Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Từ Bỏ Mạc Khải

Rô-ma 1:18-32

"Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó ra cho họ rồi" (câu 19).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời mạc khải chính Ngài cho loài người như thế nào? Vì sao loài người không nhận ra Đúc Chúa Trời là Đấng phải tôn thờ? Không thờ kính Đức Chúa Trời đưa con người đến những việc làm nào? Thờ hình tượng đưa đến hậu quả nào? Vì sao Cơ Đốc nhân cũng mắc phải những tội trong các câu 29-31?

Trọng tâm lập luận của Sứ đồ Phao-lô nằm trong phân đoạn này. Tại sao Phúc Âm nói đến sự công bình của Đức Chúa Trời? Câu trả lời đơn giản là vì sự gian ác của loài người. Nhiều người thích nói về sự tốt lành của loài người hơn là nói về tội lỗi, thích nghe về tình yêu của Đức Chúa Trời hơn là về sự thạnh nộ của Ngài. Họ không nhận thức rằng sự thịnh nộ của Ngài là phản ứng mạnh mẽ của Đức Chúa Trời yêu thương trước tội lỗi của con người và việc làm của Ngài là trừ diệt mọi mầm mống của tội lỗi để giải cứu nhân loại. Phúc Âm vừa nói đến tội lỗi vô kể của con người, vừa nói đến bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời và cách mà Đấng Thánh phản ứng đối với tội lỗi.

Trước hết, nói về bản chất của Đức Chúa Trời, quyền vô hạn của Ngài được bày tỏ trong thế giới tự nhiên (câu 18-20). Người ta có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời qua trật tự trong thiên nhiên. Bởi trật tự kỳ diệu trong vũ trụ mà con người nhận biết rằng có một mục đích tối thượng và trí thông minh siêu việt điều khiển vũ trụ vật lý. Vẻ đẹp và trật tự trong thiên nhiên cho thấy sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo muôn loài. Tất cả những điều nói trên được gọi là mạc khải qua thiên nhiên hay mạc khải tự nhiên. Mạc khải này giúp nhiều người nhận biết Đấng Tạo Hóa nhưng không dẫn họ đến sự cứu rỗi.

Thứ hai, vì mù lòa bởi tội lỗi, con người không nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, nên thay vì thờ phượng Ngài, con người lại thờ phượng những tạo vật Ngài đã làm ra (câu 21-23). Hình tượng không chỉ là ảnh tượng làm bằng những chất liệu tự nhiên hoặc nhân tạo, mà tiền bạc, tình dục, quyền lực và danh vọng cũng là hình tượng vì chúng chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Theo Sứ đồ Phao-lô, việc thờ hình tượng khiến con người (a) hướng đến những ham muốn thấp hèn (câu 24-25); (b) sa vào tình dục trái với tự nhiên (câu 26-27) và chìm đắm trong đời sống sa đọa với biết bao tội lỗi (câu 28-32). Hậu quả là Đức Chúa Trời nổi cơn thạnh nộ và đoán phạt loài người để họ nhận thức được sự dại dột của họ. Tuy nhiên, Ngài không bỏ mặc con người và đây là Phúc Âm cho loài người.

Bạn có mắc phải tội nào trong những tội mà Sứ đồ Phao-lô nói đến trong các câu 29-31? Hình tượng nào có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn nhất? Làm thế nào để chiến thắng sự hấp dẫn đó?

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm trí và tấm lòng con. Xin giúp con thắng mọi tội mà Sứ đồ Phao-lô nêu ra và không rơi vào chỗ thờ lạy hình tượng.

(c) 2024 svtk.net