Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Danh Nghĩa của Hội Thánh

1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-10

8 Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa.

9 Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật,

10 đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau.

Mỗi cá nhân cũng như Hội Thánh đều có một tiếng tăm hay danh nghĩa. Nhưng tiếng tăm thuộc loại nào? Người ta muốn biết gì về con dân Chúa? Hay trong cộng đồng người ta biết đến Hội Thánh như thế nào? Đây là tiếng tăm của Hội-thánh Tê-sa-lô-ni-ca mà Phao-lô ghi nhận: "Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa. Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau."

Trong các câu Kinh Thánh vừa đọc có nhiều điều đáng cho chúng ta nghiên cứu. Trước tiên, các câu này cho biết như thế nào là tin Chúa và đổi mới, sau đó là cách sống của một người mới tin Chúa, và sau cùng là gương chứng của dân Chúa đối với trần gian.

Bản báo cáo

Tiếng tăm của các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca lan xa và rộng (câu 8). Phao-lô mặc dù chỉ truyền giáo tại Tê-sa-lô-ni-ca trong một thời gian rất ngắn, nhưng hằng trăm người đã tin Chúa và một Hội-thánh sống động đã được hình thành. Đi đâu Phao-lô cũng muốn nói về Hội-thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Nhưng ông chưa kịp nói thì người ta đã biết cả rồi. Thực ra những nơi ấy còn cho ông biết các tin tức về Tê-sa-lô-ni-ca thì đúng hơn.

Những chữ "đồn khắp" trong nguyên văn là từ nói đến tiếng kèn vang động hay sấm dậy lan ra. Đây không phải là loại báo cáo bình thường về một việc xẩy ra, nhưng là tiếng loan báo to tiếng. Hội-thánh của Chúa phải trở thành tiếng kèn vang động loan báo lời Chúa cho thế giới hư vong băng hoại.

Tiếng kèn được dùng nhiều cách trong các cuộc thờ phượng của người Do-thái. Người ta dùng kèn để quy tụ dân chúng khi muốn có một cuộc hội họp. Chúng ta cũng cần tiếng kèn như thế để kêu gọi con dân Chúa đến thờ phượng, cam kết và hiến dâng cuộc đời.

Tiếng kèn loan tin mừng được dùng khi một người được miễn án tử hình hay thoát khỏi cảnh làm nô lệ. Sáng sớm của ngày thứ nhất của người được tự do khỏi cảnh nô lệ tiếng kèn này được thổi lên để loan tin mừng. Chúng ta cũng cần loan tin mừng cho mọi người biết rằng mỗi người sẽ được giải phóng khỏi tội ác nhờ lòng tin đặt nơi Chúa Giê-xu.

Tiếng kèn còn dùng để thúc quân ra trận và khai chiến. Ngày nay con dân Chúa cần tiếng kèn này để chiến tranh chống lại tính xấu, tội ác, và bất công cũng như tuyên bố lập trường của Hội-thánh đối với các vấn đề vô luân thường đạo lý của thế giới loài người.

Tiếng kèn lại dùng trong lúc mọi người quy tụ lại thờ phượng Chúa. Đây là âm thanh của tình thương đối với một thế giới đầy hận thù và ghen ghét.

Ta còn nhớ rằng cuộc truyền bá tin mừng của Phao-lô tại thành Tê-sa-lô-ni-ca đã kết thúc bằng một cuộc náo loạn trong dân chúng. Một đám đông đã kéo các nhà truyền giáo ra khỏi thành. Sự việc này như cảnh cáo những người tin Chúa rằng: "Đừng vội phấn khởi. Nếu không giữ niềm tin một cách yên lặng, thì sẽ gặp rắc rối." Nhưng thay vì co rút lại trong bóng tối âm thầm để giữ niềm tin, những người này đã bạo dạn tuyên bố cho mọi người biết rằng Chúa Giê-xu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của họ. Họ công khai tuyên xưng đức tin nơi Chúa trước công chúng.

"Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu"

Đạo Chúa trong câu này nguyên văn là Lời Chúa. Hội-thánh Tê-sa-lô-ni-ca không loan truyền lời của người hay thánh nhân, nhưng loan truyền Lời của Chúa. Lời của Chúa là lời từ Chúa ban ra, không phải là thông tin về Chúa, nhưng chính là lời Chúa phán dạy. Lời Chúa có quyền năng đánh thức đời sống của mỗi người.

Làm tín đồ Chúa nghĩa là đã nhận được Lời của Chúa trong đời sống mình, đã được Lời Chúa biến đổi và sẵn sàng chia sẻ Lời Chúa cho ai chưa biết.

Ăn Năn

"Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật,"

Câu này cho ta hình ảnh thật rõ về một người xoay hướng trở về tin nhận Chúa.

Bước thứ nhất là: "Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật," Ăn năn là tuyên bố rằng: "Tôi đang đi hướng này, nhưng nay tôi đổi hướng. Ngày trước tôi yêu thích những việc này, nhưng bây giờ tôi yêu thích những việc này." Trong việc ăn năn thật, chúng ta thường từ bỏ hình tượng mà quay về thờ Chúa.

Người Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa lớn lên trong truyền thống phụng thờ giả thần. Cả đời họ chỉ biết có vậy. Khó mà bỏ đi được một tập tục mà ta đã giữ cả đời, thế mà họ đã từ bỏ tất cả để quay về với Chân Thần. Khi một người đã xoay hướng thì đời sống biến đổi hẳn. Người ấy không còn làm những việc thuộc về nếp sống cũ nữa.

Câu 4 nói rằng chúng ta có thể biết ai là người được Chúa cứu thật sự. Trong câu 9 Phao-lô cho biết khi một người được Chúa cứu, thì dấu hiệu là đời sống người ấy thay đổi hoàn toàn. Người ấy bỏ hẳn đời sống cũ, trở thành một người mới, một tạo vật mới.

Phao-lô giải thích trong 2 Cô-rinh-tô 5:17, là thư viết đồng thời với thư Tê-sa-lô-ni-ca: "Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới." Như thế muốn biết mình có được cứu hay chưa hãy xem cuộc đời mình có thay đổi gì không. Có từ bỏ những thói quen và lối suy tư cũ không? Có cam kết nào mới trong đời không? Có lập trường và thái độ mới đối với đời hay không?

Có người bảo: "Nhưng mà chúng tôi có thờ thần tượng gì đâu?" Thần tượng hay hình tượng không nhất thiết bằng gỗ hay đá, nhưng còn là những gì ta theo đuổi và dốc đổ cả năng lực vào. Tiền bạc, giàu sang, danh vọng, những đam mê xấu xa, những thói hư tật xấu, có khi chính là con người của ta nữa. Những thứ nào đang làm chủ cuộc đời ta thì thứ đó là thần tượng. Tôn thờ Chúa là từ bỏ mọi thứ thần tượng mà tôn thờ một mình Chúa.

"thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật," Câu này có tương phản. Hình tượng vô tri và chết; Chúa là Đấng Sống. Hình tượng giả tra.ù Còn Chúa chân thật. Hình tượng không có năng lực để cứu giúp; trong khi đó Chúa vào cuộc đời ta đem đắc thắng thay cho thua bại, trật tự thay cho hỗn độn, phước hạnh thay cho nguyền rủa.

Nhưng Chúa của bạn có thật hay không? Bạn có thể bảo: "Tôi là tín đồ của nhà thờ này hay nhà thờ nọ." Đó không phải là câu trả lời. Câu hỏi này có nghĩa là: Bạn có thật sự bước đi với Chúa mỗi ngày không? Nhiều người ngày nay đã chán đi nhà thờ và nhập vào đạo, nếu ta giúp những người ấy tìm đến Chúa thật sự và kinh nghiệm đời sống đổi mới, họ sẽ tin Chúa vững chãi. Vì Chúa sống và linh động. Xoay hướng về Chân Thần như thế là ăn năn.

Chúa Tái Lâm

Những người tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca đã chứng minh đức tin của họ bằng thái độ đối với việc Chúa Giê-xu trở lại. Họ " chờ đợi Con Ngài từ trên trời," nghĩa là chờ Chúa Giê-xu từ trời trở lại trần gian. Chờ đợi hay chờ đón. Đây là chờ đón với niềm vui chứ không phải lo sợ. Họ mong chờ Thầy của họ trở lại. Điều này khuyến khích và dộng viên họ ngay trong thử thách và áp lực.

Chờ đón trong câu này còn mang tính chất tin cậy và kiên tâm nữa. Ta nhớ rằng trước đó tại Tê-sa-lô-ni-ca đã có những người hiểu lầm về viêc tái lâm của Chúa Giê-xu. Có người bảo rằng: "Nếu Chúa sắp trở lại thì làm việc làm gì, ta cứ ngồi yên mà chờ đợi Chúa đi thôi." Vì vậy sau đó ta mới thấy Phao-lô viết: "Ai không làm việc cũng không nên ăn" Kiên nhẫn không đồng nghĩa với ăn không ở dưng. Người Tê-sa-lô-ni-ca lại còn sợ rằng những người đã chết sẽ không có cơ may gặp Chúa tái lâm. Phao-lô đã phải bảo họ: "Anh em phải có loại đức tin tin rằng Chúa giữ đúng những lời hứa của Ngài, Ngài đã hứa thì sẽ thực hiện." Ta không cần phải hối thúc hay ngăn cản Chúa hoặc là vạch đường chỉ nẻo cho Ngài. Ta chỉ cần chờ đón Chúa với đức tin và lòng tin cậy.

Ta không biết khi nào Chúa đến, vì có thể hôm nay. Nhưng nếu trễ hơn cũng chẳng sao. Ta chỉ cần trung tín và tin cậy rằng Chúa sẽ đưa Con Ngài hiện ra đúng thời điểm. Đó là việc của Chúa, ta chẳng cần phải lo. Việc ta cần làm là tiếp tục làm việc cho đến khi Chúa đến và lúc nào cũng sẵn sàng cho Thánh Linh hành động.

Phao-lô nói rõ đó là chính Chúa Giê-xu, nên mới nhắc: "là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau." Chúa Giê-xu là Cứu Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta cần ghi nhớ luôn rằng Chúa luôn luôn cứu chúng ta, tha thứ tội cho chúng ta, giải phóng chúng ta.

Chúa Giê-xu cứu chúng ta khỏi nhưng giây phút đau thương, ganh ghét, cay đắng, bất mãn và mọi thứ vô đạo tràn vào đời chúng ta. Nói như thế không phải chúng ta sẽ không có nan đề, nhưng nan đề sẽ không bắt lấy chúng ta được. Các khó khăn vây hãm và tấn công chúng ta, nhưng Chúa Giê-xu giải cứu.

Chúa Giê-xu còn cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ giận dữ của Đức Chúa Trời đối với tội của chúng ta. Chúa là tình thương, nhưng vì Ngài thánh khiết nên không thể chấp nhận tội, dù cho ở hình thức nào. Cơn thịnh nộ của Chúa luôn luôn đúng và là cách biểu thị phản ứng của Chúa đối với tội.

Cơn thịnh nộ của Chúa vẫn còn đối với những ai khước từ và chối bỏ, phủ nhận Ngài.

Một điều ta cần nhớ là tội ác không thể nào đắc thắng nhưng sẽ thất bại. Những kẻ vô đạo, không tin Chúa sẽ không cầm quyền mãi mãi. Lịch sử đang xoay đến một thời điểm mà cơn thịnh nộ của Chúa được hiển lộ từ trời. Chỉ có một cách duy nhất để thoát cơn thịnh nộ ấy là tin nhận Chúa Giê-xu ngay trong giây phút này.