Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

Tránh Ngày Thịnh Nộ

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9-11

Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài. Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.

Mục đích của Đức Chúa Trời

Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, (9)

Câu này cho hay rằng ý định ban đầu của Chúa đối với loài người phạm tội không phải là bắt phải chịu hình phạt do cơn giận của Chúa, nhưng Chúa có chủ ý cứu tất cả do công lao của Chúa Giê-xu. Như thế chúng ta thấy rằng Chúa có kế hoạch cứu nhân loại chứ không phải diệt.

"Cơn Thạnh nộ" hay"cơn giận" có nghĩa là sự đoán phạt của Chúa. Có người nói rằng: "Chúa là tình thương thì tại sao Ngài lại nổi cơn thịnh nộ?" Ta nên nhớ, Chúa là tình thương nhưng Chúa cũng là Đấng toàn thánh, toàn thiện, vì vậy Ngài rất ghê tởm tội ác, và không thể nào dung tha hay bỏ qua tội phạm. Yêu thương không có nghĩa là yêu cả tội ác. Vì Chúa yêu thương sâu xa và hoàn toàn nên những ai khước từ Chúa và quay lưng lại phía Ngài để phạm tội thì bị trừng phạt.

Có người lại bảo: Chúa thương yêu nhưng tại sao còn có hỏa ngục. Câu Kinh Thánh này dạy thật rõ, Chúa không có ý định đưa toàn thể nhân loại vào hỏa ngục, nhưng đã có kế hoạch cứu nhân loại. Nhưng Chúa là đấng ban luật lệ, vì vậy điều kiện được Chúa cứu là phải tin nhận Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là phương cách giải quyết vấn đề phạm tội đáng bị trừng phạt của con người và cơn thịnh nộ của Thượng Đế dành cho những kẻ phạm tội.

Chúng ta thương hay nói tin Chúa là được cứu. Nhiều người không hiểu cứu khỏi cái gì. Đây là được cứu khỏi cơn thịnh nộ đoán phạt của Chúa.

Chúa đã có ý định cho tất cả mọi người đều được cứu, chứ không phải tiêu diệt tất cả.

Cứu rỗi không phải là sáng kiến của người, nhưng là kế hoạch của Chúa. Chúa Giê-xu vì vậy là con đường, là nguồn sống cho những ai bằng lòng tin, vì tin Chúa Giê-xu là người Thượng Đế sai xuống cứu đời thì được cứu.

Việc Chúa Giê-xu đã làm

Ngài "là Đấng đã chết vì chúng ta" Câu này có nghĩa là Chúa chết thay chỗ cho mỗi chúng ta. Chúa Giê-xu đã trả thay cho chúng ta một công giá là cái chết. Khi tin nhận Chúa đã chết cho mình, chúng ta được tha tội và giải thoát khỏi án phạt tội. Sụ chết của Chúa đưa đến các kết quả cho chúng ta. Cái chết của Chúa không phải chỉ là một kinh nghiệm trong lịch sử, cũng không phải thảm kịch xẩy ra cho một cuộc đời tốt lành. Cái chết ấy có những áp dụng đặc biệt và vĩnh hằng cho chúng ta ngày nay.

Chúng ta không còn phải xa cách Chúa là nguồn sống nữa, đó là việc Chúa Giê-xu làm.

"là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài." Thức ngủ đây là sống chết. Dù người còn sống hay kẻ đã chết thì vào ngày đó ai tin Chúa vẫn được sống lại và ở với Chúa.

Nhiều người sức khoẻ kém đi vì tuổi cao, tất cả chúng ta đều tiến dần đến chỗ chết. Nhưng hãy nhớ rằng, dù sống hay chết chúng ta hễ đã tin Chúa thì sẽ ở với Chúa mãi mãi. Vì chúng ta được cứu để sống đời đời.

Chúa Giê-xu đã chết vì chúng ta vì thế chúng ta đã được đền bù tội lỗi, không bị trừng phạt mà chờ đợi được sống vĩnh hằng với Chúa. Cuối cùng, những ai tin nhận Chúa thì sẽ được ở với Chúa đời đời.

Nhiệm vụ đối với nhau của Người Tin Chúa

Câu 9 nói về mục tiêu của Chúa, câu 10 nói về việc Chúa Giê-xu làm và câu 11 nói về nhiệm vụ đối với nhau của Người Tin Chúa.

"Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm."

Chúng ta tin Chúa không phải chỉ cho phần mình, nhưng vì người khác nữa. Chúng ta cần sống với nhau trong tình thương, nhưng cũng trong việc đào tạo lẫn nhau. Khuyên bảo và gây dựng là những việc làm thường xuyên. Mọi người coi nhau như cùng thuộc về một thân thể và hết lòng lo cho nhau. Khuyên bảo thì có lẽ ai cũng làm được, nhưng trong câu này không có nghĩa luân lý, mà mang nghĩa khuyến khích, thúc đẩy nhau tiến lên trong Chúa. Gây dựng thì khác, đây là việc cùng học với nhau về một gương chứng hay khúc Kinh Thánh để tìm ra điều hữu ích cho mình và cho người khác. Chia sẻ những kinh nghiệm sống cũng là gây dựng. Gây dựng hay xây dựng mang tính chất cơ bản và kéo dài. Nghĩa là phải học Kinh Thánh và cầu nguyện chung với nhau. Gây dựng phải có phương pháp và phải khiêm nhường hạ mình.

Phao-lô nhắc trong phân đoạn này những điều căn bản trong niềm tin, tuy nhiên ông muốn mọi người chỉ nghe qua rồi quên, mà hằng ngày áp dụng đời sống sao cho Chúa được vinh quang. Phao-lô cũng khen người Tê-sa-lô-ni-ca là họ đã thường sống trong tình thương với khuyên bảo và xây dựng nhau như thói quen.