Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Lời Chúa cho Con Cái

Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18-28

“Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy”(Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Ghi lòng tạc dạ Lời Chúa quan trọng thế nào cho việc dạy dỗ Lời Ngài cho con cái? Thế nào là ân cần dạy dỗ Lời Chúa cho con cái? Trong thời Môi-se, ông dạy dân chúng làm gì để dạy Lời Chúa cho con cái? Ngày nay chúng ta có thể thực hiện những lời dạy này như thế nào?

Khi truyền các luật lệ Ngài cho người Ít-ra-ên, Đức Chúa Trời muốn chính cá nhân họ ghi lòng tạc dạ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18). Ghi lòng tạc dạ Lời Chúa là bước bắt đầu và căn bản trước khi có thể truyền lại cho con cháu.

Chúng ta không thể truyền cho con cháu điều chúng ta không có. Chúng ta không thể truyền đạt hay thuật lại cho con cháu của mình điều chúng ta không biết, không tin, không vâng giữ. Cha mẹ là những khuôn mẫu cho con cái; con cái sống theo khuôn mẫu mà nó thấy nơi cha mẹ. Vấn đề không còn là chúng ta có ảnh hưởng đến con cái mình hay không mà chúng ta đã ảnh hưởng đến con cái như thế nào. Lời Chúa trước hết phải được giữ trong tấm lòng và tâm trí của chúng ta trước khi chúng ta có thể dạy cho con cháu chúng ta Lời Ngài. Lời Chúa phải có trong đời sống chúng ta trước.

Ân cần dạy dỗ con cái tức là sốt sắng, tận tâm truyền đạt Lời Chúa. Lời Chúa phải được thuật lại hay kể lại cho con cái chúng ta nghe (Giô-suê 4:21-24; Các Quan Xét 2:10-13; Giô-ên 1:2-3). Lời Chúa phải trở thành khuôn mẫu để chúng ta dạy dỗ con cái. Lời Chúa là thẩm quyền cao nhất mà chúng ta theo đuổi trong sự hình thành đời sống tin kính của chúng ta và con cái chúng ta. Chúng ta phải dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa.

Lời Chúa phải được ghi khắc vô lòng, vô trí của con cái chúng ta giống như một người dùng con dấu để đóng vào một bức thư hay khắc sâu vào một cái gì. Lời của Chúa cũng phải tạo ấn tượng trên đời sống của con cái chúng ta và khắc sâu vào ký ức của chúng, “dù khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Ân cần dạy dỗ nhắc nhở cha mẹ phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm linh của con cái. Thật đáng quý khi nhiều bậc phụ huynh ngày nay rất quan tâm đến con cái về mọi mặt: từ sức khỏe, đến việc học, việc làm của con cái. Nhưng đối với Lời Chúa, chúng ta có quan tâm đúng mức như vậy không? Ân cần dạy dỗ bao gồm việc nhắc nhở, động viên con cái đọc, học, và thực hành Lời Chúa. Ân cần dạy dỗ là một công tác đòi hỏi sự kiên trì theo thời gian. Nhưng trước khi ân cần dạy dỗ Lời Chúa cho con cái, chúng ta phải làm gương cho con cái về sự yêu mến Lời Chúa.

Ân cần dạy dỗ khi chúng ta ngồi trong nhà. Ngày xưa những người theo phái Thanh giáo ở Anh rất coi trọng nền giáo dục gia đình. Họ cho rằng mỗi “gia đình là một ngôi nhà thờ nhỏ.” Trong xã hội hiện đại, thời gian lý tưởng ở trong nhà có thể là bữa ăn tối vì suốt ngày cha, mẹ và con cái đều bận rộn với công việc làm, việc học hành, giao tế... Thời gian ăn tối và buổi tối là thời gian lý tưởng để chúng ta sum họp với nhau và nói chuyện với con cái về Chúa.

Ân cần dạy dỗ khi chúng ta đi ngoài đường. Trong bối cảnh xã hội của chúng ta, chúng ta ít đi ngoài đường nhưng lái xe rất nhiều ngoài đường mỗi ngày. Chúng ta cũng thường đưa đón con cái đi học hoặc tới khu giải trí, thể thao. Những lúc “đi ngoài đường” như thế là thì giờ để chúng ta nhắc nhở con cái về Lời Chúa.

Ân cần dạy dỗ khi chúng ta nằm. Cha mẹ thường nằm chung với con cái khi con cái còn nhỏ. Thời gian này chúng ta có thể đọc Kinh Thánh cho chúng nó nghe. Những câu chuyện Kinh Thánh luôn hấp dẫn với những trẻ nhỏ. Và những câu chuyện này trong ký ức của tuổi thơ sẽ để lại những dấu ấn lâu dài trong đời sống của chúng nó. Đó là điều chúng ta có thể làm như Châm Ngôn đã nói, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo.”

Ân cần dạy dỗ khi chúng ta thức dậy. Nhiều người có thói quen dậy sớm. Dậy sớm giúp chúng ta có thời gian trò chuyện và cầu nguyện với con cái trước khi bắt đầu một ngày mới. Đây là thói quen tốt, giúp con cái chúng ta có một kỷ luật thuộc linh từ khi còn nhỏ.

Chúa cho chúng ta ngày và đêm với những mục đích khác nhau, chúng ta có thể sử dụng mọi khoảng thời gian mà chúng ta có một cách sáng tạo để làm điều mà Chúa truyền cho chúng ta rèn luyện chính mình trong việc học Lời Chúa và truyền lại cho con cái chúng ta.

Bạn có thường xuyên dạy dỗ Lời Chúa cho con cháu không? Bằng cách nào?

Xin Chúa giúp con khôn ngoan và biết sử dụng các cơ hội để truyền dạy Lời Chúa cho trẻ thơ từ khi chúng còn thơ ấu.

(c) 2024 svtk.net