Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Hột Giống Đạo

Lu-ca 8:4-15

"Hột giống là đạo Đức Chúa Trời" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời Đức Chúa Trời được ví như hột giống với những điểm tương đồng nào? Một khi được tiếp nhận, Lời Chúa sẽ sinh ra những kết quả nào trong đời sống chúng ta? Bằng cách nào chúng ta tiếp nhận Lời Chúa một cách có hiệu quả? Có lời hứa nào cho những người tiếp nhận Lời Chúa?

Trong ẩn dụ người gieo giống, Lời Đức Chúa Trời được ví như hột giống (câu 11). Trong hột giống có sự sống và sức mạnh tiềm ẩn, Lời Đức Chúa Trời cũng có sự sống và đầy linh quyền: "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm" (Hê-bơ-rơ 4:12). Trong Bản Dịch Mới và Bản Hiện Đại từ "linh nghiệm" dịch là "đầy năng lực."

Hột giống có tiềm năng sinh bông kết trái, nhưng sẽ không ích lợi nếu không được gieo xuống đất. Cũng vậy, Lời Chúa dù là lời sống và đầy năng lực nhưng phải được gieo vào lòng chúng ta để biến đổi và làm tăng trưởng đời sống tâm linh chúng ta. Nếu không mở lòng tiếp nhận, thì Lời Chúa chẳng có tác động nào trên đời sống chúng ta. Chúa Giê-xu từng nói với những nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời Ngài: "Ta biết các ngươi là dòng dõi Áp-ra-ham, nhưng các ngươi lại tìm cách giết Ta, vì lời Ta không có chỗ trong các ngươi!" (Giăng 8:37). Tuy là người có đạo và thuộc giới lãnh đạo nhưng những người này không để Lời Chúa được gieo trồng trong lòng mình.

Sau khi được gieo xuống đất, hạt giống cần thời gian để sinh ra bông trái. Nhờ tác động của nước mưa và sương móc, hạt giống nẩy mầm, thành cây, đâm chồi nẩy lộc và sinh bông kết trái. Cũng vậy, Lời Chúa cần tiến trình để kết quả trong đời sống người tiếp nhận. Thánh Linh tác động khi Lời Chúa đã gieo trồng trong đời sống chúng ta, chắc chắn sẽ đơm bông kết trái: "Vả như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sinh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó" (Ê-sai 55:10-11). Và bông trái đó là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ (Ga-la-ti 5:22). D. L. Moody đã nói, Kinh Thánh không nhằm gia tăng kiến thức nhưng nhằm biến đổi đời sống chúng ta.

Sách Ô-sê 10:12 kêu gọi, "Hãy gieo sự công bình." Lời Chúa là hạt giống công bình. Không phải công bình theo mắt của loài người nhưng theo tiêu chuẩn của Chúa. Sự công bình thật chỉ có trong Lời Chúa. Gieo hột giống công bình sẽ gặt hái trái công bình, như Phao-lô đã nói, "Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi mình, cũng sẽ phát hột giống cho anh chị em và làm cho sinh hóa ra nhiều, Ngài lại sẽ thêm nhiều trái của sự công bình anh chị em nữa" (II Cô-rinh-tô 9:10). Chúng ta càng tiếp nhận hột giống công bình, Chúa càng gia tăng trái công bình trong đời sống chúng ta.

Khi mọi công trình và mọi thành công của con người qua đi, Lời Chúa vẫn trường tồn và kết quả. "Mọi xác thịt giống như cỏ, nhan sắc nó như hoa ngoài đồng. Cỏ khô, hoa rụng, vì hơi Đức Giê-hô-va thổi qua... Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!" (Ê-sai 40:6-8). Trong khi những người không có Lời Chúa không có hy vọng thì những người sống bằng Lời Chúa sẽ còn lại đời đời. "Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời" (I Giăng 2:17). Chúng ta còn lại đời đời vì Lời Chúa là hột giống Đạo ở trong chúng ta.

Hột giống đạo phát triển thế nào trong lòng bạn? Bạn cần làm gì?

Xin Chúa giúp con luôn khao khát và tiếp nhận Lời Chúa để đời sống tâm linh của con càng ngày càng mạnh mẽ và tăng trưởng.

(c) 2024 svtk.net