Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Có Lời Của Đức Giê-hô-va

Xa-cha-ri 1:1-21

"Hãy trở lại cùng Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, thì Ta sẽ trở lại cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy" (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Có hy vọng nào cho người Ít-ra-ên trong phần mở đầu sứ điệp của ông Xa-cha-ri? Đức Chúa Trời nói gì về tương lai của Giê-ru-sa-lem? Bạn nghĩ gì về sự hòa bình an ổn mà người ta thường nhắc đến?

Ông Xa-cha-ri mở đầu bằng cách nhắc đến ông Đa-ri-út, vị nguyên thủ quốc gia hùng mạnh nhất thời bấy giờ, nhưng ngay sau đó ông chuyển đề bằng cách nói rằng "có Lời của Đức Giê-hô-va phán" (câu 1, 7) để truyền những sứ điệp từ Ngài. Câu 3, ba lần nhắc đến "Đức Giê-hô-va vạn quân" đây là Danh của Đức Chúa Trời được nhắc đến 42 lần trong sách Xa-cha-ri.

Khởi đầu của sứ điệp bắt đầu là lời kêu gọi ăn năn. Nếu người Ít-ra-ên trong thời của ông Xa-cha-ri trở lại với Đức Chúa Trời trong sự ăn năn, Ngài sẽ trở lại với họ cùng với phước hạnh chứ không phải là sự rủa sả. Ăn năn là một trong những điều kiện để chúng ta kinh nghiệm một cách cá nhân sự ban phước tràn đầy từ Đức Chúa Trời. Lời nhắc nhở về những thất bại và bi kịch trong quá khứ là cách để dân Đức Chúa Trời hướng đến niềm hy vọng và thách thức trong tương lai. Hy vọng bắt đầu với việc người Ít-ra-ên vẫn là dân mà Ngài vẫn kêu gọi "Hãy trở lại cùng Ta..., Ta sẽ trở lại cùng các ngươi." Việc nhận biết tình trạng bị Đức Chúa Trời trách phạt trong hiện tại vì sự phản loạn với Ngài sẽ giúp cho họ chú tâm vào những lời hứa về tương lai từ Ngài là Đấng luôn giữ lời hứa (câu 14-17).

Tiếp theo ông Xa-cha-ri nhận được một loạt các khải tượng. Thứ nhất là khải tượng về người cưỡi ngựa hồng và những người cưỡi ngựa khác đứng ở phía sau. Đây là những thiên sứ được Đức Chúa Trời sai phái để thi hành những sứ mệnh ở trên đất. Các thiên sứ này đã đi khắp đất và trình báo rằng cả đất đều yên ổn. Điều này hàm ý rằng những dân tộc thù nghịch với người Ít-ra-ên vẫn bình yên, không hề hấn gì. Điều này khiến cho người Ít-ra-ên thất vọng vì họ trông mong Đức Chúa Trời "làm rung động hết thảy các nước" (A-ghê 2:7) và khiến cho một thiên sứ cầu thay xin Đức Chúa Trời thương xót Giê-ru-sa-lem và các thành Giu-đa vì bị thù nghịch xâm hại. Đức Chúa Trời đáp lời bằng lời hứa trở lại với Ít-ra-ên qua sự xác quyết rằng Giê-ru-sa-lem sẽ được xây dựng lại và mở rộng. Đức Chúa Trời mong muốn ban phước cho dân Ngài và qua họ muôn dân sẽ được phước.

Thứ hai là khải tượng về "bốn người thợ rèn." Đây có thể là những dân tộc mà Đức Chúa Trời dùng để lật đổ những nước thù nghịch với Ít-ra-ên như Ai Cập, Ba-by-lôn, Ba Tư và Hy Lạp. Kinh Thánh nói rõ rằng tất cả thù nghịch của Ít-ra-ên trong quá khứ, hiện tại và tương lai cuối cùng sẽ bị thảm bại. Những người thợ rèn biểu hiệu cho đế quốc Ba Tư và một vài đất nước khác. Vai trò của những đất nước này là lật đổ những thế lực kiêu ngạo, xem thường Đức Chúa Trời và họ vượt quá giới hạn trong việc trừng phạt và làm cho dân Ngài tản lạc.

Hòa bình và an ổn do thế lực của con người tạo ra khác với hòa bình và an ổn do Đức Chúa Trời ban cho như thế nào?

Lạy Chúa, con cầu nguyện để "Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng [con] trong Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc."

(c) 2024 svtk.net