Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Phúc Âm Đến Từ Đức Chúa Trời

Rô-ma 1:1-7

"Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, được kêu gọi làm sứ đồ, và biệt riêng ra để truyền bá Phúc Âm của Đức Chúa Trời" (câu 1, BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô tự giới thiệu mình là ai? Ông cho biết những đặc điểm chính của Phúc Âm là gì? Bạn có kinh nghiệm nào về tiếp nhận Phúc Âm và được lớn lên trong Đấng Cơ Đốc? Bằng cách nào bạn có thể giúp người khác có được kinh nghiệm như bạn?

Rô-ma là thư tín mà Sứ đồ Phao-lô viết cho các tín hữu tại Rô-ma trong hành trình truyền giáo lần thứ ba của ông. Ngay đầu thư, Sứ đồ Phao-lô giới thiệu ngắn gọn ông là đầy tớ của Đấng Cơ Đốc và là sứ đồ được Ngài sai đi rao giảng Phúc Âm. Giống như các tiên tri thời Cựu Ước được Đức Chúa Trời sai phái để công bố sứ điệp từ Ngài, trọng tâm chức vụ của Sứ đồ Phao-lô là công bố Phúc Âm của sự sống. Vì thế kể từ khi gặp Chúa Giê-xu trên đường Đa-mách cho đến khi tuận đạo, ông không làm điều gì khác hơn là chuyên tâm rao giảng Phúc Âm. Tiếp theo lời tự giới thiệu, Sứ đồ Phao-lô trình bày cho độc giả biết Phúc Âm là gì?

Thứ nhất, Phúc Âm đến từ Đức Chúa Trời (câu 1). Phúc Âm không do chúng ta tạo ra, cũng không đến từ một dân tộc nào. Phúc Âm không phải là sản phẩm của con người, nhưng từ Đức Chúa Trời. Chúng ta phải khẳng định như thế để giải tỏa sự hoài nghi về nguồn gốc của Phúc Âm.

Thứ hai, Phúc Âm có nguồn gốc từ Cựu Ước (câu 2). Đức Chúa Trời đã hứa ban Phúc Âm cho nhân loại qua các tiên tri trong Cựu Ước. Điều này cho thấy chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời liên tục từ Cựu Ước sang Tân Ước. Cựu Ước dự ngôn, Tân Ước thực hiện và hoàn thành các dự ngôn.

Thứ ba, Phúc Âm nói về Đấng đã hóa thân thành người thuộc dòng dõi Vua Đa-vít (câu 3). Kể từ khi Đấng Cơ Đốc đến, lịch sử của loài người hoàn toàn bước sang trang sử mới.

Thứ tư, Phúc Âm là sứ điệp về Đấng sống lại (câu 4). Sẽ không có Phúc Âm nếu không có sự sống lại của Chúa Giê-xu. Sự phục sinh của Ngài là điểm mấu chốt trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời.

Thứ năm, Phúc Âm kêu gọi con người tin và vâng lời (câu 5). Tin và vâng lời là hai yếu tố không thể nào tách rời nhau. Người ta không thể thật sự tin Chúa Giê-xu nếu không vâng theo những gì Ngài truyền dạy (Ma-thi-ơ 28:20).

Phúc Âm đến với bạn như thế nào? Bạn thấy sự thay đổi nào từ khi đón nhận Phúc Âm vào đời sống?

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài vì bởi quyền phép Phúc Âm mà con được giải cứu. Xin giúp con trung tín rao truyền Phúc Âm như Sứ đồ Phao-lô khi xưa.

(c) 2024 svtk.net