Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Chúa Giê-xu Trở Lại

13 Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

14 Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài.

15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.

16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.

17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.

Sú đồ Phao-lô mở đầu phần này bằng câu:

Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

Và ông kết luận:

Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.

Phao-lô luôn luôn muốn người tin Chúa phải am hiểu những gì mình tin nhận. Thiếu tri thức này sẽ làm cho đời tin kính trở nên khô hạn.

Sứ đồ Phao-lô có lẽ chỉ ở lại với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca khoảng từ vài tuần đến vài tháng là cùng. Ông đã dạy họ về việc Chúa trở lại, nhưng chưa có dịp dạy họ chi tiết mà chỉ mới các nét tổng quát. Từ khi Phao-lô rời nơi ấy, có một số người già yếu đã qua đời. Những người còn lại lo rằng những người chết như thế đã mất dịp tiện được tiếp đón Chúa trở lại trong vinh quang. Số phận của họ ra sao?

Hội-thánh đầu tiên nhỏ bé, nên mọi người đều thân thiết gần gũi nhau trong tình thương. Họ thật sự lo toan cho nhau. Những người còn sống không muốn những người đã chết mất dịp hưởng những điều tốt đẹp. Họ có vẻ thắc mắc về điểm này nên Phao-lô đã giải thích rõ cho họ.

Điểm Tương Phản

Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

Tại đây Phao-lô phân biệt hai hạng người: Những người tin Chúa và những người khác. Những người khác là những người không tin Chúa và không có hi vọng gì cả. Hi vọng đây là hi vọng gặp lại người đã qua đời. Sự chết đem lại tuyệt vọng cho người đời, vì họ không có một trông mong nào bên kia nấm mồ cả.

Các triết gia trong đời cũng có đôi người ngụ ý rằng bên kia cõi chết còn có sự sống. Chủ thuyết khắc kỷ cho rằng bên kia nấm mồ có một kinh nghiệm đặc biệt nào đó. Nhưng đó chỉ là võ đoán, không có cơ bản nào cả. Phái khoái lạc bảo rằng chết là hết.

Tương phản với tất cả, Phao-lô kêu lên: "Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. 1 Cô-rinh-tô 15:55-57.

Bên ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu không ai có hi vọng gì sau nấm mộ cả, nhưng trong Chúa Giê-xu là đời sống vĩnh hằng.

Phao-lô muốn bảo rằng: Trái hẳn với trần gian tuyệt vọng, tôi muốn anh chị em, đừng buồn rầu như thể không có hi vọng gì. Phao-lô không bảo là họ không nên buồn rầu, ông chỉ bảo, đừng buồn như thể không có hi vọng gì. Chúng ta không buồn rầu tuyệt vọng như những người không có niềm tin nơi Chúa Giê-xu.

Ta để ý khi Phao-lô nói: "Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài."

Ông phân biệt: Người đã ngủ và Chúa Giê-xu đã chết. Đây là hai quan niệm về cái chết của Kinh Thánh Tân ước. Một quan niệm chết là kinh nghiệm tự nhiêh vào cuôi cuộc đời, một chuyển đoạn sau đó mỗi người tiến đến chỗ vĩnh hằng với Chúa. Quan niệm thứ hai, chết là một kinh nghiệm kinh hoàng, kết quả của tội ác và quả trái của cuộc nổi loạn phản nghịch, một điều đáng sợ và kinh hãi.

Nói về Chúa Giê-xu, Phao-lô dùng hình ảnh chết kinh khủng. Chúa Giê-xu đã chết thật, Ngài không ngủ. Ngài đã mang lấy cực hình của cái chết, những hậu quả của tội ác, tội ác của chúng ta. Chúa Giê-xu đã kinh nghiệm tất cả nỗi kinh hoàng của cái chết. Nhưng đối với chúng ta nỗi kinh hoàng đó đã mất, nỗi khổ đau đã được cởi bỏ. Cái chết của chúng ta được mô tả là giấc ngủ đơn giản.

Đây không phải là linh hồn ngủ hay là tình trạng chờ đợi trước khi sống lại, đây chỉ cho thấy rằng cái chết không đáng kinh hoàng, vì người tin Chúa đối diện với cái chết trong an bình. Chúa Giê-xu đã chết để nhờ đó chúng ta vượt qua cánh cửa của sự chết mà đến ở với Chúa.

Khi ngủ tức là có lúc thức giậy. Mỗi đêm ngủ khi thức giậy, ta thấy một ngày mới. Đối với người con của Chúa ngày mới đó ló dạng ở nơi mộ phần. Người con của Chúa sẽ thức giấc trong một thế giới mới vĩnh hằng, ánh sáng vĩnh hằng, niềm vui bất tận và với Chúa Giê-xu.

Quan niệm của đời là, hãy sống cho đầy đủ, vì một ngày kia cái chết sẽ đến là hết. Người tin Chúa thay vì sợ chết và sống vội trong cuộc đời, đã nhìn sự sống và cái chết trong việc mà Chúa Giê-xu đã thực hiện. Đó là hi vọng mà mỗi người tin Chúa đang có.

Kết Cuộc

Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. (14).

Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết và mang lấy đau khổ, kinh hoàng của sự chết, và Ngài đã chiến thắng tử thần bằng cách sống lại khải hoàn, thì chúng ta biết chắc rằng Chúa sẽ không quên những kẻ ngủ trong Chúa Giê-xu. Chúa sẽ cho họ sống lại khi Ngài hiện đến.

Cụm từ: Ngủ trong Chúa Giê-xu hàm chứa một niềm an ủi khích lệ. Đó là chúng ta không chết cô đơn mà chết qua Chúa Giê-xu hay đúng hơn, qua niềm tin đặt vững trong Chúa Giê-xu, vì thế chắc chắn Ngài sẽ cho sống lại. Kinh Thánh còn cho biết rằng dù hoàn cảnh nào, ngay cả cái chết cũng không thể tách rời người tin Chúa với tình thương của Chúa, vì thế dù sống hay chết, người tin Chúa vẫn ở với Chúa luôn luôn, như lời Ngài đã tuyên hứa.

Chúa trở lại

"Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em" Phao-lô truyền lại những lời Chúa đã chỉ dạy cho các sứ đồ về việc Chúa tái lâm. Nguyên văn câu này là: Tôi nói cho anh em biết trực tiếp từ Chúa truyền.

Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.

Đây là câu trả lời cho thắc mắc về trường hợp Chúa đến thì những người đã chết rồi sẽ ra sao. Chúng ta để ý thì thấy chúng ta lên với Chúa chứ không phải Chúa xuống trần gian này.

Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. (16)

Chính Chúa ở trên trời giáng xuống, sau khi có những tiếng kèn và tiếng của thiên sứ báo tin. Việc đầu tiên Chúa làm là ban lệnh kêu gọi tất cả những người chết sống lại. Đây là những người tin Chúa và thuộc về Ngài. Thân xác chết sẽ phối hợp với thần linh sống và ra mắt Chúa. Tất nhiên là với thân thể biến hóa, không còn tàn tạ như trước nữa.

Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. (17)

Những người còn sống sẽ nhập bọn với những người chết được sống lại để cùng gặp Chúa. Đây là đoàn người đông đảo trong mọi thế hệ, đã tin nhận Chúa. Những người khác dù còn sống hay đã chết đều không có mặt trong đoàn người này. Cơ hội lựa chọn đã xong và không ai còn dịp nào để nghe tiếng gọi của Chúa nữa.

Chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Đây mới là mục đích của cuộc đời theo Chúa: ở với Chúa vĩnh hằng. Dĩ nhiên tình trạng sẽ hoàn toàn đổi khác, thời gian và không gian không còn như cũ nữa và chúng ta sẽ mang thân thể như Chúa vậy.

Câu cuối cùng:

Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.

Lời đó là những chi tiết ngắn gọn về việc chết, sống lại và sống mãi với Chúa. Chúng ta là người tin nhận Chúa cần nắm vững tín lý về Chúa tái lâm hay là về quan cảnh con dân Chúa đón mừng Chúa.

Tới đây, chúng ta phải hiểu chết trong Chúa nghĩa là ngủ. Ngủ một giấc dài, thức dậy khi nghe tiếng Chúa tái lâm và được phục sinh với thân xác vinh quang để nghênh đón Chúa. Đây là hi vọng của mọi người tin Chúa. Đâykhông phải là tấm huy chương hay bằng khen tặng. Đây là sự thật.

Nếu chúng ta nghĩ đến ngày Chúa tái lâm và chúng ta đón mừng Chúa thì cuộc chuẩn bị là bây giờ. Hãy ăn năn hối lỗi, hãy trở về cùng Chúa, tìm kiếm Ngài, mời Chúa là chủ cuộc đời mình, vì một ngày kia cơ hội sẽ hết, nhất là khi tiếng kèn báo tin Chúa hiện đến. Đây không phải là triết học hay chuyện thần thoại, đây là thực sự. Nếu ta không tin bây giờ, ta có thể sẽ không còn cơ hội nữa.