Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Giao Ước của Sự Nhân từ và Thành Tín

Thi-thiên 89:19-52

“Ta sẽ chẳng cất lấy sự nhân từ Ta khỏi người và sự thành tín Ta cũng sẽ chẳng hết” (câu 33).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời hứa gì với Đa-vít? Những điều Ngài hứa với ông bao gồm những điều kiện nào? Đối với Đức Chúa Trời bất tuân lời Ngài có nghĩa gì và dẫn đến hậu quả nào? Có khi nào bạn bị Đức Chúa Trời sửa phạt không? Sự sửa phạt của Ngài có ích lợi gì cho bạn?

Đức Chúa Trời đã chọn lựa Đa-vít và xức dầu cho ông làm vua người Ít-ra-ên. Vương quyền của Đa-vít là sự ban cho của Đức Chúa Trời chứ không phải là do tài mưu lược hay là sự dũng cảm của ông mà đạt được. Chính cánh tay của Đức Chúa Trời đã làm cho ông được vững mạnh để kẻ thù không thể lấn lướt ông cũng như dân tộc mà ông đang cai trị (câu 21-23). Khi Đức Chúa Trời ở cùng ông thì không một sức mạnh nào có thể đánh đổ ông. Cũng vậy không có cường quyền hay thế lực nào có thể thắng những người mà Đức Chúa Trời lựa chọn và ở cùng. Ngài hứa rằng Ngài sẽ bày tỏ lòng nhân từ thành tín lâu dài đối với ông và những người kế nghiệp ông. Trong danh Ngài, tất cả lời hứa đối với tổ phụ ông cũng như chính ông sẽ được ứng nghiệm.

Những điều tác giả nói đến trong các câu 21 và 27 được xem là những lời tiên tri về Đấng Mết-si-a. Đức Chúa Trời ban vương quyền cho dòng dõi Vua Đa-vít và từ đó sẽ có một vị “Vua trên muôn vua.” Chính Ngài là “Chúa là Cha,” là “Đức Chúa Trời và là hòn đá về sự cứu rỗi” (câu 26) của toàn thể nhân loại, chứ không riêng gì Đa-vít hay dân tộc của ông.

Bởi giao ước của sự thành tín và yêu thương, Đức Chúa Trời hứa bảo đảm cho sự hưng thịnh của triều đại Đa-vít. Ngài đã thực hiện điều này bằng cách luôn giang tay ra che chở cho họ. Tuy nhiên những điều Ngài hứa cũng kèm theo điều kiện. Là cách đại diện cho Đức Chúa Trời trên đất, Đa-vít và những người kế nghiệp cũng như dân Ngài phải tuân giữ luật pháp, điều răn và các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời (câu 30, 31). Đối với Ngài, bất tuân Lời Ngài và phạm tội là chống nghịch lại Ngài. Những ai vi phạm điều răn và luật pháp của Ngài không thể nào tránh khỏi bị trách phạt (câu 32). Dù dùng roi đòn để trách phạt, dù họ kêu than và đau đớn vì sự sửa phạt của Ngài (câu 38-51) nhưng Ngài vẫn bày tỏ lòng yêu thương vô hạn đối với con cháu của Đa-vít cũng như hết thảy những người thuộc về Ngài.

“Vì Chúa sửa phạt người Ngài yêu. Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 2:16). Khi bị sửa phạt, bạn nghĩ gì và có thái độ nào?

Lạy Chúa, xin giúp con chớ xem thường sự sửa phạt của Ngài và chớ quên lời khuyên dạy của Ngài (Châm Ngôn 3:1), vì Ngài khuyên dạy và sửa phạt những người mà Ngài yêu thương.

(c) 2024 svtk.net