lời quan trọng. Ta sẽ lần lượt phân tích sau đây:

Câu 1. Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng:

Bản Kinh Thánh diễn ý dịch câu này là: “Trước mặt Thượng-đế và Chúa Cứu Thế Giê-xu – Đấng sẽ xét xử người sống và người chết khi Ngài hiện ra thiết lập nước Ngài trên đất – ta long trọng khuyên con:”

Phao-lô nhắc lại về việc Chúa Giê-xu sẽ trở lại trần gian như một vị quan toà xét xử toàn thể nhân loại. Không những kẻ còn sống mà vô số kẻ đã chết nữa. Đây là một phán xét vĩ đại nhất cho toàn thể nhân loại trong mọi thời đại. Phao-lô hàm ý rằng việc Chúa Giê-xu trở lại là chắc chắc, và mọi người sẽ phải ứng hầu trước mặt Chúa để bị thẩm xét về tội trạng của mình.

Tuy nhiên, những ai đã tin nhận Chúa Giê-xu khi còn sống, đã được tha tội và không phải ra trước tòa này. Phao-lô muốn nhắc Ti-mô-thê về tính chất khẩn cấp và nghiêm trọng của phiên tòa cuối cùng đó để thúc đẩy Ti-mô-thê hăng hái hơn trong việc truyền bá tin-lành.

Người ta có thể quan niệm Chúa theo nhiều cách, tuy nhiên nếu quên rằng Chúa là một vị quan tòa xét xử nhân loại, thì vẫn chưa hiểu rõ về Chúa. Người ta không thể nào phạm tội rồi cứ sống tự nhiên mà không cần quan tâm đến một ngày kia trát toà sẽ đưa đến bắt ra hầu toà để trả lời về những sai phạm của mình. Đây không những là quan tâm của người truyền bá Phúc Âm, nhưng còn là điểm mà mọi người phải biết và ghi nhớ để sống sao cho khỏi bị ra hầu phiên toà chung thẩm này.

Câu 2: “ hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.

Bản Diễn Ý: “Hãy công bố đạo Chúa, hết sức cố gắng dù gặp thời hay không, hãy sửa trị, quở trách, khích lệ, dạy bảo với tất cả nhẫn nại.”

Ti-mô-thê được khuyên làm năm việc sau đây:

1. Giảng hay công bố đạo Chúa, dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh. Đây là phương châm của người truyền bá phúc âm vâng mệnh lệnh của Chúa vào nhân loại để nói về ân cứu độ của Chúa. Người truyền bá phúc âm ngay từ thời sứ đồ Phao-lô cũng đã kinh nghiệm nghịch cảnh nhiều hơn, nhưng họ vẫn trung kiên cho đến tử đạo, vì biết rõ họ đang làm công việc cứu vớt đồng loại khỏi cuộc trừng phạt ngày sau cùng. Ngày nay cũng vậy, ít khi nhà truyền giáo gặp những cơ hội đông đảo người tin Chúa mà không gặp sức chống đối. Dù cho đa số người vẫn tin rằng hễ sống “tốt đời, đẹp đạo” là sẽ không ai làm hại gì mình cả. Câu này còn có nghĩa là lúc nào cũng chuẩn bị sẵn, hễ thuận tiện là nói về Chúa cho đồng bào. Đây không phải là nhiệm vụ của nhà truyền giáo mà thôi, nhưng của tất cả mọi người tin Chúa. Ai cũng phải sẵn sàng nói về Chúa cho đồng bào trong bất cứ dịp nào đưa đến. Đó là nói đến việc truyền rao phúc âm cho những người chưa biết Chúa.

2. Đối với những người đã tin Chúa, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê thận trọng hơn. Vì truyền bá tin mừng có mục đích là xây dựng Hội Thánh, nhưng nếu Hội Thánh yếu ớt, nhiều nan đề thì việc truyền giáo cũng vô hiệu. Việc chăm nuôi, bồi dưỡng chiếm bốn phần trong công cuộc truyền bá phúc âm. Đây là điều mà nhiều người chưa nhận ra. Phao-lô nên lên bốn điều:

a. Sửa trị. Bản cũ dịch là bẻ trách. Đây là trường hợp những người tin Chúa nhưng bướng bỉnh, theo đường lối loài người chứ không theo lời Chúa. Người của Chúa phải thẳng chắn cho người ấy biết là sai lầm và phải ăn năn trở lại, nếu không, sẽ bị khai trừ. Đây là việc uốn nắn tư tưởng và niềm tin của tín hữu, sao cho đúng hướng và đúng lời dạy của Chúa. Hướng đây là vinh quang của Chúa và lời Kinh Thánh là kim chỉ nam, ai đi xa hướng và lời Chúa, người hướng dẫn phải đưa họ trở lại.

b. Quở trách hay nài khuyên. Việc làm này nhẹ hơn là sửa trị, nghĩa là dùng lời Chúa vạch ra sai lầm của đối tựợng và khuyến cáo ăn năn.

c. Khích lệ. Bản cũ dịch là sửa trị không đúng. Đây là việc làm khuyến giục cho người yếu đuối mạnh dạn, can đảm lên.

d. Dạy bảo. Người tin Chúa không phải chỉ nghe giảng, nhưng còn phải được dạy. Dạy về các cách học và hiểu lời Chúa. Dạy về cầu nguyện và làm chứng cho Chúa. Đây là việc huấn luyện.

Bốn việc làm này cần thường xuyên thi hành với lòng nhẫn nại hay nhịn nhục, vì không dễ dàng. Xin nhắc lại: Sửa trị, quở trách, khích lệ và dạy bảo hay huấn luyện.

Lý do mà phải nỗ lực làm việc là vì:

3 Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; những vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình,

4 bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.

Đạo lành đây là những giáo lý chân thật về đạo Chúa căn cứ vào Kinh Thánh. Sẽ có một thời người ta muốn loại trừ Kinh Thánh mà chỉ thích nghe lời của con người. Thời nào cũng có những người chỉ thích nghe lý thuyết nông cạn của các triết gia hay các nhà tư tưởng. Vì những người này nói xuôi tai, không bao giờ lên án mà chỉ tôn sùng con người. Chuyện huyễn là những điều ru ngủ, huyền hoặc do con người nghĩ ra. Có khi là những ngụ ngôn về đạo lý chứ không phải lời Kinh Thánh.

Lời Kinh Thánh khác hẳn. Kinh Thánh tố cáo ta là kẻ phạm tội, phải tin Chúa để được tái tạo. Gần như không ai thích bị tố cáo là phạm nhân, vì thế không thích đọc và nghe lời Kinh Thánh.Chung quanh ta lúc nào cũng có những người nhẹ dạ, chỉ thích nghe điều gì mình thích, khi bị lên án hay bị chỉ trích là rút lui ngay.

Tiếc thay, ngày nay biết bao nhiêu sách in ra không mang lời Chúa mà chỉ là tư tưởng của con người. Loài người chạy theo những gì mình thích và quy tụ chung quanh những lĩnh tụ như mình.

Mặt khác, tín đồ ngày nay cũng nhiều khi chán nghe giảng từ trong Lời Chúa mà ưa những buổi thờ phượng mang nhiều kích động tính, vì đáp ứng như cầu tình cảm của họ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, hễ ai chạy theo tình cảm, sẽ một lúc lại thay đổi nữa và cuối cùng không còn xúc động nào nữa và có thể bỏ Chúa. Những ai bền lòng nghe lời Kinh Thánh, sẽ được Thánh Linh biến đổi và trở thành người hoạt động cho Chúa hữu hiệu.

Câu cuối cùng Phao-lô khuyên : Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.

Bản diễn ý dịch: Con phải bình tĩnh sáng suốt trong mọi việc, chịu đựng gian khổ, lo truyền bá phúc âm, làm trọn nhiệm vụ của đầy tớ Chúa.

Câu này có mấy điểm: Tiết độ trong câu này là bình tĩnh sáng suốt trước mọi hoàn cảnh. Chịu đựng gian khổ, vì không ai làm công việc này mà không thấy khó khăn, cần bền chí và kiên nhẫn. Làm việc của người truyền giảng Tin Lành. Nghĩa là trung thành với nhiệm vụ và trách nhiệm Chúa giao cho.

Tóm lại, bài học hôm nay dạy ta:

1. Đừng quên rằng Chúa Giê-xu sẽ đến trần gian trong vai trò xét xử nhân loại. Ai tin Chúa sẽ tránh thoát phiên tòa này. Đây là phiên toà cho mọi người chối bỏ Thượng-đế.

2. Người truyền giảng tin mừng phải kiên trì và lúc nào cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ.

3. Người tin Chúa phải tạo được thói quen yên lặng nghe lời Chúa trong một nơi thờ phượng, đừng chạy theo xúc cảm, vì sẽ bị lôi cuốn vào những việc khích động không cần thiết.

4. Mỗi người phải là người truyền giáo và hăng hái, trung tín trong nhiệm vụ này để cứu đồng bào.