Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Đức Tin, Sự Thông Công, và Tình Yêu

I Giăng 3:18-24

"Vả, này là điều răn của Ngài: chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta" (I Giăng 3:23)

Câu hỏi suy ngẫm: Đức tin và tình yêu thương liên quan với nhau như thế nào? Vì sao đức tin cần được bày tỏ một cách cụ thể qua tình yêu thương là mối thông công mật thiết trong thân thể Đấng Cơ Đốc?

Cựu Tổng thống Jimmy Carter của Mỹ có lần phát biểu: "Đối với tôi, đức tin không chỉ là một danh từ mà là một động từ." Ông đã diễn đạt điều mà thánh Gia-cơ đã nói: "nếu đức tin không sinh ra việc làm, thì tự mình nó chết" (Gia-cơ 2:17). Đức tin chân thành cần phải bày tỏ qua việc làm, và cách bày tỏ đức tin qua việc làm tốt nhất là yêu thương người khác. Sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng: "Dù tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì" (I Cô-rinh-tô 13: 2b). Như vậy trong đôi mắt của Đức Chúa Trời, thước đo của một người không phải là đức tin của người ấy lớn như thế nào mà là tình yêu thương của người ấy bao la và sâu đậm như thế nào.

Năm 1873, tu sĩ người Bỉ là Joseph Damien De Veuster được sự cảm động của Chúa đi đến trại những người bị bệnh phong trên vùng đảo Hawaiian của Molokai. Ông đến đây với tấm lòng nóng cháy, xây cất một nhà nguyện, hy vọng sẽ tìm được mối thông công, và đem Lời Chúa đến với những người bị căn bệnh quái ác tàn phá cơ thể họ. Nhưng mọi người đều tránh né ông. Không một ai đáp lại tình yêu và sự hy sinh của ông trong suốt mười hai năm ròng rã. Cuối cùng, tu sĩ Damien quyết định rời khỏi nơi này. Vào buổi sáng khi ông đang buồn bã đứng đợi trên bến cảng để đón con tàu đưa ông trở về quê hương, tu sĩ Damien chợt nhìn xuống đôi bàn tay và phát hiện những đốm trắng cũng như cảm thấy có một cảm giác tê tê ở đó. Ngay lập tức, vị tu sĩ biết điều gì đã xảy ra cho thân thể của mình: Ông đã mắc bệnh phong. Tu sĩ Damien bèn trở lại làng. Tin đồn được lan nhanh ra, và chỉ trong vài giờ, hàng trăm người kéo đến chật cứng cái chòi ông đang ở như cảm thông với tình trạng bệnh tật của người tu sĩ đáng thương này. Thật là bất ngờ, vào buổi sáng Chúa Nhật hôm sau, khi ông đến nhà nguyện, mọi người đã có mặt tại đó chờ ông. Tu sĩ Damien bắt đầu rao giảng Lời Chúa với sự cảm thông của tình yêu hơn là với những tư tưởng thần học bay bổng.

Trong bức thư gưœi cho các tín hữu tại La Mã, Sứ đồ Phao-lô có khuyên: "Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp" (Rô-ma 13:8). Món nợ mà mỗi con cái Chúa thật cần phải trả mỗi ngày, đó là món nợ yêu thương nhau. Thật vậy , một người thành thật tìm cách hoàn trả món nợ yêu thương thì người ấy sẽ khám phá ra rằng mình có thể dễ dàng giữ tất cả điều răn của Chúa. Sứ đồ Giăng đi một bước thực tế hơn khi khuyên nhủ con cái Chúa chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật (I Giăng 3: 18). Như vậy, cách bày tỏ đức tin mạnh mẽ nhất là yêu thương, và cách bày tỏ tình yêu thương rõ ràng và chân thật nhất là qua hành động. Khi con cái Chúa biết ân cần chăm lo cho nhau về thuộc thể lẫn thuộc linh với tình yêu thương chân thành như Chúa đã yêu chúng ta thì đức tin của chúng ta mới là đức tin chân chính, đẹp lòng Chúa, và mối thông công trong Hội Thánh sẽ trở nên bằng chứng sống động và hiển nhiên về chính Chúa của chúng ta.

Trong nếp sống hằng ngày bạn bày tỏ đức tin qua tình yêu thương như thế nào?

Lạy Chúa, xin cho con có sự nhạy cảm đối với những nhu cầu thuộc linh lẫn thuộc thể của những người chung quanh và một sự sẵn sàng giúp đỡ cho họ với một tình yêu vô điều kiện để qua đó con có thể sống một đức tin đẹp lòng Chúa.

(c) 2024 svtk.net