Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Ngôi Lời Đến Thế Gian

Giăng 1:1-18

“Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời mở đầu của Phúc Âm Giăng có điểm nào khác với các Phúc Âm khác? Ngôi Lời là ai? Vì sao Ngài đến thế gian? Vì sao Ngôi Lời ở giữa thế gian mà thế gian chẳng nhìn biết Ngài (câu 10)? Bạn có quan hệ gì với Ngôi Lời? Mối quan hệ này thay đổi đời bạn thế nào?

Phúc Âm Ma-thi-ơ mở đầu bằng phả hệ của Chúa Giê-xu. Phúc Âm Mác bắt đầu bằng sự rao giảng của Giăng Báp-tít. Phúc Âm Lu-ca bắt đầu bằng lời nói với Thi-ô-phi-lơ về sự tận hiến của những người chép sử và sau đó là lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít. Phúc Âm Giăng có sự khởi đầu hoàn toàn khác hẳn. Bằng ngôn ngữ trang trọng gắn kết với công trình sáng tạo vũ trụ của Đức Chúa Trời và sự sống trong Ngài, Sứ đồ Giăng bắt đầu Phúc Âm của mình bằng cách giới thiệu về Ngôi Lời. Lý lẽ thần học luận về Ngôi Lời cuốn hút người đọc ngay từ đầu. Tuy nhiên cho đến câu 18, chúng ta mới thật sự biết chắc Ngôi Lời là ai.

“Lời” hay “Ngôi Lời” được sử dụng rộng rãi trong triết học Hy Lạp cũng như trong triết học và văn chương khôn ngoan của người Do Thái. Giăng đã lựa chọn thuật ngữ quen thuộc này để truyền đạt ý nghĩ của riêng ông. Đối với người Hy Lạp có học thức, “Lời” dùng để truyền đạt mệnh lệnh điều hành thế giới này. Chắc hẳn người Hy Lạp sẽ vui mừng khi đọc các câu 1-5 và nói với chúng ta rằng chính “Ngôi Lời” sẽ giữ cho mọi thứ trên thế giới này ở vào đúng chỗ của chúng. Mặt khác, những người Do Thái uyên bác cũng sẽ vui mừng giống như người Hy Lạp khi đọc các câu 1-5 và họ sẽ nói với chúng ta rằng Ngôi Lời của Đức Chúa Trời chính là sự khôn ngoan của Ngài. Sự khôn ngoan này ở nơi Đấng Tạo Hóa và là Đấng cứu chuộc người Ít-ra-ên. Ngài cũng là Đấng ban luật pháp cho họ. Nhưng sẽ không có người Hy Lạp hay Do Thái nào nói với chúng ta rằng Ngôi Lời đã trở thành người và ở giữa chúng ta.

Phần mở đầu độc đáo của Giăng dẫn chúng ta đến chỗ Ngôi Lời trở nên xác thịt trong câu 14. Cụm từ “đến trong thế gian” trong câu 9 không có nghĩa là thành nhục thể, vì thế người Hy Lạp và Do Thái vui mừng nghĩ rằng Ngôi Lời “ở trong thế gian” để sáng tạo, để truyền lịnh, để sắp đặt, để ban hành luật pháp và để ban ý nghĩa cho cuộc đời con người. Nhưng Giăng bảo rằng chúng ta đã gặp Ngôi Lời bằng xương bằng thịt và chúng ta thấy được sự vinh hiển của Ngài (câu 14).

Bởi trở nên xác thịt, Ngôi Lời giúp loài người nhận biết tình yêu thương của Cha Thiên Thượng. Bởi trở nên xác thịt mà Ngôi Lời đã khai mở một mối quan hệ vĩ đại với tất cả mọi người và khiến cho chúng ta trở nên thánh khiết (câu 11, 12).

Ngôi Lời trở nên xác thịt có liên hệ nào với đời sống bạn?

Lạy Chúa, Ngài đã đến trần gian vì con, xin giúp con ngày càng trở nên giống như Ngài hơn trong nếp sống thánh khiết, yêu thương và công chính.

(c) 2024 svtk.net