Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Lời Linh Nghiệm

II Ti-mô-thê 3:14-17

“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh có quyền năng biến đổi như thế nào? Chúng ta thường thấy những sai lầm nào đối với Kinh Thánh khiến Kinh Thánh trở thành lệch lạc, thiếu quyền năng? Làm thế nào để Lời Chúa luôn linh nghiệm trong đời sống chúng ta?

Nhiều người cho rằng Kinh Thánh là tập hợp những câu chuyện thần thoại, không có cơ sở khoa học, đầy những mâu thuẫn, và sai lệch về lịch sử. Đây thường là quan điểm của những người vô thần muốn phủ nhận giá trị siêu nhiên của Kinh Thánh. Thật ra Kinh Thánh có quyền năng biến đổi đời sống con người cho nên dù bị phủ nhận, Kinh Thánh vẫn trường tồn suốt bao thế kỷ.

Lời Chúa đưa chúng ta đến chỗ đối diện với chân lý và thấy con người thật của mình. Đức tin thật bắt đầu từ kinh nghiệm trực diện với Chúa qua lời của Ngài và từ đó con người chúng ta được biến đổi. Chính quyền năng của Lời Chúa đã khiến A-đam và Ê-va nhận biết mình lõa lồ trong vườn, khiến Phi-e-rơ ăn năn khóc lóc, khiến cuộc đời Phao-lô chuyển hướng từ một người bắt bớ đạo Chúa trở nên một người rao truyền Phúc Âm cho đến chết.

Mark Twain đã nói: “Nhiều người bối rối vì những đoạn Kinh Thánh khó hiểu, nhưng tôi lại thường bị bối rối bởi những đoạn Kinh Thánh dễ hiểu.” Thật thế, Lời Chúa luôn cáo trách, sửa dạy để biến đổi đời sống chúng ta. Phao-lô đã viết cho các tín hữu tại La Mã, “Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:19).

Ngày nay nhiều người đã vấp phải những sai lầm đối với Kinh Thánh, khiến Kinh Thánh trở thành lệch lạc, thiếu quyền năng. Sai lầm thứ nhất là khi giải nghĩa Kinh Thánh, nhiều người đã thêm vào Kinh Thánh những điều Kinh Thánh không nói, hoặc bỏ đi những điều Kinh Thánh đã nói. Điều này làm cho Kinh Thánh trở thành lệch lạc, chân lý bị bóp méo, tiêu chuẩn đạo đức bị hạ thấp theo tiêu chuẩn con người.

Sai lầm thứ hai là nhấn mạnh phần này của Kinh Thánh nhiều hơn phần khác. Điều này làm Kinh Thánh trở thành lệch lạc, mất quân bình, thiếu hài hòa. Kinh Thánh giống như một cây đàn có rất nhiều sợi dây đàn. Nếu chỉ gãy một vài dây mà loại bỏ những sợi dây khác sẽ làm cho âm thanh không còn hài hòa, êm tai. Khi đọc một phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta cần đối chiếu với những phần Kinh Thánh khác để tìm ra ý nghĩa đích thực.

Sai lầm thứ ba là nhiều người chỉ dựa vào cảm xúc để nói rằng Chúa phán điều này, điều kia nhưng lại không kiểm chứng xem những điều đó có phù hợp với Kinh Thánh hay không. Ý muốn của Chúa trước hết được bày tỏ qua Kinh Thánh như là nguyên tắc chung để hướng dẫn đời sống chúng ta. Ý muốn của Chúa trong những trường hợp cụ thể, cá biệt không thể mâu thuẫn với Kinh Thánh. Ngày xưa, Chúa đã cảnh cáo các tiên tri giả, “Này, ta nghịch cùng những kẻ lấy chiêm bao giả dối mà nói tiên tri, thuật lại và lấy lời dối trá khoe khoang mà làm cho dân ta lầm lạc, nhưng ta không sai và cũng không bảo chúng nó; chúng nó cũng không làm ích gì cho dân này hết, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 23:32).

Để Lời Chúa tiếp tục biến đổi đời sống, chúng ta phải luôn luôn học hỏi để càng ngày càng sâu nhiệm. Nhiều người thích uống trà đậm. Càng ngâm trà trong nước sôi càng lâu, nước trà càng trở nên đậm đà. Cũng vậy, càng dầm thấm trong Lời Chúa, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ. Khi học hỏi Lời Chúa, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa phán cùng chúng ta, để biết ý muốn Ngài và làm theo hầu đời sống chúng ta được biến đổi càng ngày càng trở nên giống Chúa.

Bạn có thể kể lại cho ai sự biến đổi đời sống bạn bởi Lời Chúa? Biến đổi như thế nào?

Xin Chúa giúp con càng ngày càng thấm nhuần Lời Chúa và càng kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Lời Ngài.

(c) 2024 svtk.net