Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Làm cho Chúa vui lòng

1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:11,12

Một lần nữa Phao-lô bảo các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca hãy nhớ lại hành vi cử chỉ của các nhà truyền giáo lúc đó. Ông bảo:

11 Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con,

12 khuyên lơn, yên ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài.

An ủi

Sứ đồ Phao-lô dùng hai chữ để nói về tình cảm của ông đối với người Tê-sa-lô-ni-ca. "Khuyên lơn" có nghĩa là đến bên cạnh một người nào, chia sẻ, nâng đỡ và an ủi. Trong hoàn cảnh khó khăn có người đến giúp đỡ và tăng cường sức mạnh cho. Phao-lô đã đến với Tê-sa-lô-ni-ca trong lúc họ gặp nhiều thử thách. Ông bảo họ rằng Chúa hiểu biết tất cả và Ngài sẽ ra tay cung ứng mọi nhu cầu giữa áp lực mà họ phải đối đầu.

"yên ủi" từ này trong nguyên văn còn mang nghĩa khuyến giục, khích lệ. Đây là cử chỉ đối với những người đang sống trong các áp lực và gặp nhiều chống đối. Hai chữ này đặt bên cạnh nhau tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về lòng thương cảm và an ủi của Phao-lô và các người đồng hành của ông đối vói những người tín hữu này. Ông dường như bảo họ: "Chúa hiểu rất rõ. Chúa biết các bạn đang dối diện với khó khăn. Chúa có sắm sẵn mọi nhu cầu cho các bạn."

Ngày nay có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đang cần các lời an ủi khích lệ này. Vì biết bao lần chúng ta cảm thấy mình dường như bị bỏ rơi, không ai hiểu mình. Chúng ta cần một lời nhắn nhủ từ nơi Chúa là Chúa hiểu rõ, Chúa thông cảm. Chúa đã bảo người nào đó đến với ta. Chúa và tôi tớ của Ngài có thể đỡ nâng chúng ta, an ủi và thêm sức cho ta.

Không có hoàn cảnh nào xẩy ra cho ta mà Chúa ngạc nhiên. Cũng không có hoàn cảnh nào đến với ta mà Chúa không thể biến hoàn cảnh đó thành hữu ích cho ta. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình thương của Chúa. Đây chính là điều an ủi to lớn.

Thương Cảm

11 Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con,

Câu nói này đượm tình thương và thông cảm. Cha nào chẳng lo lắng cho con. Không có người cha nào lại thích nhìn thấy con mình tuyệt vọng hay ngã lòng. Ngược lại, cha thường có lòng thương và chu cấp cho con. Đó chính là tâm hồn Phao-lô khi phục vụ tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Từ "đối đãi" trong nguyên văn là nói, chuyện trò riêng. Tại đây chúng ta thấy phương pháp của Phao-lô là tiếp xúc với từng cá nhân, chuyện trò, khuyên bảo.

Tại đây chúng ta thấy rằng thờ phượng Chúa chung chưa đủ và không thể thay thế tình tương giao cá nhân với nhau. Hội thánh phải tạo cơ hội cho những loại thông công trao đổi tốt lành như vậy.

Thách thức

Tại sao Sứ đồ Phao-lô phải làm việc và hoạt động như thế tại Tê-sa-lô-ni-ca? Tại sao chúng ta hoạt động như chúng ta đang làm ở địa phương?

Chúng ta nên nhớ rằng các công tác này không phải tận cùng là công tác. Vì mỗi phương cách truyền giảng tin mừng và phục vụ người tin Chúađều nhắm về cùng một mục đích, đó là : "anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài."(2:12)

Tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca đã được Chúa cứu vớt. Họ dã nhận được Lời Chúa trong cái đẹp huy hoàng vinh quang, nhưng những điều họ nhận đòi hỏi họ phải có bổn phận, đó là ăn ở xứng đáng với Đức Chúa Trời. Đây cũng chính là lý do mà Phao-lô và các bạn ông lao nhọc. Cuộc đời mỗi người tin Chúa phải là bằng chứng cụ thể về đức tin của chúng ta. Nếu những gì chúng ta tin chỉ ở trong hồn linh, nếu những cam kết của chúng ta với Chúa không ảnh hưởng gì đến cách chúng ta sống, thì chắc chắn có điều nào sai trật. Dù rằng chúng ta có vẻ kỉnh kiềng thiêng liêng trong các buổi thờ phượng cũng không đáng kể. Nghĩa là nếu chúng ta nói dối, gian lận, lợi dụng những người chung quanh mình thì chúng ta làm nhục Chúa và những người chung quanh mình.

Chúng ta được cứu hoàn toàn do ân sủng của Chúa. Tuy nhiên sau khi ta được cứu, nhiều điều Chúa muốn thực hiện qua đời sống ta. Nếu Chúa không làm việc qua chúng ta thì tương giao giữa ta và Chúa không đúng lắm.

Những điều này có nghĩa gì đối với những người bị ruồng bỏ, loại ra ngoài xã hội trong thời gian mà thờ phượng Chúa bị coi là bất hợp pháp?

Những điều này có nghĩa gì đối với một người chỉ vì xác nhận mình là người tin Chúa mà mất hết tài sản và chính sinh mạng mình?

Sống cuộc đời không làm hổ danh Chúa nghĩa là gì?

Có nghĩa là kiên trì ngay giữa cảnh bị bách hại. Nhiều người ngày nay tin Chúa như một thời trang, nhưng vô số người trên thế giới tin Chúa là chuyện sống chết. Người Tê-sa-lô-ni-ca cũng vậy. Tin Chúa họ phải trả bằng cả sự sống của mình. Đây không phải vấn đề tín đồ của ngày Chủ Nhẫt hay ngày Lễ. Nhưng dù áp lực đến đâu họ vẫn đứng thẳng dậy tuyên xưng Chúa Giê-xu là Vua tâm hồn mình.

Chúng ta có thể cũng gặp nhiều khó khăn và áp lực vì tin Chúa, nhưng người Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa có thể đã phải chứng kiến cảnh con cái bị giết chết, vợ bị hành hình hay là cha mẹ bị xử tử vì họ tin nhận không chối bỏ Chúa. Thế mà họ vẫn kiên trì. Chúng ta thật hổ nhục khi nghĩ đến cảnh theo Chúa dễ dãi của mình, thế mà đôi khi còn hờ hững với Chúa nữa !!

Nhưng người Tê-sa-lô-ni-ca cũng có niềm vui ngay giữa cảnh khốn khó. Vì họ đối đầu với khó khăn trong niềm vui, vì họ vâng lời dạy của Chúa. Phao-lô nhấn mạnh từ đầu là vâng lời Chúa thì sẽ kinh nghiệm niềm vui vĩnh hằng.

Sự Kêu Gọi

Phao-lô chuyển từ chỗ những gì chúng ta có thể làm cho Chúa, sang chỗ những gì Chúa làm cho ta. Dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ có thể làm gì tương xứng với những gì Chúa làm cho ta. Phao-lô bảo: "và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài." Động từ trong câu này là ở thì hiện tại, nghĩa là Chúa đang tiếp tục gọi, và vẫn kêu gọi chúng ta. Chúa chưa xong công việc Ngài cần làm đối với chúng ta đâu.

Phao-lô nối kết nước Chúa và vinh hiển của Ngài. Nước Chúa là hoạt động của Chúa về quyền năng chế ngự và quản trị trên đời sống của con dân Chúa. Nước Chúa không phải là một biên cương như là nước Anh, hay là một nơi chốn như quảng trường Thiên An Môn. Nước Chúa là một việc xẩy ra, việc mà Chúa đang hoạt động. Chúng ta không thể nào nhận thức đầy đủ được về nước Chúa cho đến khi chính ta đứng trước vinh quang của Ngài trong cõi vĩnh hằng, nhưng chúng ta có cơ hội tham dự một phần vào nước Chúa ngay bây giờ.

Chúng ta không thể đem người vào nước Chúa nhưng chỉ có thể giới thiệu họ cho nước Chúa và Chúa sẽ đưa họ vào. Chính chúng ta cũng không làm gì để có thê vào nước Chúa, vì Chúa đưa chúng ta vào. Chúa đưa chúng ta đến chỗ mà Ngài có thể hành động qua chúng ta.

"Vinh hiển" hay vinh quang, trong nguyên ngữ là một ý kiến, một cao kiến. Dần dần từ này được dùng riêng cho Chúa mà thôi và có nghĩa là huy hoàng, lộng lẫy.

Chúng ta được gọi đến nước Chúa và tại đó có Thánh Linh và quyền năng của Ngài để chúng ta có thể hưởng vinh hiển của Chúa.

Những câu Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta được niềm vui trong Chúa. Chúng ta sống trong nước Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Sở dĩ Chúa vẫn còn tiếp tục kêu gọi chúng ta là vì Chúa muốn thực hiện nhiều công tác qua chúng ta. Chúng ta cần ý thức và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy bảo.