Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Lời Chúa cho Cộng Đồng

Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18-28

“Phải viết các lời này trên khung cửa nhà và trên cổng thành” (câu 20, BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Mục đích Môi-se truyền dạy dân chúng phải viết các điều răn của Chúa trên khung cửa nhà và trên cổng thành để làm gì? Ngày nay chúng ta rao truyền Lời Chúa cho cộng đồng cách nào? Cộng đồng mà bạn đang sống chung có đặc tính gì? Bạn áp dụng điều này thế nào trong cộng đồng của bạn?

Đức tin của chúng ta có tính cách cá nhân (personal) nhưng đức tin không bao giờ là riêng tư (private). Nói cách khác, đức tin là quyết định của mỗi cá nhân nhưng cần được chia sẻ và bày tỏ cho người khác, từ gia đình cho đến cộng đồng. Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy trước hết mỗi cá nhân phải tiếp nhận Lời Chúa, ghi lòng tạc dạ, để rồi dạy dỗ, truyền đạt cho con cái trong gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác, đồng thời phải quảng bá trong cộng đồng mình đang sống.

Câu 20 đề cập đến việc viết Lời Chúa trên cột nhà của chúng ta. Người Do Thái thường treo một cái hộp nhỏ gọi là Mezuzah trên trụ cửa, giống như hộp nhỏ mà họ mang trên tay hay đeo trên trán, trong đó có những đoạn Kinh Thánh bằng giấy da. Đây cũng là dấu hiệu cho biết những người đang sống trong ngôi nhà đó thuộc về Chúa, có một Vua Thiên Thượng đang cai quản gia đình đó. Ngày nay chúng ta không viết Kinh Thánh trên cột nhà nhưng rất nhiều người treo những câu Kinh Thánh trong nhà hay trước cửa như một dấu hiệu để cho khách đến nhà biết rằng đây là gia đình tin Chúa. Nhưng điều quan trọng không phải là ghi trên cột nhà hay treo trên tường nhưng là ghi trong đời sống chúng ta bằng việc làm để người khác có thể nhìn biết gia đình chúng ta thuộc về Chúa.

Lời Chúa không những đuợc viết trên cửa nhà nhưng còn viết trên cổng thành. Bản Kinh Thánh Truyền Thống 1926 dịch là “cửa nhà” nhưng thật ra đó là “cổng thành” tức cái cổng để vào thành phố. Lời Chúa phải được chú ý, quảng bá và gây ảnh hưởng trong môi trường, trong thành phố, trong cộng đồng mà chúng ta đang sống. Một trăm năm trước đây, Lời Chúa đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống xã hội của Mỹ. Lời Chúa được dạy trong trường học, Mười Điều Răn được treo trong các tòa án. Tuy nhiên đó cũng không phải là điều quan trọng mà Kinh Thánh muốn nói đến. Nếu chúng ta yêu Chúa và Lời Chúa dầm thấm trong đời sống chúng ta, từ đó sẽ tuôn tràn như một dòng nước sống, ảnh hưởng đến những người trong gia đình, hàng xóm và cộng đồng mà chúng ta đang sống.

Ba trăm năm trước, có một mục sư trẻ thuộc phái Thanh giáo tên là Richard Baxter đến phục vụ Chúa ở một thành phố nhỏ tên là Kidderminster ở Anh quốc. Đây là một thành phố khoảng 2.000 dân. Khi mới đến, Mục sư Baxter nhận thấy dân thành phố này phần lớn là những người thất học, thô lỗ, ăn nói cộc cằn, chỉ có một gia đình tín hữu đi thờ phượng Chúa vào Chúa Nhật. Mục Sư Baxter bắt đầu dạy Lời Chúa cho dân chúng trong thành phố này theo lối vấn đáp (catechize) một cách có hệ thống. Trung bình mỗi tuần ông dạy cho mười bốn gia đình tại nhà của họ. Ông đặt mục tiêu là mỗi năm phải dạy Lời Chúa cho 800 gia đình. Sau nhiều năm được Mục sư Baxter kiên trì dạy dỗ Lời Chúa, cuối cùng thành phố Kidderminster thay đổi hẳn bộ mặt. Vào ngày Chúa Nhật, các nhà thờ đầy nghẹt tín hữu, tiếng thánh ca vang lên khắp nơi. Thành phố không còn những tệ nạn xã hội. Chiến thuật của vị Mục Sư Baxter là kiên trì giảng dạy cho từng gia đình trong cộng đồng biết Lời Chúa và hướng dẫn họ áp dụng Lời Chúa trong đời sống cá nhân. Phương pháp dạy Lời Chúa của Mục sư Baxter đã trở thành một kiểu mẫu tại Anh. Gần 100 năm sau, George Whitefield, một nhà truyền giáo nổi tiếng của Hội Thánh Giám Lý, đến thăm thành phố Kidderminster và đã nói với một người: “Tôi thật được khích lệ khi nhìn thấy những công việc mà Muc sư Baxter đã làm cho thành phố và còn lại cho đến ngày nay.”

Cộng đồng mà bạn đang sống có thể là khu xóm bạn đang ở, ngôi trường bạn đang học, cơ quan hay công xưởng bạn đang làm việc, câu lạc bộ hay hội đoàn bạn đang sinh hoạt. Dù trong cộng đồng nào, Phúc Âm cũng cần được rao giảng. Một khi Lời Chúa được phổ biến, dạy dỗ trong một cộng đồng, chắc chắn cộng đồng đó sẽ thay đổi. Lời Chúa không bao giờ gieo ra cách vô ích, nhưng chắc chắn thuận lợi cho mục đích cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Bằng cách nào bạn rao truyền, đem Lời Chúa vào cộng đồng bạn đang sống?

Xin Chúa cho con khôn ngoan và dạn dĩ để chia sẻ Phúc Âm cho cộng đồng mà con đang sống.

(c) 2024 svtk.net