Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Phẩm Chất của Một Đời Sống Tăng Trưởng

II Phi-e-rơ 1:5-11

"Hãy hết sức thêm cho đức tin anh chị em nhân từ, thêm cho nhân từ hiểu biết, thêm cho hiểu biết tiết chế, thêm cho tiết chế kiên trì, thêm cho kiên trì tin kính, thêm cho tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương" (câu 5-7BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Phi-e-rơ cho thấy những phẩm chất cần thiết nào phải có để đời sống thuộc linh tăng trưởng? Những yếu tố này liên hệ với nhau ra sao? Làm cách nào để gia tăng những yếu tố này? Theo Phi-e-rơ, những yếu tố này gia tăng sẽ đem lại những ích lợi và phước hạnh nào cho chúng ta?

Phân đoạn này, Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy những phẩm chất của một đời sống tăng trưởng thuộc linh, đó là đức tin, nhân đức, học thức, tiết độ, kiên nhẫn, tin kính, tình yêu thương anh chị em, lòng yêu mến. Những phẩm chất này liên hệ đến mối tương quan của chúng ta với Đức Chúa Trời (đức tin, tin kính), với người khác (nhân đức, tình yêu thương anh chị em, lòng yêu mến) và với chính mình (học thức, tiết độ, kiên nhẫn).

a. Đức tin là khởi điểm của đời sống Cơ Đốc nhân, nói lên mối liên hệ với Chúa. Đức tin cần thiết để được cứu và cần thiết để sống cuộc sống Cơ Đốc. Người chưa được cứu không thể trưởng thành trong Chúa vì họ không có yếu tố đức tin để được cứu rỗi, vì thế cũng không có đức tin để sống.

b. Nhân đức là nếp sống ngay lành, đức độ, chính trực, nói lên mối liên hệ đúng đắn với người khác. Có người dù đã tin Chúa nhưng vẫn tiếp tục sống nếp sống cũ, không có nhân đức. Kinh Thánh cho biết ân sủng của Chúa không những cứu tội nhân nhưng còn biến đổi người tin sống nếp sống mới trong liên hệ với mọi người.

c. Học thức hay hiểu biết là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết này có được do học hỏi Lời Chúa và tương giao với Ngài.

d. Tiết độ có nghĩa là tự chế. Tiết độ là không chiều theo "sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời" (I Giăng 2:16). Qua I Cô-rinh-tô 9:25, 27, Phao-lô đã làm gương bằng nếp sống của ông.

e. Nhịn nhục tức kiên nhẫn chịu đựng những thử thách. Gia-cơ cho biết, "đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì" (Gia-cơ 1:3-4 BDM). Kiên nhẫn luôn đi đôi với đức tin. Trong cơn thử thách, chúng ta càng đặt đức tin nơi Chúa, sự kiên nhẫn chịu đựng càng gia tăng.

f. Tin kính là tấm lòng ước ao làm theo ý muốn Chúa. Người có lòng tin kính thay đổi tâm trí, lối suy nghĩ để nhìn mọi sự theo cái nhìn của Chúa, luôn luôn điều chỉnh nếp sống của mình cho phù hợp. Người tin kính không "làm theo đời này, nhưng biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào" (Rô-ma 12:2). Người tin kính Chúa là người luôn đặt Chúa lên trên hết trong mọi suy nghĩ và mọi hành động.

g. Tình yêu thương anh em hay tình huynh đệ là tình yêu thương thể hiện trong vòng anh chị em trong Chúa, trong cộng đồng đức tin. Tình yêu thương anh chị em trong Chúa thể hiện trong cách giao tiếp, đối xử tử tế, lịch sự, cảm thông, tha thứ, quan tâm và giúp đỡ nhau, tránh những điều gây chia rẽ, làm tổn thương nhau.

h. Tình yêu mến trong nguyên nghĩa là tình yêu vô điều kiện. Đây là tình yêu giữ chặt chúng ta với Chúa cũng như với nhau trong mọi hoàn cảnh. Đây là tình yêu giữ chúng ta luôn tin cậy Chúa, không chỉ trong lúc cuộc sống êm đềm, thịnh vượng, nhưng ngay trong thử thách, khó khăn. Đó là tình yêu khiến chúng ta yêu những người bất đồng, thù nghịch hay làm tổn thương mình.

Cơ Đốc nhân phaœi có những phẩm chất trên và phải tăng trươœng (câu 8a). Những yếu tố này càng tăng, đời sống chúng ta càng trưởng thành trong mối liên hệ với Chúa, với chính mình, với người khác. Những yếu tố này không tự nhiên mà có nhưng chúng ta cần "phải gắng sức thêm vào" qua sự thực hành những kỷ luật thuộc linh và làm theo Lời Chúa. Khi dùng cụm từ "phải gắng hết sức thêm" Phi-e-rơ nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi cá nhân trong con đường theo Chúa, trong tiến trình tăng trưởng tâm linh.

Một người trưởng thành trong Chúa là một người có đời sống kết quả và hữu ích, không còn đui mù thuộc linh nhưng thấy được những phước hạnh có giá trị đời đời. Người đó không hề vấp ngã nhưng tin chắc vào sự cứu rỗi và nước đời đời của Đức Chúa Trời (câu 8-11).

Những phẩm chất nào trong phân đoạn Kinh Thánh này còn yếu, còn thiếu trong bạn? Bạn cần làm gì để được tăng trưởng?

Xin Chúa cho con biết gắng hết sức thực hành kỷ luật thuộc linh và làm theo Lời Chúa để tâm linh được trưởng thành và đời sống con càng kết quả.

(c) 2024 svtk.net