Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Lời Chúc Lành

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-28

23 Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!

24 Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.

25 Hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi với.

26 Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em.

27 Tôi nhơn Chúa nài xin anh em hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe.

28 Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, ở với anh em.

Nếu quý thính giả thường nghe chương trình phát thanh Nguồn Sống vào Chủ Nhật chắc cũng nhận ra câu 23 và 24 trong phần Kinh Thánh này là câu chúng tôi dùng như lời chúc lành sau giờ thờ phượng, xin đọc lại câu đó:

23 Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!

24 Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.

Trong toàn bức thư Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất, Phao-lô đã có một số đề nghị thực tế trong việc chuẩn bị người tín hữu để đón Chúa Cứu Thế trở lại. Ông khuyến giục nhiều về các vấn đề như: Tinh sạch trong nếp sống tình dục (4:3-8); thực hành tình thương huynh đệ trong Chúa (4:9,10); tự lập về phương diện tài chính (4:11,12); hiểu cho rõ cuộc gặp gỡ Chúa vào ngày vinh quang (4:13-5:11), tôn trọng người lãnh đạo, thương yêu người khác, vui mừng, cầu nguyện, cảm tạ và quan tâm nhiều đến thờ phượng (12-22), và rồi ông dường như bảo rằng: Tất cả các việc này đều có thể làm được trong quyền năng của Chúa mà thôi, hay Chúa là Đấng duy nhất có quyền khiến những nỗ lực của anh em chị em thành công được.

Phao-lô goị Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời bình an. Bình an trong nghĩa của Tân Ước không phải chỉ là vô sự, hay hòa bình, không chiến tranh, nhưng còn mang nghĩa toàn vẹn, an lành, thịnh vượng trong nghĩa rộng nhất, đặc biệt là về tâm linh. Bình an đây là tình trạng an tĩnh, thánh khiết của con người toàn diện. Ta để ý thì thấy câu này còn có thêm chữ ‘chính’. Chữ này rất quan trọng, vì có nghĩa Chúa chính là bình an vì thế Ngài là nguồn bình an thánh khiết. Phải hiểu theo nghĩa bình an là toàn thiện, toàn hảo, thánh khiết thì mới thấy ý nghĩa của lời cầu chúc này của Phao-lô.

Lời cầu chúc là xin cho mọi người được nên thánh trọn vẹn. Mặc dù ta làm đủ bổn phận đối với Chúa và lánh xa mọi tọi lỗi trong đời cũng như tập sống gương mẫu, chỉ Chúa bình an mới khiến ta nên thánh trọn vẹn. Nghĩa là thánh hóa toàn bộ đời sống ta. Ta không tự mình tu thân tích đức được nếu không hạ mình nhờ đến ơn thương xót của Chúa. Vì thế không ai có thể tự phụ gì về đức tin của mình cả. Một mặt ta cố gắng vâng lời Chúa trong các bổn phận, cải thiện đời sống mỗi ngày cho thích hợp với kêu gọi mà Chúa đặt ra cho ta. Nhưng mặt khác, ta không thể chỉ nương cậy vào các công đức ấy phần nào cả, vì thật ra là ta chỉ làm bổn phận. Quyền năng Chúa thực hiện việc thánh hóa. Đây là điều huyền nhiệm mà ta phải tin như thế.

Lời chúc tiếp theo là: ‘và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được.’ ‘Giữ vẹn không chỗ trách được’ là một từ duy nhất chỉ dùng trong câu này của toàn bộ kinh Tân Ước. Đây là một nhóm từ người ta nói rằng có khi được ghi trên bia mộ tại vùng Tê-sa-lô-ni-ca. Đó là bia mộ của những bậc anh hùng thành công trong đời. Phao-lô có ý dạy rằng mức giữ vẹn không chỗ trách được tức là mức toàn thiện thì chỉ có Chúa mới thực hiện nổi cho ta. Nhưng đây là điều có thể thực hiện nếu ta hết lòng tin Chúa.

Ta để ý thì đây không phải chỉ nói về tâm linh, mà về toàn diện con người. Về phương diện áp dụng thì phải hiểu câu này nói về việc phục vụ Chúa. Phao-lô cầu xin cho các tín hữu biệt riêng cuộc đời với tâm thần, linh hồn và thân thể cho công việc của Chúa, cho danh vinh quang của Chúa. Ý định này với quyền năng của Chúa có thể thực hiện được.

Ta nên phân biệt ở đây giữa đời sống hoàn toàn vô tội và đời sống dành riêng để phục vụ Chúa. Không ai có thể sống đời toàn thánh toàn thiện như Chúa Giê-xu trên mặt đất, nhưng mỗi người có thể dâng trọn cuộc đời cho Chúa sử dụng. Không phải loại đời sống vô tội, nhưng đời sống làm trọn mục đích của Chúa dành cho mình. Đây mới chính là ý định của Phao-lô trong lời cầu chúc này.

‘khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!’ Ta để ý đây không phải là cho đến lúc Chúa Giê-xu đến, nhưng là ‘khi’ Chúa Giê-xu đến. Phao-lô ngụ ý là nhờ quyền năng Chúa bảo vệ để bất cứ khi nào Chúa đến, cũng thấy ta xứng đáng và đang được sử dụng cho công việc của Ngài. Đây có ý nói đến lúc Chúa đến phán xét và ban thưởng cho những ai phục vụ Ngài. Chúng ta cần trung tín luôn luôn để Chúa có thể ban thưởng cho chúng ta.

‘Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.’ Câu này trong Việt ngữ có thể hiểu lầm là Chúa gọi anh em là thành tín, nhưng thật ra phải dịch là Đấng đã kêu gọi anh em là Đấng thành tín. Chúa rất thành tín trong mọi lời hứa của Ngài và việc thánh hóa người của Ngài Chúa chắc chắn sẽ thực hiện.

Đây là lời cầu nguyện mà mỗi chúng ta nên dâng lên cho Chúa mỗi ngày để toàn diện con người chúng ta, tâm thần, linh hồn và thân thể đều được Chúa ban phước lành cho lúc nào cũng xứng đáng để nhìn lên Chúa và phục vụ Ngài.

Lời sau cùng của Phao-lô có ba phần:

1. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi với !

Sau khi nói lời chúc lành, Phao-lô xin các anh em cầu nguyện cho ông và các cộng sự của ông. Gần như ngụ ý rằng, chúng tôi cũng khôn hơn gì anh em chị em, cũng cần ơn Chúa và quyền năng của Ngài để được thánh hóa xứng đáng và phục vụ Ngài.

Phao-lô cũng thường xin các người nhận thư cầu nguyện cho ông và công việc ông đang đảm trách. Đây là điều rất thực tế. Ngay chúng tôi là những người phục vụ Chúa, giảng Tin Lành cho hằng triệu thính giả hằng ngày, cũng rất mong được quý thính giả cầu nguyện cho để công việc này đưa nhiều người đến với Chúa và danh Chúa được vinh quang.

2. Hãy chào mọi người bằng cái hôn thánh. Nhiều người thắc mắc về cái hôn được nói đến ở đây. Nhưng theo phong tục trong thời đó, vấn đề chào hỏi, ôm vai và hôn không phải là kiểu thân mật trai gái hay vợ chồng mà chỉ là xã giao, cũng như ta bắt tay nhau vậy. Phao-lô chỉ nhắn rằng ông gửi lời chào rất thân thiết đến mọi người thế thôi. Muốn nhấn mạnh về tình thương trong Chúa, ông thêm, cái hôn thánh.

3. Hãy đọc thư này cho tất cả anh em đều nghe. Phao-lô muốn cho mọi người đều được chia xẻ lời khuyên dạy mà ông nhân danh Chúa truyền cho họ.

Nói tóm lại, Phao-lô khuyên họ cầu thay, duy trì thông công thương yêu trong Hội Thánh, và cùng chia xẻ lời Chúa với nhau.

Đây là những việc làm mà Hội Thánh Chúa khắp nơi đều tuân hành: Cầu nguyện cho nhau, thương yêu nhau và cùng học lời Chúa với nhau như chúng ta đang làm hôm nay.

Câu cuối cùng: Nguyền xin ân điển của ĐC Giê xu Chúa chúng ta ở với anh em. Đây là những lời đầu thư và cuối thư của Phao-lô. Chúng ta cũng có thể viết thư cho bạn trong Chúa và đặt câu này ở cuối thư như lời cầu nguyện.

Khảo Học Thư Thứ Hai của Sứ Đồ Phao Lô gởi cho Hội Thánh

Tê-sa-lô-ni-ca