Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Những Hòn Đá Kỷ Niệm

Giô-suê 4:1-5:1

"Giô-suê dựng tại Ghinh-ganh mười hai hòn đá mà dân chúng đã lấy dưới sông Giô-đanh" (câu 20).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời phán dặn Giô-suê làm gì? Mười hai hòn đá dựng ở Ghinh- ganh có ý nghĩa gì? Với mục đích gì? Bạn nghĩ gì và tưởng nhớ gì khi dự Tiệc Thánh? Bạn bày tỏ lòng biết ơn Chúa về những việc lớn lao mà Đức Chúa Trời làm cho bạn và Hội Thánh của bạn như thế nào?

Hầu hết các thủ đô và thành phố đều có nhiều tượng đài kỷ niệm những danh nhân cũng như những dấu ấn lịch sự quan trọng. Thường thì những tượng đài kỷ niệm chiến tranh gây ấn tượng nhiều trên người xem. Ở đây Đức Chúa Trời truyền lệnh cho người Ít-ra-ên dựng một tượng đài kỷ niệm bằng mười hai hòn đá lấy từ dưới sông Giô-đanh để người Ít-ra-ên tưởng nhớ và thuật lại cho con cháu về công việc quyền năng mà Đức Chúa Trời đã làm. Tượng đài kỷ niệm này nói lên ba điều sau đây:

Thứ nhất, người Ít-ra-ên biết được sự giải phóng đất nước họ là do Đức Chúa Trời. Vượt Biển Đỏ chỉ là một trong những giai đoạn của kế hoạch giải phóng người Ít-ra-ên. Việc giải phóng và đưa họ vào chinh phục Đất Hứa không thể hoàn tất được nếu họ không vượt sông Giô-đanh. Mười hai hòn đá là một kỷ niệm bền vững với thời gian để nhắc dân Đức Chúa Trời nhớ rằng việc họ vượt sông và tiến vào Đất Hứa để nhận sản nghiệp là công việc của Đức Chúa Trời (câu 22, 23).

Thứ hai, con số mười hai nói lên sự hiệp nhất của mười hai chi phái Ít-ra-ên dưới sự lãnh đạo Đức Chúa Trời. Những câu chuyện về sau cho thấy sự chia rẽ và chống đối nhau đã dẫn đến việc hình thành hai vương quốc, một ở phía bắc, một ở phía nam. Cuối cùng hai vương quốc này sụp đổ. Mục tiêu của Đức Chúa Trời là sự hiệp nhất chứ không phải là phân chia. Ngài sẽ khiến cho muôn dân, muôn nước trở thành "một dân" thuộc về Chúa Giê-xu.

Thứ ba, các thế hệ mai sau sẽ nhận biết chính Đức Chúa Trời đã đưa người Ít-ra-ên vượt qua sông Giô-đanh.

Ký ức của chúng ta thường gắn liền với nhiều kỷ niệm. Phao-lô nhắc các tín hữu Cô-rinh-tô rằng thánh lễ Tiệc Thánh kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-xu không thể nào tách rời khỏi sự hiệp nhất trong thân thể của Ngài là Hội Thánh. Chúng ta phải luôn ghi nhớ sự giải cứu của Chúa Giê-xu và trông đợi ngày Chúa sẽ trở lại thế gian. Trong khi chờ đợi Ngài, chúng ta hãy nhớ rằng sự hiệp một trong Đấng Cơ Đốc và việc làm chứng cho cả thế gian phải luôn đi đôi với nhau.

Điều gì khiến bạn ghi nhớ việc Đức Chúa Trời làm cho linh hồn bạn thoát khỏi sự chết? Bạn thường thuật lại cho con cháu về ơn cứu chuộc thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con ghi nhớ những công việc lớn lao mà Ngài đã làm cho con và Hội Thánh, và con dặn lòng luôn biết ơn và ngợi khen Ngài.

(c) 2024 svtk.net