Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Của Lễ Thông Công

Lê-vi Ký 3:1-17

"Thầy tế lễ sẽ xông các món đó trên bàn thờ; ấy là vật thực về của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm. Hết thảy mỡ đều thuộc về Đức Giê-hô-va" (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Cách dâng của lễ thù ân như thế nào? Của lễ này có gì khác với của lễ thiêu và của lễ chay? Ý nghĩa của lễ thù ân là gì? Bạn có cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời nơi bàn ăn của bạn không? Bạn có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong gia đình của bạn không?

Sự khác biệt về của lễ thù ân được đề cập ở đây là chỉ có những phần mỡ của con vật là được xông trên bàn thờ. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, đặc ngữ "của béo" ngụ ý nói lên phần tốt nhất (Sáng Thế Ký 45:18). Trong nghi thức dâng của lễ thù ân, phần tốt nhất được dâng lên Đức Chúa Trời như là vật thực hay thức ăn (câu 11, 16). Dĩ nhiên chúng ta đừng hiểu điều này theo nghĩa đen như Thi-thiên 50:12, 13. Trong Lê-vi Ký 7:11-36 chúng ta thấy phần còn lại của con sinh được trả về cho người thờ phượng để họ cùng ăn với nhau bên cạnh đền thờ.

Trong khi của lễ thiêu và của lễ chay liên quan đến mối thông công theo "chiều dọc" giữa người thờ phượng và Đức Chúa Trời, thì của lễ thù ân có thêm mối thông công "theo chiều ngang" giữa người thờ phượng với nhau, đặc biệt là những người gần gũi với nhau. Dâng lên cho Đức Chúa Trời của lễ như là vật thực hay thức ăn có nghĩa là làm cho các mối quan hệ trên được vững mạnh. Đối với người Ít-ra-ên thông công trong gia đình là "gia đình cầu nguyện với nhau và ngồi lại với nhau (để dùng bữa)." Chúng ta có thể học được gì từ những điều này? Chúng ta phải suy nghĩ làm thế nào để những lễ hội Cơ Đốc, những cuộc họp mặt trong gia đình vào những dịp đặc biệt chẳng những trở thành cơ hội để thờ phượng Đức Chúa Trời, mà còn là dịp làm gia tăng mối quan hệ giữa chúng ta với nhau.

Tên Hê-bơ-rơ của "của lễ thù ân" còn được dịch là của lễ "bình an" hay "cầu an" hoặc của lễ "thông công." "Bình an’ và "thông công" có cùng ngữ căn là shalom (thường được dịch là bình an). Shalom còn có nghĩa là "sự đầy đủ, sự hòa hợp và bình an trọn vẹn" sau khi nhận được sự cứu rỗi, mà Đức Chúa Trời ban cho.

"Đức Chúa Trời là vị khách vô hình trong mỗi bữa ăn," là Lời trên tấm bảng vẫn treo trên tường phòng ăn của những người tin Chúa Giê-xu. Ngài có phải là "thượng khách" trong từng bữa ăn tại nhà bạn không?

Lạy Chúa, xin hiện diện trong bàn ăn của chúng con mỗi ngày. Xin giúp chúng con nhớ rằng Ngài nghe, thấy tất cả những gì chúng con nói và làm. Tạ ơn Chúa vì Ngài ở với chúng con.

(c) 2024 svtk.net