Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Sống Sung Mãn để Phục Vụ

Mác 1:29-31

"Ngài đến gần, cầm tay đỡ bà dậy, cơn sốt liền dứt, rồi bà đứng dậy phục vụ họ" (câu 31).

Câu hỏi suy ngẫm: Bằng cách nào Chúa Giê-xu chữa lành bà gia ông Phi-e-rơ? Qua cách chữa lành của Chúa, bạn học được bài học nào? Điều gì thúc đẩy bà gia ông Phi-e-rơ phục vụ ngay sau khi được chữa lành? Bạn được nhắc nhở làm gì?

Chúa Giê-xu đến để tìm và cứu chúng ta là những người hư mất, ban cho chúng ta sự sống và sự sống sung mãn. Câu chuyện Chúa chữa lành bà gia ông Phi-e-rơ cho thấy Chúa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của cá nhân cũng như của gia đình.

Chúa Giê-xu đến nhà hội của người Do Thái trong ngày Sa-bát để giảng dạy và chữa lành bệnh tật, sau đó, Ngài đến nhà ông Phi-e-rơ để nghỉ ngơi. Dù mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, nhưng khi vào nhà, Chúa lại đối diện với một nhu cầu cần cứu giúp. Nhu cầu của một cá nhân, một gia đình cũng cần đáp ứng như nhu cầu của cả đám đông. Trong chức vụ, Chúa cũng thường rời đám đông để quan tâm và cứu giúp những cá nhân đang có nhu cầu.

Chúa Giê-xu đến nhà bà gia của ông Phi-e-rơ, người môn đệ đã bỏ mọi sự để theo Ngài, chắc hẳn Chúa có mối quan tâm và thương yêu đặc biệt đối với gia đình này. Ông Phi-e-rơ theo Chúa và thường xuyên chứng kiến phép lạ chữa lành của Chúa cho nhiều người, giờ đây chính trong gia đình của ông Phi-e-rơ có người cần được chữa lành. Ông đang đối diện nan đề trong chính gia đình mình. Đây là điều mà nhiều người chúng ta thường kinh nghiệm. Chúng ta thường chứng kiến những ơn lành và phép lạ của Chúa trên nhiều người khác nhưng chính mình hay gia đình mình vẫn đang có những nan đề chưa giải quyết. Chúng ta thường nghe về những gia đình được Chúa hàn gắn sau những đổ vỡ, nhưng chính gia đình mình đang có những rạn nứt. Chúng ta thường có những lời cầu xin như: Chúa ôi, bao giờ sự cứu rỗi của Chúa mới đến với gia đình con? Bao giờ mẹ con mới chổi dậy khỏi giường bệnh? Bao giờ chồng con mới tin nhận Ngài? v.v... Chúa Giê-xu đã vào nhà ông Phi-e-rơ và tại đó phép lạ xảy ra, người trong nhà được chữa lành. Chúa Giê-xu là giải pháp cho mọi nan đề của gia đình.

Trong thời Chúa Giê-xu, việc đụng chạm đến người phụ nữ đang lên cơn sốt, vào ngày Sa-bát là điều không nên làm. Tuy nhiên, Chúa không để cho ý kiến quần chúng ảnh hưởng đến ý muốn cứu chữa của Ngài. Dĩ nhiên Ngài không cần đụng chạm đến người bịnh, chỉ cần phán một tiếng thì người bệnh được lành. Ngài cũng có thể làm từ xa. Nhưng Ngài muốn lại gần và đỡ tay người bệnh. Lại gần người bệnh, Ngài muốn xóa bỏ mọi khoảng cách, bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc, ân cần đối với người bệnh. Đỡ tay người bệnh, Ngài muốn bày tỏ sự cảm thông và nâng đỡ người yếu đuối, không tự sức mình đứng lên. "Ngài lại gần, cầm tay người đỡ dậy" để tạo mối quan hệ yêu thương, nồng ấm. Trong mối quan hệ này, Chúa đã chữa lành cho bà gia ông Phi-e-rơ.

"Cơn sốt liền dứt, rồi bà đứng dậy phục vụ họ." Ngay sau khi được chữa lành, bà gia ông Phi-e-rơ đứng dậy và bắt đầu phục vụ. Đây là dấu hiệu của người khỏe mạnh. Bà không còn nằm trên giường để được người khác phục vụ như những ngày trước. Bà bắt đầu phục vụ không cần chờ đợi, không cần ai thúc đẩy. Khi Chúa chạm đến chúng ta, chúng ta cần đứng dậy phục vụ ngay. Với quyền năng Ngài, Chúa chạm đến không phải để chúng ta cảm thấy mình quan trọng nhưng để chúng ta phục vụ.

Mục đích Chúa đến là để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất là gương mẫu cho chúng ta. Ngài là Đấng chữa lành và Ngài cũng muốn chúng ta là những người chữa lành giữa một thế giới đầy đau thương. Chúng ta phải trở thành những tác nhân được Chúa dùng để đem lại sự chữa lành cả về mặt tinh thần, tâm linh và thể xác cho nhiều người chung quanh đang khốn khổ. Chúng ta giúp những tấm lòng tan vỡ, những đời sống băng hoại phục hồi. Chúng ta cần sẵn sàng để Chúa sử dụng như những khí cụ đem bình an, an ủi, niềm vui, tình thương trong xã hội đầy bất an, than khóc, ưu sầu, thù oán.

Nhìn lại năm Kỷ Sửu, nhìn đến những người chung quanh, người hàng xóm, chúng ta đã sống như người phục vụ hay được phục vụ. Một trong những dấu hiệu của một đời sống sung mãn là phục vụ. Mặt khác, khi phục vụ, chúng ta càng trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống sung mãn.

Bạn đang phục vụ hay được phục vụ? Trong năm Kỷ Sửu này, Bạn đã bày tỏ nếp sống sung mãn thế nào?

Lạy Chúa, giữa một xã hội đầy dẫy những người khốn khổ, mà trong năm Kỷ Sửu con chưa giúp được bao nhiêu, xin Chúa giúp con phục vụ không phải bằng môi miệng nhưng bằng những hành động phát xuất từ tình yêu thương chân thật.

(c) 2024 svtk.net