Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Thông Công và Sự Cảm Thông

Gia-cơ 1:19-20

"Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ" (Ê-phê-sô 4: 32).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự cảm thông quan hệ thế nào đối với sự thông công trong Chúa? Tại sao Cơ Đốc nhân cần phải cảm thông và được cảm thông?

Andy là một bé trai 7 tuổi bị cắt cụt cánh tay trái sau một tai nạn. Thật không dễ cho em khi phải chấp nhận sự mất mát này, mà còn nhiều khó khăn khi sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác. Lúc Andy trở lại trường học, cô giáo muốn tất cả học sinh trong lớp hiểu và cảm thông cho Andy khi em phải sử dụng chỉ có một tay. Một buổi sáng nọ, cô giáo bảo tất cả các học sinh trong lớp để tay trái ra phía sau lưng và cột lại. Bây giờ, những gì các em làm đều bằng tay mặt cả. Từ những việc nhỏ như lật một trang giấy, viết thế nào cho rõ và đẹp, cài nút áo và cột dây giày... các em đều làm bằng một tay mà thôi. Qua đó, các em mới hiểu được những khó khăn mà Andy phải đương đầu hằng ngày trong lớp và tại nhà khi mất cánh tay trái, và các em thật sự thông cảm với bạn mình. Trong thân thể của Đấng Cơ Đốc, anh chị em trong Chúa cũng cần phải cảm thông như vậy để chia sẻ cuộc đời của nhau trong mối thông công chân thật.

Sự chân thành trong mối thông công thật giữa anh chị em trong Chúa cần được đáp ứng bằng sự cảm thông sâu xa. Khi anh chị em chân thành bộc lộ nỗi niềm sâu kín của mình, họ cần được hiểu và cần được thừa nhận những cảm xúc của mình. Cảm thông là khi chúng ta hiểu và thừa nhận cảm xúc của anh chị em mình. Đáp ứng lại sự chân thành cởi mở của anh chị em khác bằng sự cảm thông sâu xa là xây dựng mối thông công chân thật một cách tích cực. Cảm thông ở đây không có nghĩa là cho lời khuyên hay giúp đỡ một cách qua loa cho có lệ mà là lắng nghe với sự ân cần và thật lòng san sẻ niềm đau của người khác. Đó là khi chúng ta "tham dự" vào nỗi đau đớn, sự buồn khổ, hay hoàn cảnh đau thương của nhau để mang lấy gánh nặng cho nhau. Thánh Gia-cơ đã khuyên: "người nào cũng phải mau nghe, mà chậm nói, chậm giận" (Gia-cơ 1:19b). Chúng ta chỉ có thể thật sự "tham dự" vào hoàn cảnh khó khăn của người khác khi chúng ta biết lắng nghe với tất cả sự nhạy cảm và lòng chân thành, và tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thật sự hiểu và cảm thông với họ.

Chúa Giê-xu phán: "Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian" (Giăng 16:33b). Là Cơ Đốc nhân không có nghĩa là chúng ta được miễn trừ khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng một trong những mục đích mà Chúa đưa chúng ta vào mối thông công chân thật là để chúng ta cảm thông và nâng đỡ nhau trong những thời điểm khủng hoảng, đau buồn, là những giờ phút mà đức tin của chúng ta đang bị nao núng. Qua những anh chị em biết cảm thông, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của Chúa. Khi Gióp lâm vào cảnh hoạn nạn, ba người bạn của ông là Xô-pha, Binh-đát, và Ê-li-pha đến, buông lời chỉ trích, trong khi điều ông thực sự cần là những người bạn biết cảm thông: "Quả thật, các bạn đào hầm xông hãm kẻ mồ côi, và đào hầm gài bạn hữu mình" (Gióp 6:27). Sự cảm thông, chứ không phải sự xét đoán, mới là yếu tố xây dựng mối thông công thật trong Chúa.

Làm sao để bạn có thể cảm thông với một người đang có khó khăn, nan đề? Trong sự thông công, cảm thông cần như thế nào? Tại sao?

Lạy Chúa, xin cho con tấm lòng nhạy cảm, biết lắng nghe những anh chị em trong Chúa của mình trong cảm thông nỗi đau của họ và chia sẻ những gánh nặng của họ một cách thiết thực, chân thành và qua đó có thể xây dựng mối thông công mật thiết trong thân thể của Ngài.

(c) 2024 svtk.net