Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

Chúng Ta Tăng Trưởng Như Thế Nào

Đức Chúa Trời muốn chúng ta lớn lên... giống Đấng Christ trong mọi sự.

Ê-phê-sô 4:15a bản Msg-ND

Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa.

Ê-phê-sô 4:14a

Đức Chúa Trời muốn bạn lớn lên.

Mục đích của Cha thiên thượng là bạn trưởng thành và phát triển những đức tính của Đức Chúa Giê-su Christ. Đáng buồn là hàng triệu Cơ-đốc nhân ngày nay mỗi lúc một già hơn chứ không bao giờ lớn lên. Họ bị kẹt trong tình trạng con đỏ thuộc linh suốt đời, vẫn cứ mặc tả và mang giày len. Đó là do họ không bao giờ có ý định lớn lên.

Sự tăng trưởng thuộc linh không hề tự động. Nó đòi hỏi sự cam kết có chủ đích. Bạn phải muốn tăng trưởng, quyết định tăng trưởng, nỗ lực để tăng trưởng, và kiên trì tăng trưởng. Môn đồ hóa-quá trình trở nên giống như Đấng Christ-luôn bắt đầu với một quyết định. Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta, và chúng ta đáp lời: "Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: ‘Hãy theo ta.' Người liền đứng dậy, mà theo Ngài" (Ma-thi-ơ 9:9).

Khi những môn đồ đầu tiên lựa chọn đi theo Chúa Giê-su, họ không hiểu tất cả những đòi hỏi trong quyết định của họ. Họ chỉ đơn thuần đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su. Đó là tất cả những gì bạn cần để bắt đầu: Quyết định làm một môn đồ.

Không có điều gì định hình cuộc đời bạn nhiều cho bằng những cam kết mà bạn có. Các cam kết có thể giúp bạn phát triển hoặc sẽ hủy hoại cuộc đời bạn, nhưng dù như thế nào đi nữa, thì chúng vẫn sẽ cho biết bạn là ai. Hãy nói cho tôi biết bạn cam kết với điều gì, và tôi sẽ nói cho bạn biết hai mươi năm sau, bạn sẽ trở nên như thế nào. Chúng ta trở thành bất cứ điều gì mà mình cam kết với.

Ngay chính tại điểm cam kết này mà hầu hết mọi người đã bỏ lỡ mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời họ. Nhiều người sợ cam kết vào một điều gì đó và rồi cứ lang thang trong cuộc sống. Những người khác thì lại có các cam kết nửa vời vào những tranh cạnh, là điều dẫn đến thất vọng, chán chường. Những người khác thì trọn tâm cam kết vào các mục tiêu trần tục, chẳng hạn như trở nên giàu có hay nổi tiếng, và kết thúc trong chán nản, cay đắng. Mọi lựa chọn đều để lại những hậu quả đời đời, cho nên tốt hơn hết là bạn hãy lựa chọn cách khôn ngoan. Phi-e-rơ cảnh báo rằng, "Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào" (II Phi-e-rơ 3:11).

Phần của Chúa và phần của bạn. Giống Đấng Christ là kết quả của việc có những lựa chọn giống Đấng Christ và lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Thánh Linh Ngài để làm trọn những chọn lựa đó. Một khi bạn quyết tâm để trở nên giống Đấng Christ, bạn phải bắt đầu hành động theo những cách mới. Bạn cần phải bỏ đi những đường lối cũ, phát triển một số thói quen mới, và chủ ý thay đổi cách suy nghĩ của bạn. Chắc chắn Thánh Linh sẽ giúp bạn thay đổi những điều này. Kinh Thánh chép, "Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài" (Phi-líp 2:12-13).

Câu Kinh Thánh này cho thấy có hai phần trong sự tăng trưởng thuộc linh: "làm nên" và "cảm động." "Làm nên" là trách nhiệm của bạn, và "cảm động" là phần việc của Đức Chúa Trời. Sự tăng trưởng thuộc linh là một nỗ lực có cộng tác giữa bạn và Thánh Linh. Thánh Linh Đức Chúa Trời vận hành với chúng ta chứ không chỉ trong chúng ta.

Câu Kinh Thánh này, được viết cho các tín nhân, không nói về cách làm thế nào để được cứu rỗi, bèn là nói về cách để lớn lên. Nó không nói là "làm thành" sự cứu rỗi vì bạn không thể thêm bất cứ gì vào điều mà Đức Chúa Giê-su đã làm. Trong quá trình "tập luyện" thân thể, bạn tập luyện để phát triển thân thể của mình chứ không phải để có một thân thể.

Bạn "ráp xong" một bức tranh ghép, tức là trước đó bạn đã có sẵn những mảnh ghép rồi-nhiệm vụ của bạn là sắp xếp chúng lại với nhau mà thôi. Những người nông dân "canh tác" trên đất, tức là sử dụng điều mà họ đã có rồi, chứ không phải làm ra đất. Đức Chúa Trời đã ban cho bạn đời sống mới; bây giờ bạn có trách nhiệm phải phát triển nó với "lòng sợ sệt run rẩy." Điều đó có nghĩa là bạn phải nghiêm túc trong chuyện tăng trưởng tâm linh! Khi con người thờ ơ về sự tăng trưởng thuộc linh của mình, điều đó chứng tỏ rằng họ không hiểu về những đòi hỏi đời đời (như chúng ta thấy trong các chương 4 và 5).

Thay đổi hoa tiêu tự động của bạn. Để thay đổi cuộc đời mình, bạn cần phải thay đổi cách suy nghĩ. Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn cũng có một suy nghĩ. Mọi hành vi đều được thúc đẩy bởi một niềm tin, và mọi hành động đều xuất phát từ một thái độ. Đức Chúa Trời bày tỏ điều này hàng ngàn năm trước khi các nhà tâm lý hiểu về nó: "Hãy cẩn thận về điều con suy nghĩ; những tư tưởng quyết định cuộc đời con" (Châm Ngôn 4:2 bản TEV-ND).

Hãy tưởng tượng mình đang đi trên một con tàu cao tốc với bộ hoa tiêu tự động hướng về phía đông. Nếu bạn quyết định đi ngược lại và quay đầu về hướng tây, có hai cách để bạn đổi hướng của con tàu. Một cách là nắm lấy tay lái và dùng hết sức buộc nó quay ngược lại hướng mà hoa tiêu tự động đã được lập trình để đi. Bởi sức mạnh ý chí, bạn có thể thắng được bộ hoa tiêu tự động, nhưng bạn sẽ thấy có sự kháng cự không ngừng. Tay của bạn cuối cùng sẽ bị mỏi, bạn thả tay lái ra và con tàu lập tức quay lại hướng đông ngay, đúng theo hướng trong lập trình của hoa tiêu tự động.

Đó cũng là điều xảy ra khi bạn cố gắng thay đổi cuộc đời mình bằng ý chí: Bạn nói, "Ta buộc chính mình phải ăn ít hơn... tập luyện nhiều hơn... bỏ thói quen bừa bãi và trễ nải." Phải, ý chí có thể tạo nên một thay đổi ngắn hạn, nhưng nó lại tạo nên sự căng thẳng nội tâm liên tục vì bạn chưa giải quyết căn nguyên của vấn đề. Sự thay đổi đó có vẻ không tự nhiên, và rồi cuối cùng bạn bỏ cuộc, không ăn kiêng và luyện tập nữa. Bạn nhanh chóng quay trở lại với con đường cũ của mình.

Có một cách khác tốt hơn và dễ dàng hơn nhiều: Thay đổi hoa tiêu tự động của bạn-cách bạn suy nghĩ. Kinh Thánh chép rằng, "Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào" (Rô-ma 12:2). Bước đầu tiên của bạn trong sự trưởng thành thuộc linh là bắt đầu thay đổi cách bạn suy nghĩ. Sự thay đổi luôn khởi đầu trong tâm trí của bạn. Cách bạn suy nghĩ quyết định cách bạn cảm nhận, và cách bạn cảm nhận ảnh hưởng đến ­hành động của bạn. Phao-lô nói, "Phải làm nên mới trong tâm chí mình" (Ê-phê-sô 4:23).

Để trở nên giống như Đấng Christ, bạn phải phát triển tâm trí của Đấng Christ. Thánh Kinh Tân Ước gọi sự thay đổi tâm trí này là ăn năn, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là "thay đổi tâm trí." Bạn ăn năn bất cứ khi nào bạn thay đổi cách bạn suy nghĩ-về chính bạn, tội lỗi, Đức Chúa Trời, những người khác, cuộc sống, tương lai, và mọi điều khác-bằng sự tiếp nhận cách Đức Chúa Trời suy nghĩ. Bạn mặc lấy cách nhìn và góc nhìn của Đấng Christ.

Chúng ta được lệnh phải "suy nghĩ theo cách mà Đức Chúa Giê-su đã suy nghĩ."[i] Việc này có hai phần. Phần thứ nhất trong quá trình thay đổi tâm trí này là ngừng suy nghĩ những tư tưởng chưa trưởng thành, vốn là những tư tưởng hướng ngã và tự tư tự lợi. Kinh Thánh chép, "Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân" (I Cô-rinh-tô 14:20). Về bản chất, các em bé hoàn toàn ích kỷ. Chúng chỉ nghĩ đến chúng và nhu cầu của riêng chúng thôi. Chúng không có khả năng ban cho; chúng chỉ có thể nhận lãnh. Đó là suy nghĩ chưa trưởng thành. Không may là nhiều người chưa bao giờ lớn lên để thoát ra khỏi suy nghĩ đó. Kinh Thánh nói rằng những suy nghĩ vị kỷ là nguồn gốc của hành vi tội lỗi: "Những ai sống theo bản ngã tội lỗi của mình thì chỉ nghĩ đến những điều mà bản ngã tội lỗi của họ muốn" (Rô-ma 8:5 bản CV-ND).

Phần thứ hai trong việc suy nghĩ giống như Chúa Giê-su đó là bắt đầu suy nghĩ cách trưởng thành, tức là tập trung vào những người khác, chứ không phải chính bạn. Trong một chương rất hay nói về tình yêu thương thật, Phao-lô đã kết luận rằng suy nghĩ về những người khác là dấu hiệu của sự trưởng thành: "Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ" (I Cô-rinh-tô 13:11).

Ngày nay, nhiều người cho rằng sự trưởng thành tâm linh được đo lường bởi lượng kiến thức Kinh Thánh và giáo lý mà bạn biết. Kiến thức là một thước đo của sự trưởng thành, nhưng nó không phải là tất cả. Đời sống Cơ-đốc không chỉ có những tín điều và niềm tin; nó còn bao hàm cả hành vi lẫn nhân cách. Những việc làm của chúng ta phải đúng với các tín điều, và niềm tin của chúng ta phải phù hợp với hành vi giống Đấng Christ.

Cơ-đốc giáo không phải là một tôn giáo hay một triết lý, bèn là một mối quan hệ và là một lối sống. Cốt lõi của lối sống đó là sự suy nghĩ về những người khác, giống như Chúa Giê-su đã làm, thay vì chính bản thân chúng ta. Kinh Thánh chép, "Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt. Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình" (Rô-ma 15:2-3a).

Suy nghĩ về người khác chính là trái tim của sự giống Đấng Christ và là bằng chứng tốt nhất của sự tăng trưởng tâm linh. Loại suy nghĩ này không hề bình thường, nó đối đầu với văn hóa, khá hiếm hoi và khó khăn. May mắn thay, chúng ta được giúp đỡ: "Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Thánh Linh Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta không suy nghĩ theo cách mà người đời nghĩ nữa" (I Cô-rinh-tô 2:12a bản CEV-ND). Trong vài chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về những công cụ Thánh Linh dùng để giúp chúng ta lớn lên.

Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi

Vấn Đề Suy Nghĩ: Bắt đầu lớn lên không bao giờ là quá trễ.

Câu Gốc: "Hãy để Đức Chúa Trời biến đổi anh em từ bên trong bằng sự thay đổi hoàn toàn tâm trí của anh em. Khi đó anh em sẽ biết được ý muốn của Đức Chúa Trời-điều nào là tốt, là đẹp lòng Ngài và trọn vẹn." Rô-ma 12:2b (TEV-ND)

Câu Hỏi Suy Gẫm: Lĩnh vực nào trong đời sống tôi là nơi tôi cần phải ngừng suy nghĩ theo cách của mình và bắt đầu suy nghĩ theo cách của Đức Chúa Trời?