Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Những Khuyến Cáo Khẩn Cấp

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:15-22

16. Hãy vui mừng mãi mãi,

17. Cầu nguyện không thôi,

18. Phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy.

19. Chớ dập tắt Thánh Linh;

20. Chớ khinh dể các lời tiên tri;

21. Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy.

22. Bất cứ điều gì tựa như điều ác thì phải tránh đi.

Đây là một loạt những lời khuyến cáo rất ngắn nhưng khẩn cấp và quan trọng.

Chúng ta nhận thấy những câu 16, 17, 18 là một lời khuyến cáo chung. Khuyến cáo này liên quan đến thái độ cầu nguyện của ta. Đây không phải là việc bề ngoài để cho người khác thấy, nhưng đây là cách ta cầu nguyện và chỉ Chúa với ta mà thôi.

Sau khi Phao lô dạy: "Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho ai, nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ." Ông nói ngay, "Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của ĐCT trong ĐCGiê-xu Christ đối với anh em là như vậy."

Một Hội thánh chân chính của Chúa trước tiên phải là một HT có niềm vui. Niềm vui đây không phải là mọi người đều ca hát hay gây náo nhiệt. Niềm vui trong Chúa là loại niềm vui của an bình, thương yêu, tin cậy và đầy hi vọng.

Người tin Chúa được tha thứ tội lỗi nên nhận được an bình đối với Chúa, nghĩa là không còn sợ Chúa làm hại mình hay trừng phạt, nhưng được giao tiếp với Chúa như con đối với Cha. Chúa là tình thương, nên gần Chúa ta có lòng thương yêu đối với người khác và dễ tha thứ. Khi có an bình và thương yêu trong tâm hồn thì lòng vui vẻ, không lo lắng âu sầu vì hết lòng tin cậy Chúa và luôn luôn hi vọng những điều tốt lành. Cuộc đời người tin Chúa thật phải là cuộc đời tích cực. Đó chính là ý nghĩa của vui mừng hay niềm vui trong Chúa. Dĩ nhiên khi tâm hồn có Chúa cai quản, khi có niềm vui thì nét mặt, nụ cười và lời nói cũng khác đi. Những lời ca ngợi nhiều hơn là than thở, nói xây dựng hơn là chỉ trích phê bình hay nói xấu.

Phao-lô dạy "Hãy vui mừng mãi mãi" Câu này không có ý bảo ta sống mất tự nhiên, nghĩa là cứ vui cười ca hát luôn luôn và không biết buồn rầu là gì. Trong đời không ai có thể sống như thế, vì không ai tránh được những khó khăn, bất trắc, tai nạn, thất nghiệp v.v. Nhưng vui mừng mãi mãi đây là hết lòng tin cậy Chúa và không để cho hoàn cảnh làm cho mình bị chôn vùi trong đau khổ.

Nhưng không niềm vui nào so sánh được khi ta biết rằng ta có thể đến với Chúa và cầu nguyện. Có thể nói, cầu nguyện mới làm cho ta vui được. Khi nào quên cầu nguyện, ít cầu nguyện, hay không cầu nguyện, cuộc đời ta sẽ thật khốn khổ.

Hội Thánh của Chúa ngay từ ngày đầu tiên đã gặp nhiều cảnh bách hại, cho đến nay cũng vẫn bị người đời gây khó dễ và tìm cách ngăn chặn ta thờ phượng Chúa. Nhưng người tin Chúa nhận thấy đi đến đâu hễ gặp tín đồ của Chúa, vào Hội Thánh của Chúa là thấy lòng an bình vui vẻ. Nói khác đi, chỉ có trong Hội Thánh Chúa người ta mới tìm được niềm vui thật. Đây là đặc điểm của Hội Thánh Chúa trên khắp thế giới. Như đã nói ở trên, người ta thấy vui vì nhận thấy con cái Chúa có an bình, thương yêu, tin cậy và hi vọng. Ngoài đời có lẽ cũng có những nơi làm cho tâm hồn con người vui và thỏa mãn, nhưng tất cả chỉ là bên ngoài và tạm thời. Trở về với cá nhân, tâm hồn vẫn trống rỗng và lạnh lùng. Đến với Chúa và Hội Thánh Chúa người ta thấy khác hẳn, vì ở đó thương yêu như tràn dâng và mọi người gần gũi thương yêu. Mối thông công ấy không phải chỉ có trong đám đông, nhưng còn theo ta mãi về đến nơi ta sống riêng. Làm sao Hội Thánh của Chúa có được niềm vui và ảnh hưởng như thế thì mới mong người ta tin Chúa được.

"Cầu nguyện không thôi" không có nghĩa là cầu nguyện không ngưng nghỉ, nhưng chỉ có nghĩa là đặt cầu nguyện thành thói quen và vào những giờ nhất định. Nói cách khác, tinh thần cầu nguyện luôn luôn duy trì, nghĩa là cuộc tương giao với Chúa không phải chỉ có khi ta cầu nguyện hay ở nhà thờ, hoặc ở chỗ nhóm họp, nhưng ta luôn luôn trong tư thế cầu nguyện với Chúa. Làm như thế, sẽ giúp ta tránh được phạm tội. Ta không thể nào sống dưới ánh mắt của Chúa mà nói dối, lấy cắp vật gì của anh, lừa đảo hay có những thái độ xấu xa tội lỗi. Đó là ý nghĩa của "cầu nguyện không thôi."

Cầu nguyện không thôi cũng còn mang nghĩa, cầu nguyện cho nhiều vấn đề và tiếp tục cầu nguyện không sao nhãng. Nhiều khi ta chỉ cầu nguyện cho bản thân, gia đình, con cái hay những người thân. Nếu ta cầu nguyện cho những người khác trong Hội Thánh, cầu nguyện cho hướng đi của HT, cầu nguyện cho người lãnh đạo, địa phương, trong nước và quốc tế, thì thật ra ta không đủ thì giờ. Vì thế ta cầu nguyện phải cho bao quát nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ hạn hẹp trong gia đình hay bản thân. Nói khác đi, chỉ ta không có thời giờ cầu nguyện, chứ vấn đề thì không bao giờ thiếu cả. Mỗi người phải là một chiến sĩ cầu nguyện. Hội Thánh nào có nhiều người cầu nguyện, nhiều tổ cầu nguyện, thì Hội Thánh ấy có niềm vui thật và không lâm vào những cuộc tranh cãi hoặc gây bè phái làm cho Hội Thánh buồn bã.

Hội Thánh cầu nguyện luôn luôn, mỗi chúng ta cần cầu nguyện không phải một hai lần trong ngày mà nhiều lần hơn nữa, sao cho cầu nguyện thành như thở hút không khí. Hễ ngưng là không chịu được. Lý do là vì ma quỷ không bao giờ yên lặng để cho Hội Thánh phát triển. Ma quỷ tìm hết cách này thế kia để gây ra các vấn đề cho Hội Thánh. Nếu không cầu nguyện để Chúa ngăn cản ma quỷ và bảo vệ ta, Hội Thánh dù có lớnmạnh đến đâu cũng dễ bị đổ nát.

Ngày nay có nhiều nơi xây dựng nhà thờ, dĩ nhiên cần đến tài chính và kế hoạch. Nhưng xây dựng Hội Thánh cơ bản nhất vẫn là cầu nguyện.

Cầu nguyện không thôi không dành riêng cho các bậc phụ lão, cao niên. Trong nhà thờ thường có hiện tượng là chỉ có một số các ông bà cụ già cầu nguyện, còn Hội Thánh đông đảo chỉ có mặt trong các buổi thờ phượng mà thôi. Nếu Hội Thánh chỉ có mấy ông bà cụ cầu nguyện mà thôi thì không thể nào gọi là Hội Thánh được, vì cầu nguyện không thôi phải là tinh thần chung của nam phụ lão ấu trong Hội Thánh. Khi Hội Thánh nào quy tụ được nhiều tổ cầu nguyện thì người ta cảm biết được sức mạnh của Hội Thánh đó và ma quỷ phải tránh xa.

Một Hội Thánh chân chính của Chúa phải có niềm vui, phải có tinh thần cầu nguyện cao độ và phải biết cảm tạ.

Tại Hoa-kỳ, mỗi năm người ta tổ chức lễ cảm tạ vào ngày 25 tháng 11. Nhưng đây chỉ là lễ cảm tạ kỉ niệm cuộc di cư từ châu Âu sang Mỹ hàng mấy trăm năm trước đây. Hội Thánh Chúa và mỗi người tín đồ thật của Chúa phải biết cảm tạ.

Thường thì khi nhận được món quà hay ân huệ nào từ ai ta mới cảm tạ, nhưng ở đây khẳng định: "Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa" Đây không nói về quà hay những gì ta nhận được, nhưng hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh nào cũng phải tạ ơn Chúa. Đây là lời dạy khó chấp nhận. Vì làm sao ta có thể cảm tạ Chúa khi tai họa hay biến cố tai hại xẩy ra cho mình, cho gia đình mình, cho Hội Thánh mình ?

Nếu ta tin Chúa chân thật, nếu ta biết mình là con của Chúa và Chúa thương yêu ta đến nỗi bằng lòng chết thay cho ta và chấp nhận ta làm con của Ngài mặt dù ta không xứng đáng, thì ta phải tôn Chúa làm chủ trong đời sống mình và tin rằng Chúa có chương trình tốt nhât cho mình. Tin như thế, ta chỉ cần cảm tạ Chúa và để Chúa hành động trong mỗi hoàn cảnh, ta sẽ thấy phép lạ hay điều Chúa muốn dạy ta. Chúa là Đấng biết tất cả, toàn năng, toàn thiện, vì vậy không có gì mà Chúa không quan tâm. Ta cảm tạ Chúa là bằng lòng trao hết mối lo, sợ hãi và những gì ta không muốn chấp nhận cho Chúa và xin Chúa theo ý muốn tốt lành của Ngài mà hành động. Cảm tạ về mọi trường hợp tức là công nhận Chúa vẫn là vua và thuận theo ý định tốt lành của Chúa đối với ta. Cảm tạ như thế ta được an bình.

Tinh thần cảm tạ giúp ta biết sử dụng những gì Chúa đưa đến một cách chính xác và duy trì được tinh thần cầu nguyện và niềm vui bất tận.

Chúng ta không cảm tạ Chúa vì tai nạn hay biến cố xảy ra, hoặc hoàn cảnh đau thương, nhưng chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài không thay đổi và tình thương của Ngài không phai lạt. Cảm tạ Chúa vì Chúa vô cùng siêu việt và tin rằng Chúa có ý định tốt lành để cho các việc xẩy ra. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài khôn ngoan hơn chúng ta.

Khi nào ta cảm tạ Chúa như thế, chúng ta sẽ thấy an bình, vì đó là cách ta giao vấn đề cho Chúa.

Ở đây nói đến "ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với chúng ta là như vậy" Nghĩa là phải có niềm vui thật, cầu nguyện với Chúa thường xuyên, và có tinh thần cảm tạ. Chúa muốn chúng ta là người tín đồ vui vẻ, cầu nguyện và hết lòng cảm tạ. Câu này không có nghĩa là Chúa muốn chúng ta gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Chúng ta nhờ tin Chúa Giê-xu mà trở thành người tín đồ vui vẻ, hay cầu nguyện và hết lòng cảm tạ Chúa.

Cầu xin Chúa ban năng lực cho chúng ta để lúcnào cũng có niềm vui, siêng năng cầu nguyện và có tinh thần cảm tạ Chúa luôn luôn.