Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Bày Tỏ Sự Quan Tâm Thành Thật

Công-vụ các Sứ-đồ 8:30-31

" Phi-líp chạy đến, nghe ông ta đọc sách tiên tri I-sa, liền hỏi: "Ông có hiểu những điều ông đang đọc đó không?"(câu 30 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Phi-líp đã dùng phương cách, thái độ nào khiến vị thái giám lắng nghe ông nói về Chúa Cứu Thế Giê-xu? Kết quả ra sao? Muốn làm chứng hữu hiệu về Chúa cho người khác chúng ta cần điều gì?

Câu chuyện Phi-líp làm chứng về Chúa Giê-xu cho quan thái giám Ê-thi-ô-bi thật diệu kỳ vì chính Thánh Linh là Đấng chỉ đạo biến cố này. Thánh Linh chỉ đường, chỉ người Ngài muốn Phi-líp nói chuyện.

Quan thái giám đang ngồi trên xe đọc sách. "Phi-líp chạy đến, nghe ông đọc sách tiên tri I-sa, liền hỏi: Ông có hiểu những điều ông đang đọc đó không?" Không những Thánh Linh chỉ cho Phi-líp đối tượng để làm chứng, Ngài cũng cho Phi-líp nhìn thấy nhu cầu cần được giúp đỡ của vị quan này. Trước mắt, vị thái giám không hiểu những Lời Kinh Thánh ông đang đọc. Câu hỏi của Phi-líp đánh trúng tâm trạng của ông, khi thấy mình được quan tâm, ông sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của Phi-líp. Ông mời Phi-líp lên xe để nói chuyện với ông.

Để có thể nói về Chúa hữu hiệu, chúng ta cần quan sát, lắng nghe để biết đối tượng chúng ta đang có nhu cầu gì, có vấn đề lo nghĩ, khó khăn gì để từ đó chúng ta có thể nói hay làm điều gì cho thấy chúng ta yêu thương, quan tâm đến họ, muốn dành thì giờ cho họ. Nếu bạn muốn làm chứng cho cha, mẹ, anh, chị em, hay bạn của mình, hãy tìm hiểu họ đang cần điều gì? Họ đang có sự khó khăn gì, rồi nói và giúp họ thấy bạn quan tâm đến họ thật sự. Đây là bước đầu giúp đối tượng của bạn lắng nghe những gì bạn sẽ nói về Chúa Giê-xu.

Khi làm cho người khác thấy chúng ta quan tâm đến họ, chúng ta giúp họ thấy Đức Chúa Trời yêu thương và quan tâm đến họ. "Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?" (Thi-thiên 8:4 )

Tại một buổi họp hướng đạo, anh trưởng hỏi các hướng đạo sinh có làm một việc tốt giúp đỡ người khác trong tuần chưa. Tất cả các em đều đưa tay lên, trừ một em không đưa tay. Anh trưởng gọi em không đưa tay lên và nói, "Anh muốn em đi ra và làm một việc tốt. Em không được trở lại cho đến khi em làm một việc tốt sáng nay." Hai mươi phút sau, hướng đạo sinh này quay lại với cái áo rách trên mình. Anh trưởng hỏi, "Em đã làm một việc tốt giúp người khác phải không?" Hướng đạo sinh trả lời, "Dạ phải." Anh trưởng hỏi, "Em làm việc gì nào?" Em trả lời, "Em giúp một bà cụ đi qua đường." "Tại sao áo em bị rách?" Em đáp, "Bà cụ thấy nhiều xe, bà sợ, không muốn đi, em kéo, bà cụ nắm áo em trì lại nên nó rách!"

Không phải mọi việc chúng ta làm, bày tỏ sự quan tâm giúp đỡ đều khiến người khác biết ơn và nghe theo. Dĩ nhiên khi chúng ta xô đẩy thái quá người khác sẽ chống lại hay né tránh chúng ta. Người được giúp đỡ cần nhìn thấy tình thương và sự thương xót trong chúng ta. Một bài thơ viết, "Đừng đi trước tôi, có thể tôi không theo anh. Đừng đi sau tôi, tôi không thể dẫn đường anh. Hãy đi bên tôi và làm bạn của tôi." Hãy làm bạn với những người chúng ta muốn đưa họ đến với Chúa.

Dale Carnegie, tác giả nhiều sách tự học viết, "Bạn có thể ký được nhiều hợp đồng làm ăn trong hai tháng, bằng cách bày tỏ sự chú ý đến người khác; hơn là bạn phải mất hai năm để ký được những hợp đồng bằng cách làm cho người ta chú ý đến bạn." Cần áp dụng nguyên tắc này trong việc làm chứng về Chúa cho người khác. Phải cho họ thấy chúng ta quan tâm đến họ.

Quanh bạn có ai đang lo buồn, cần bạn chia sẻ? Từ điểm đó bạn có thể làm gì cho người ấy tiếp theo?

Xin Chúa giúp con có thể bày tỏ được tình thương và sự quan tâm thành thật đối với người con đến làm chứng về Chúa cho họ.

(c) 2024 svtk.net