Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Nhịn Nhục

Gióp 1:1-22

“Anh chị em biết rằng những người nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh chị em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy kết cuộc mà Chúa ban cho người, vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ” (Gia-cơ 5:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Xin cho biết các phước hạnh của ông Gióp trước khi ông gặp nạn. Xin mô tả những hoạn nạn ông phải gánh chịu. Ông Gióp đã bày tỏ đức nhịn nhục của ông ra sao?

Nhịn nhục là bông trái của Thánh linh. Nhưng nhịn nhục là gì? Có người định nghĩa “nhịn nhục là nhịn chịu sự nhục nhã.” Người khác thì cho rằng “nhịn nhục là khả năng để có thể đón nhận sự chậm trễ hay thất vọng một cách từ tốn.” Cũng có người định nghĩa “nhịn nhục là khả năng giúp cho một người có thể kiên trì, tiếp tục tiến bước trong hoàn cảnh khó khăn.”

Nhịn nhục rất cần thiết vì chúng ta không thể luôn luôn gặp những hoàn cảnh thuận lợi, hay khi nào cũng có ngay những gì mình muốn. Nhiều khi chúng ta phải chờ đợi, phải chịu ngược đãi, phải gặp điều thất vọng. Nếu không biết nhịn nhục, chúng ta sẽ nổi nóng, sẽ hành động điên rồ, vội vã, sẽ bỏ cuộc giữa chừng, để rồi phải gánh lấy những hậu quaœ của sự nông nổi, nóng nảy, hấp tấp của mình. Ngược lại, với tính nhịn nhục chịu đựng, chúng ta sẽ làm sáng danh Chúa, và được thành công trên đường theo Ngài. Ông Gióp là một thí dụ điển hình cho người có đức nhịn nhục. Dù đối diện với những khổ nạn to lớn trong đời, nhưng ông vẫn trung thành với Chúa, không bỏ cuộc. Cuối cùng, Chúa đã ban phước cho ông bội phần so với những gì ông đã mất mát.

Làm sao có đức nhịn nhục? Đây là bông trái của Thánh Linh. Tuy nhiên Thánh Linh thường không cho chúng ta đức nhịn nhục một cách trực tiếp và ngay tức khắc, nhưng Ngài dùng những phương tiện của Ngài để hình thành đức nhịn nhục trong chúng ta dần dần. Gia-cơ 1:2-4 cho biết thử thách hoạn nạn là một phương tiện của Chúa để đào luyện đức nhịn nhục trong con dân Ngài. Gia-cơ 1:3 dạy: “sự thử thách đức tin anh chị em sinh ra sự nhịn nhục.”

Nếu suy ngẫm kinh nghiệm bình thường trong cuộc sống, chúng ta cũng thấy thử thách là cách mà mọi người tập tành tính nhịn nhục. Các em bé sơ sinh chưa có tính nhịn nhục. Có nhu cầu là các em đòi phải thỏa mãn ngay. Đói là khóc, và muốn bú, muốn ăn ngay. Bị dơ thì khóc và muốn được thay tả, được rửa sạch ngay. Dần dần lớn hơn, các em học biết kiên nhẫn chờ đợi. Người trưởng thành có nhiều kiên nhẫn hơn trẻ con trong các sinh hoạt bình thường hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta cần có đức nhịn nhục cao hơn bình thường. Ấy là lúc chúng ta bị hiểu lầm, bị ngược đãi, bị thất bại, bị bệnh tật, bị phụ bạc, vv... Có thể chúng ta đã cố gắng để giải quyết các khó khăn; đã thiết tha cầu xin Chúa giúp đỡ; mà vẫn chưa thấy có gì tiến triển. Khó khăn, hoạn nạn vẫn y nguyên hoặc trở nên tồi tệ hơn. Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta cần có đức nhịn nhục lớn để có thể chờ đợi, tiếp tục vững tin nơi Chúa mà thờ phượng, phục vụ Ngài không bỏ cuộc. Khi chúng ta khó nhịn nhục, đó là lúc Chúa tập tành chúng ta nhịn nhục.

Thử thách giúp phát sinh tính nhịn nhục trong chúng ta. Tuy nhiên, thử thách vẫn chưa đủ làm cho một người nhịn nhục. Vì có người mới gặp thử thách, đã hoang mang, bỏ cuộc, chối bỏ đức tin. Cho nên, ngoài thử thách, chúng ta cần phải hiểu biết và tin tưởng vững vàng vào đức tốt lành, yêu thương, thành tín của Chúa. Có vậy, chúng ta mới có thể nhờ sức của Thánh Linh mà tập tành tính nhịn nhục. Thi-thiên 100:5 dạy: “Đức Giê-hô-va là thiện, sự nhân từ Ngài hằng còn mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.” Rô-ma 8:28 dạy rằng: “mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời.” Biết sự tốt lành, yêu thương, thành tín của Chúa, chúng ta mới có hy vọng để kiên nhẫn, chịu đựng những hoàn cảnh khó khăn, dù lúc ấy dường như Chúa vô tư, bất động.

Bạn là người nhịn nhục hay nóng nảy? Bạn cần Chúa giúp mình nhịn nhục trong những trường hợp nào?

Lạy Chúa, xin dạy con và giúp con sống với đức tính nhịn nhục trong nếp sống hằng ngày.

(c) 2024 svtk.net