Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Thông Công và Tha Thứ

Cô-lô-se 3:12-14

"Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi" (Ma-thi-ơ 6:14).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Cơ Đốc nhân cần tha thứ lẫn nhau? Sự tha thứ có ảnh hưởng thế nào trong việc xây dựng mối thông công thật?

Ngày nọ, sau bài giảng của Mục sư John Wesley về chủ đề sự tha thứ, một tín hữu tiến đến bên ông trong giờ thông công chào hỏi và tâm sự: "Thưa mục sư, bài giảng của mục sư về sự tha thứ thật sâu sắc và cảm động. Nhưng tôi thú thật với mục sư là đối với một số cá nhân đã từng làm tổn thương tôi, thì tôi chắc sẽ không bao giờ tha thứ được." John Wesley đáp lời một cách thật khôn ngoan: "Như vậy thì thưa ông, tôi hy vọng ông chưa bao giờ phạm tội." Bằng vài chữ ngắn gọn, John Wesley đã chạm đến chân lý của câu gốc ở trên một cách thật khéo léo: thứ nhất, trước mặt Đức Chúa Trời thì mọi người chỉ là những tội nhân cần sự tha thứ của Ngài, thứ hai, nếu một người không thể tha thứ cho người khác thì Đức Chúa Trời cũng không thể tha thứ những tội lỗi của người đó. Nói một cách khác, sự tha thứ đối với Cơ Đốc nhân không phải là một sự chọn lựa mà là một mệnh lệnh. Cơ Đốc nhân cũng chỉ là những tội nhân đã được Đức Chúa Trời tha thứ, và sự tha thứ đối với những người khác, thậm chí là đối với kẻ thù, phải là một phần không thể thiếu được trong bản chất của một Cơ Đốc nhân chân chính.

Người ta thường nói "nhân vô thập toàn," là người thì không ai tuyệt đối hoàn hảo, chưa từng lầm lỗi đối với người khác. Ngay cả sau khi tin Chúa, chúng ta vẫn có thể làm tổn thương người khác. Có khi vô tình, nhưng cũng có lúc là do cố ý, khi mà bản tính của "con người cũ" trong chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn "nổi dậy" để xúi giục chúng ta có những lời nói hoặc hành động làm đau lòng anh chị em khác. Do đó, chúng ta phải thừa nhận một thực tế: giữa anh chị em trong cùng một thân thể Đấng Cơ Đốc, thỉnh thoảng vẫn có "cơm không lành, canh không ngọt." Hơn bao giờ hết, đây là những lúc con cái Chúa phải thực hành lời Chúa dạy về sự tha thứ: "nếu một người trong anh chị em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy" (Cô-lô-se 3:13). Nếu thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều đã từng vấp ngã và đều cần sự thương xót và tha thứ từ Chúa cũng như từ những người khác trong những lúc như vậy để có thể đứng dậy và tiếp tục bước đi trên hành trình đức tin của mình, thì chúng ta cần phải tha thứ cho người phạm lỗi để họ cũng có được cơ hội chỗi dậy và bước đi. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần tha thứ cho người khác khi họ có lỗi và cũng sẵn sàng nhận sự tha thứ từ người khác khi chúng ta phạm lỗi.

Trong Hội Thánh vẫn xảy ra những việc như cay đắng, xung khắc, hay bất hòa, chúng ta không thể có được mối thông công thật nếu chúng ta thiếu sự tha thứ lẫn nhau. Người thế gian còn biết được giá trị của việc "thương nhau chín bỏ làm mười," huống chi là con cái Chúa. Mối thông công thật là biểu hiện của tình yêu thương thật trong Chúa, là nơi của ân sủng, là nơi mà những lầm lỗi được thứ tha. Chính sự tha thứ của Đức Chúa Trời là động cơ để chúng ta bày tỏ sự tha thứ đối với những người có lỗi với chúng ta. Khi một Hội Thánh có những thành viên biết học theo Chúa trong sự yêu thương và tha thứ, chắc chắn Hội Thánh đó sẽ kinh nghiệm được phước hạnh tuôn tràn từ chính Chúa và sự ngọt ngào của một mối thông công thật trong Chúa.

Tại sao Chúa muốn bạn tha thứ cho người khác? Sự tha thứ có vai trò nào trong mối thông công?

Lạy Chúa, Ngài đã tha thứ tất cả tội lỗi của con, xin giúp con tha thứ cho anh chị em con để xây dựng được mối thông công thật trong Ngài.

(c) 2024 svtk.net