Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Khiếp Sợ hay Kính Sợ?

Gióp 37:23-24

"Chớ chi dân này thường có lòng kính sợ Ta, hằng giữ theo các điều răn Ta như thế, để chúng nó và con cháu nó đước phước đời đời" (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29).

Câu hỏi suy ngẫm: Sợ là gì? Tại sao con người khiếp sợ Đức Chúa Trời? Chúa muốn chúng ta "sợ Chúa" thế nào? Thế nào là kính sợ Đức Chúa Trời? Bạn có thường sợ Chúa không? Sợ thế nào?

Sợ là một trạng thái không yên lòng để cảnh báo chúng ta về một nguy cơ trước mắt. Có hai thứ sợ, thứ sợ có lợi và thứ sợ có hại. Nói cách khác sợ có thể là bạn hay là thù.

Có một thứ sợ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có như Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29. Nhiều người hiểu sai về sự kính sợ Đức Chúa Trời. Trước khi tin Chúa, ông Martin Luther khiếp sợ Đức Chúa Trời khiến ông hầu như ghét Ngài. Ông Luther có một hình lệch lạc về Đức Chúa Trời, ông chỉ hình dung Ngài như một Quan Tòa nóng giận; sau này ông mới thấy Ngài là Cha yêu thương, và nhân từ.

"Kính sợ Đức Chúa Trời" không có nghĩa là chúng ta "sợ hãi," "sợ kinh hoàng" khi nghĩ về Ngài. Sứ đồ Phao-lô làm sáng tỏ điều này trong thư II Ti-mô-thê 1:7: "Vì Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không làm cho chúng ta nhút nhát, nhưng trái lại, Thánh Linh Ngài khiến chúng ta nên mạnh mẽ, giàu tình thương và biết tự chủ" (BDM). Kính sợ Đức Chúa Trời là thái độ tôn kính, tôn trọng Ngài, phát sinh từ sự hiểu biết Ngài là Đấng cao cả, vĩ đại và quyền năng. Chúng ta cần biết bản chất của Đức Chúa Trời để chúng ta kính sợ Ngài.

Ông Gióp cho biết những lý do tại sao chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời. "Ngài vốn rất quyền năng, rất chánh trực và công bình cực điểm, không hề hà hiếp ai. Bởi cớ ấy nên loài người kính sợ Ngài" (Gióp 37:23-24). Đây là sứ điệp chúng ta cần nghe, vì ngày nay, chúng ta rất dễ bất kính với Chúa qua thái độ, cách sống, cách nói và lắm khi chúng ta đem Danh Đức Chúa Trời ra nói chơi.

Đối với người Do Thái, Đức Chúa Trời nhân từ với dân Ngài, nhưng Ngài phạt họ cách nghiêm khắc nếu họ xem thường mối quan hệ đặc biệt Ngài ban cho họ và nhất là cúi đầu thờ lạy các thần khác. Đức Chúa Trời là quan án công bình; phạt người có tội không ăn năn. Ngài là một người cha nghiêm khắc, sửa dạy con cái không vâng phục bằng kỷ luật của Ngài. Chúng ta cần phải sợ Đức Chúa Trời nhưng không phải khiếp sợ Ngài, vì Kinh Thánh minh chứng Đức Chúa Trời hết lòng yêu thương chúng ta, Ngài đã làm đủ mọi cách để cứu giúp chúng ta. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài xuống thế gian làm người để cứu chuộc chúng ta (Giăng 3:16).

Chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời tối cao và chí thánh, qua Chúa Giê-xu. Tình yêu của Đức Chúa Trời xua tan những lo sợ của chúng ta. "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng" (Hê-bơ-rơ 4:16).

Tại sao một người cha dám xông vào căn nhà đang bốc cháy để cứu con? Bởi vì tình thương của ông đối với con lớn hơn sự sợ hãi. Chúng ta không khiếp sợ Đức Chúa Trời vì biết Ngài yêu thương chúng ta vô cùng. Và khi chúng ta yêu Chúa thì chúng ta không khiếp sợ Ngài: "Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi và người đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương" (I Giăng 4:18). Cựu Ước bày tỏ bản chất thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét. Tân Ước bày tỏ bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời qua Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta kính sợ chứ không khiếp sợ Đức Chúa Trời vì Ngài là Cha yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu và cũng là Cha chúng ta.

Hằng ngày bạn sống trong sự "sợ" Chúa hay "kính sợ" Ngài? Tại sao?

Lạy Chúa, xin giúp con biết Chúa một cách đúng đắn, rõ ràng để con thật sự kính sợ Ngài.

(c) 2024 svtk.net