Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

Đức Tin Tăng Trưởng

2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-4

Trong thư thứ hai gửi cho Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô cũng đề cập đến một số vấn đề như trong thư thứ nhất nhưng thêm nhiều chi tiết hơn. Ông mở đầu với những lời khen, mặc dù Hội Thánh này có nhiều nan đề. Phao-lô lô đúng là người có tinh thần tích cực, chú trọng vào ưu điểm giữa những khuyết điểm.

Chúng ta thì ngược lại. Mỗi khi tìm ra khuyết điểm nào của ai là nói ngay, mặc dù người ấy có nhiều ưu điểm. Khi nào thấy điều gì mình không thích thì phát biểu tiêu cực ngay. Phao-lô thì khác, trong những câu mở đầu không thấy nói gì đến khuyết điểm cả.

1 Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, là Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa:

2 nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Jêsus Christ!

3 Hỡi anh em, chúng tôi phải vì anh em cảm tạ Đức Chúa Trời luôn luôn; điều đó là phải lắm, vì đức tin anh em rất tấn tới, và lòng yêu thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm.

4 Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đương chịu.

Lời chào hỏi:

Trong lời mở đầu thư, Phao-lô chào thăm trong danh Chúa. Ông nhắc lại Hội Thánh là những người ở trong Đức Chúa Trời là Cha của tất cả, và trong Chúa Giê-xu là Chúa. Đây là những ý niệm căn bản về Hội Thánh. Vì Hội Thánh không phải của người nước nào hay của Tây phương mà là của Chúa, Chúa là Cha của Hội Thánh và Giê-xu là Chúa của Hội Thánh. Vì vậy khi người ta truyền giáo, không ai nhân danh một tổ chức nào trong đời, mà phải nhân danh Chúa. Nghĩ là chính Chúa truyền bảo, Chúa sai phái.

Người đọc thư hay đọc Kinh Thánh là người trong Hội Thánh của Chúa và đã nhận ân điển từ Chúa Giê-xu, được tha thứ tội và tái tạo, vì thế hưởng được bình an từ Chúa Cha. Đây là những điểm mà người tin Chúa không bao giờ quên.

Cầu nguyện:

3 Hỡi anh em, chúng tôi phải vì anh em cảm tạ Đức Chúa Trời luôn luôn; điều đó là phải lắm, vì đức tin anh em rất tấn tới, và lòng yêu thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm.

Phao-lô nhấn mạnh là ông ‘phải’ vì người Tê-sa-lô-ni-ca mà cảm tạ Chúa luôn luôn. Nghĩa là ông không thể nào không cảm tạ Chúa về người Tê-sa-lô-ni-ca, chắc chắn là vì họ đã hưởng được những gì đặc biệt hay thắng được những khó khăn mà nếu không do ân điển và bình an của Chúa, không ai có thể đạt đến được.

Cảm tạ Chúa về công việc Chúa phát triển là một điều ta không thể quên. Vì càng biết ơn Chúa ta càng thấy phấn khởi hơn trong việc phục vụ Chúa. Ta không nên đến với Chúa than phiền, kêu rêu cầu xin cứu giúp mà quên hẳn việc cảm tạ Chúa. Cầu nguyện và cảm tạ như đôi cánh của chim. Nếu chỉ cầu nguyện không thôi ta có thể mất thăng bằng và không bay cao trong đời sống tâm linh được

Có hai lý do khiến Phao-lô phải cảm tạ Chúa về người Tê-sa-lô-ni-ca. Thứ nhất là đức tin họ tăng trưởng và thứ hai là tình thương của họ phong phú. Trong lá thư thứ nhất Phao-lô tỏ vẻ lo lắng về việc người Tê-sa-lô-ni-ca thiếu đức tin, ông viết: " Đêm ngày chúng tôi cố sức nài xin Ngài cho phép chúng tôi lại gặp anh em, và gia thêm cho đức tin anh em điều chi còn kém." (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10) Thế nhưng có lẽ chỉ ít lâu, ông đã viết thư nói rằng đức tin họ đã tăng trưởng. Ông nói: Đức tin anh em rất tấn tới. Trong nguyên văn dùng chữ huperauxanei có nghĩa là tăng trưởng vượt mức.

Trong lá thư thứ nhất ông viết: " Lại nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cùng như lòng yêu thương của chúng tôi đối với anh em vậy," ( 1Tê-sa-lô-ni-ca 3:12). Trong thư này ông đã cảm tạ Chúa về tình thương chan hòa của họ, như vậy là Chúa đã trả lời cầu nguyện của Phao-lô. Tình thương càng ngày càng thêm đối với cá nhân và với cộng đoàn.

Đây là những điểm cụ thể trong đời sống người tin Chúa chân chính. Tin Chúa không phải chỉ là đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện cũng như đi nhà thờ, nhưng đức tin cần tăng trưởng, nghĩa là tin Chúa nhiều hơn, biết Chúa rõ hơn và bằng lòng sống theo nguyên tắc thánh khiết, thương yêu của Chúa. Sống đạo cũng quan trọng như tin Chúa. Sống đạo bằng tình thương, bằng bác ái, hi sinh phục vụ đồng bào. Ai bằng lòng sống như thế mới là tín đồ chân chính của Chúa.

Khoe khoang thường không được kể là tính tốt, nhưng trong câu 4 Phao-lô nói: "Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đương chịu." Tại đây chúng ta thấy Phao-lô hé mở cho chúng ta những gì gọi là bí quyết tăng trưởng của Tê-sa-lô-ni-ca.

Chúng ta thường khoe về các thành tích của mình, nhưng tại đây Phao-lô khoe về anh em tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông cũng không khoe như thông thường người ta vẫn khoe, đó là thịnh vượng về vật chất và thành công trong xã hội. Ông khoe về điều mà người đời cho là thất bại. Người Tê-sa-lô-ni-ca đã trở thành gương mẫu trong việc chịu khổ, nhịn nhục mặc dù đức tin của họ gặp khó khăn và bách hại. Phao-lô đã cho các Hội Thánh khác biết về tấm gương này.

Ta để ý, Phao-lô không khoe vì họ anh hùng, can trường, khôn ngoan, biết ứng xử, nhưng ông nêu gương sáng của họ về đức nhẫn nại, chịu đựng để giữ vững đức tin. Họ chịu nhiều thử thách và khó khăn từ nơi người vô tín, và bị sỉ nhục vì tin Chúa, nhưng họ vẫn sống mạnh và đức tin vẫn tăng trưởng. Đây là điều mà người vô tín không thể nào hiểu nổi. Họ không cuồng tín hay mê tín, nhưng tin Chúa và biết rằng ân điển của Chúa có đủ để cho họ chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn mà không bỏ Chúa.

Người tin Chúa có thể gương mẫu về sống đạo, về lòng bác ái, về hi sinh, về dâng hiến tài năng và tiền bạc, nhưng gương mẫu về chịu khổ và giữ vững đức tin rất là quý báu. Chính vì thế mà Phao-lô đi khắp các nơi nói về việc này. Không phải để làm cho mọi người lo sợ khó khăn xẩy ra cho mình, nhưng để mọi người biết cách sống xứng đáng cho Chúa.

Mấy câu mở đầu của thư Tê-sa-lô-ni-ca thứ hai cho ta thấy một hình ảnh về người tin Chúa, đó là đức tin tăng trưởng và tình thương phong phú, nhưng sống trong nhịn nhục và kiên trì để bảo vệ đức tin. Có bao nhiêu người theo được gương của Tê-sa-lô-ni-ca ? Có lẽ rất ít. Tuy nhiên đó chính là gương mẫu cho mỗi chúng ta ngày nay. Xin nhớ rằng đức tin phải tăng trưởng và tình thương không sao nhãng mặc dù có phải chịu khổ vì danh Chúa đến đau chăng nữa.