Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Bổn Phận Trong Gia Đình

Cô-lô-se 3:18-4:1

"Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy" (I Cô-rinh-tô 2:3).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo Kinh Thánh, gia đình có giá trị nào? Sứ đồ Phao-lô dạy từng thành viên trong gia đình có những bổn phận nào với nhau? Bạn áp dụng điều dạy dỗ này thế nào trong gia đình của bạn?

Những người theo Trí Huệ giáo xem thứ bậc và mối quan hệ trong gia đình là sự ràng buộc như là một nhà tù giam hãm, không cho linh hồn được tự do tìm hiểu những kiến thức cao siêu, huyền bí. Tuy nhiên, Sứ đồ Phao-lô bác bỏ điều đó và ông viết phần này để bảo vệ Hội Thánh không rơi vào chỗ quá thuộc linh mà xem nhẹ việc gây dựng, duy trì mối quan hệ trong gia đình.

Theo ông Phao-lô, nơi trước tiên để gây dựng chính là nhà riêng của Cơ Đốc nhân. "Phải khéo cai trị nhà riêng mình, dạy con cái mình biết vâng phục ngay thật trọn vẹn" (I Ti-mô-thê 5:4). Trong phân đoạn này, ông đề cập đến bổn phận của vợ chồng, cha mẹ đối với con cái và chủ tớ đối với nhau.

Thứ nhất, vợ vâng phục chồng; chồng yêu vợ. Có hai điều liên quan đến mệnh lệnh này: (i) Thuận phục chồng một cách tự nguyện và vui lòng chứ không phải do chồng ép buộc; (ii) Vì người vợ ý thức gia đình phải có người đứng đầu và đó là người chồng mình yêu thương và kính trọng. Ê-phê-sô 5:23 dạy: "chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Cơ Đốc là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh." Dĩ nhiên, người chồng phải bày tỏ tình yêu thương và sự mềm mại đối với vợ. Chính tình yêu thương không vị kỷ khiến cho người vợ càng yêu quý và vâng phục chồng hơn.

Thứ hai, con cái phải vâng lời cha mẹ vì Đấng Cơ Đốc. Thật đáng buồn khi có những người con xưng mình là Cơ Đốc nhân nhưng lại chống nghịch cha mẹ và Hội Thánh. Người cha là chủ gia đình có trách nhiệm giáo huấn con cái bằng lời khuyên, lối sống khôn ngoan và tin kính để làm gương cho chúng. Tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ ảnh hưởng cũng như trách nhiệm và uy quyền của người mẹ trong việc giáo dục con cái. Nếu cần cha mẹ có thể áp dụng kỷ luật và sử dụng roi đòn trong chừng mực nào đó để giáo huấn con cái. Những bậc cha mẹ hãy cẩn thận vì nhiều trẻ có thể trở nên khó dạy hay hư hỏng là do cha quá cứng rắn và mẹ quá nuông chiều.

Thứ ba, đầy tớ phải vâng phục chủ. Ông Phao-lô viết điều này trong bối cảnh chế độ nô lệ thời ấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng chân lý này vào mối quan hệ chủ thợ, giám đốc và nhân viên trong thời đại chúng ta. Nhân viên phải làm việc chân thật và hết lòng như là làm cho Chúa một khi đã thỏa thuận với chủ về mức lương và điều kiện làm việc. Cụm từ "trước mắt" (câu 22) có nghĩa là làm việc dưới sự giám sát của chủ. Là những nhân công Cơ Đốc, chúng ta đang làm việc dưới sự giám sát của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Ngài không chỉ giám sát những người làm công, mà còn những người chủ nữa. Vì thế, ông Phao-lô khuyên những người chủ phải lấy sự công bình chính trực mà đối đãi với những người làm công hay giúp việc cho mình.

Hãy đọc lại các câu 17 và 23. Hai câu này nói gì với bạn về những mối quan hệ mà bạn đang có và công việc bạn đang làm?

Lạy Chúa, xin giúp con hết lòng duy trì, phát triển các mối quan hệ bên trong gia đình cũng như bên ngoài xã hội và tiếp cận với công việc thường nhật với tấm lòng chân thật và yêu kính Ngài.

(c) 2024 svtk.net