Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

Gương Tốt

2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15

6 Hỡi anh em, nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình, và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi.

7 Chính anh em biết điều mình phải làm để học đòi chúng tôi; vì chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em,

8 chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết.

9 Chẳng phải chúng tôi không có quyền lợi được ăn dưng, nhưng muốn làm gương cho anh em, để anh em bắt chước.

10 Khi chúng tôi ở cùng anh em, cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.

11 Vả, chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi.

12 Chúng tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra.

13 Hỡi anh em, phần anh em chớ nên chán mệt làm sự lành.

14 Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhơn đó biết xấu hổ.

15 Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy.

Đây là những lời khuyên rất thực tế về việc kết bạn và sinh hoạt trong xã hội. Mở đầu Phao-lô bảo: Hỡi anh em, nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em… Thật ra trong nguyên văn, đây là một lệnh truyền hơn là một lời khuyên. Đây là lối nói của một cấp chỉ huy ra lệnh cho một đơn vị quân đội. Tức là người nghe chỉ có tuân hành chứ không ngần ngại gì cả.

Lệnh truyền này được ban xuống trong danh Chúa Giê-xu, tức là vị tư lệnh tối cao của đoàn quân thánh. Nhưng ta để ý thì vẫn thấy Phao-lô dùng cách xưng hô anh em như thường chứ không phải cấp trên ra lệnh cho cấp dưới. Đây là kỷ luật trong Chúa. Là anh chị em, nhưng vẫn phải sống trong trật tự và kỷ luật của Chúa. Người lãnh đạo chỉ theo lệnh của Chúa mà truyền lệnh, chứ không có quyền uy cá nhân. Người tuân hành cũng thận trọng, vì không phải tuân lệnh người lãnh đạo, nhưng tuân lệnh Chúa. Ý thức được như thế thì việc tin Chúa mới không trở ngại.

Phao-lô ra lệnh là phải ‘tránh’, chứ không phải là chống. Người tin Chúa cần xét kỹ những người chung quanh mình, mặc dù là anh em chị em cả, nhưng thỉnh thoảng cũng có những người cần phải tránh, để không bị ảnh hưởng xấu, hoặc là bị xui giục làm những việc sai phạm.

Những người cần tránh xa đây là "anh em nào không biết tu đức hạnh và không bước theo các điều dạy mà anh em hay họ đã nhận lãnh nơi chúng tôi." ‘Tu đức hạnh’ đây là một từ bao gồm tính ăn không ngồi rồi, lười biếng, và không sống theo một kỷ luật nào. Phần sau của câu này có thể hiểu là "họ đã được học" hay "anh em đã được học", nghĩa là những điều căn bản để làm một người tín đồ tốt trong trần gian này.

Tránh xa những người này vì những người ấy không thật sự phản ánh trong thực tế những gì mình đã học nơi các sứ đồ. Khi một người không theo lời Chúa mà sống thì không còn là anh em trong Chúa nữa. Trong câu 15 Phao-lô có dạy rõ là: Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy. Nghĩa là tránh thân gần, nhưng không coi là kẻ thù mà phải tìm cách giúp đỡ cho người ấy hoán cải.

Một trong những nguyên tắc giáo dục căn bản nhất là bắt chước. Thực ra học tức là bắt chước. Từ bắt chước nghe dường như không hay, nhưng bắt chước chỉ có nghĩa là theo một mẫu nào đó và làm giống y hệt. Người học bất cứ môn nào, đều cần có mẫu mực để bắt chước. Có thể là một định luật, một nguyên tắc hay một phương pháp cần phải biết, nhớ và thực hành.

Trong Chúa cũng vậy. Nhiều lần Phao-lô đã dạy là ông đã theo gương Chúa Giê-xu và các tín hữu cũng nên theo gương của ông. Trong phần Kinh Thánh này Phao-lô đặc biệt nói về gương xấu lười biếng và không sống theo lời đã được dạy bảo của một số người, và ông bảo các tín hữu đừng theo gương xấu, nhưng hãy nhìn vào đời sống của những người dạy họ về đạo.

Trước tiên, những người lãnh đạo không ăn ở sái bậy, nghĩa là không làm biếng và ăn bám vào kẻ khác. Ta nên nhớ là Phao-lô mặc dù đi truyền giáo, nhưng vẫn làm nghề may trại để tự túc. Câu tám ghi: "8 chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết." Gương lao động của Phao-lô khuyến khích mọi người đều nên học tập một nghề nghiệp hay là trau giồi tri thức để có thể kiếm việc làm và tự túc. Dĩ nhiên, không phải hễ có tay nghề hay có họa là có việc, vì còn tùy thuộc hoàn cảnh xã hội và kinh tế nữa. Nhưng đây là trong trường hợp bình thường thì mọi người đều nên làm việc nếu có đủ điều kiện..

Trong câu 9 Phao-lô nhấn mạnh rằng ông và các cộng sự đáng được trợ cấp vì là người truyền rao Phúc Âm, nhưng ông muốn nêu gương sáng làm việc cho mọi người bắt chước. Riêng trong câu này, chúng ta phải hiểu hoàn cảnh của công việc truyền giáo lúc ấy. Khi ấy Hội Thánh chưa tổ chức quy mô, cũng chưa có nhà thờ hay hệ thống tài chính, vì vậy các việc quyên góp là để lo cho những việc cứu tế khẩn cấp. Các nhà truyền giáo có thể được các tín hữu cho ăn ở tại nhà, nhưng không có lương tiền như hiện đại.

Trong thời đại chúng ta, các người lãnh đạo cần nhiều thời gian để chăm sóc dân Chúa hơn, nên Hội Thánh phải cung ứng nhu cầu để công việc ấy được chu toàn. Con dân Chúa không nên đặt điều kiện là mục sư hay truyền đạo phải làm việc như mọi người, nhưng nếu các mục sư truyền đạo không muốn trở thành gánh nặng, hoặc có khả năng tự túc thì cũng là điều đáng khuyến khích và là gương tốt.

Người dâng góp tiền bạc cho Hội Thánh đừng nên nghĩ rằng người lãnh đạo phải nhờ tiền bạc của mình dâng mới có lương tiền, vì tiền dâng là dâng cho Chúa, và người phục vụ Chúa xứng đáng được chu cấp.

Người nhận tiền của Hội Thánh chu cấp cũng cần làm tròn bổn phận, không phải xứng đáng theo đồng lương, nhưng theo mệnh lệnh của Chúa và phục vụ con dân Chúa chu đáo.

Các điều chúng ta học được trong khúc Kinh Thánh này không thể dùng để chỉ trích ai cả, nhưng để tự xét mình và sống xứng đáng trong vai trò của mình.

Câu 10 ghi rằng: "10 Khi chúng tôi ở cùng anh em, cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa." Đây là điều Phao-lô dạy cho các tín hữu thời ấy và nhấn mạnh về việc tự túc, tự lập, không sống nhờ kẻ khác.

Câu 11 và 12 ghi thêm:

11 Vả, chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi.

12 Chúng tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra.

Đây chính là lý do mà Phao-lô viết những câu này. Ông nhận thấy có một số người trong Hội Thánh không lo làm việc mà chỉ lo các việc vô ích. Đây là mẫu người không chịu lo việc của mình, nhưng rất thích bàn về chuyện người khác và làm phiền cho các người chung quanh. Những người này có lẽ còn tạo ra những dư luận không hay về người này hay người nọ. Phao-lô nghiêm khắc khuyên là những người ấy lo làm việc và chăm chỉ về việc của mình mà không làm phiền kẻ khác. Gương xấu này chúng ta cần tránh, vì trong Hội Thánh còn nhiều việc phải làm, không ai nên an không ngồi rồi và chỉ đi quanh gieo việc cho người khác.

Câu 13 "Hỡi anh em, phần anh em chớ nên chán mệt làm sự lành" Câu này nguyên văn là: "Anh em đừng chán làm những việc phải làm.", đây là nói với những người sống vô kỷ luật và lười biếng cũng như chuyên làm những việc tai hại. Phao-lô bảo họ phải nghĩ đến vấn đề làm việc như một thích thú mà mình có bổn phận, như một nghĩa cử vậy. Dĩ nhiên có thể hiểu câu này theo nghĩa đừng quên làm việc thiện lành, nhưng Phao-lô có ý khuyên người ăn không ngồi rồi ở đây.

Hai câu 14, 15 là cách đối xử với những phần tử vô kỷ luật và làm biếng: "14 Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhơn đó biết xấu hổ. 15 Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy."

Thi hành kỷ luật trong Hội Thánh vô cùng khó khăn, nhất là khi Hội Thánh có tiếng là phải thương yêu cứu giúp mọi người. Nhưng vì đã gọi là Hội Thánh thì không thể có những thành phần không xứng đáng trong đó. Câu 14 nêu lên một phương pháp kỷ luật mà Hội Thánh chung trên thế giới còn áp dụng, đó là "không giao thông" hay là "dứt phép thông công" theo từ cũ của Hội Thánh Việt-nam. Công Giáo gọi là "tuyệt thông" Kỷ luật này được áp dụng cho những kẻ phạm một trong mười điều răn cấm của Chúa. Riêng trong trường hợp kẻ sống vô kỷ luật và lười biếng, Phao-lô không nói đến kỷ luật của Hội Thánh nên áp dụng, nhưng ông chỉ nói là "tránh" và "đừng giao thông" mục đích cho họ xấu hổ, vì lúc ấy không ăn bám vào ai được nữa và phải ăn năn hối lỗi. Kỷ luật trong Hội Thánh không phải là khai trừ hay ném bỏ, nhưng hi vọng kẻ phạm lỗi ăn năn. Kỷ luật này kèm theo những lời khuyên bảo thương yêu để cho người ấy hóan cải chứ không coi người ấy là kẻ thù.

Đây cũng là điều cần áp dụng cho mọi trường hợp Hội Thánh phải thi hành kỷ luật, vì như thế mới tạo dịp cho người có tội trở lại và cứu linh hồn họ.

Cầu xin Chúa dạy chúng ta biết sống xứng đáng trong thiên chức làm người tín đồ và người dân trong cộng đồng, để danh Chúa được vinh quang và mỗi chúng ta trở thành gương mẫu cho người khác.