Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Các Nguyên Tắc Gieo và Gặt

II Cô-rinh-tô 9:6-15

"Anh chị em nên nhớ điều này, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Sứ đồ Phao-lô đã nêu lên những nguyên tắc gieo gặt nào? Bạn áp dụng các nguyên tắc trên ra sao?

Trong II Cô-rinh-tô 9:6-15, Sứ đồ Phao-lô đã dạy các nguyên tắc gieo và gặt áp dụng cho việc ban cho:

1) Mức thu hoạch sẽ tỷ lệ với mức gieo ra. "Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều" (câu 6). Nhà nông muốn thu hoạch nhiều thì cần phải gieo nhiều. Gieo ít thì không thể mong thu hoạch nhiều được. Chúa Giê-xu cũng dạy: "Hãy cho, thì các con sẽ được ban cho. Người ta sẽ đong đấu đầy, nén chặc, lắc xuống, thêm cho đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con; vì các con đong cho người ta theo mức nào, thì sẽ được đong lại theo mức ấy" (Lu-ca 6:38). Chúng ta nên nhớ Chúa không hứa chúng ta sẽ gặt lại cùng một thứ ơn phước mà chúng ta đã gieo ra. Chúng ta gieo ra tiền bạc, có thể chúng ta không gặt lại tiền bạc, nhưng có thể chúng ta gặt những ơn phước khác, và gặt gấp bội những gì chúng ta gieo ra.

2) Chúng ta sẽ gặt khi chúng ta gieo ra với thái độ tốt. "Mỗi người nên quyên giúp tùy lòng đã định, không phải vì miễn cưỡng hay bị ép buộc. Vì Đức Chúa Trời yêu người hiến tặng một cách vui lòng" (câu 7). Trong nông trường, thái độ của người gieo không quan trọng. Nhưng trong công trường thuộc linh thái độ của người gieo rất quan trọng. Sứ đồ Phao-lô mô tả ba thái độ gieo giống. Người gieo miễn cưỡng. Ấy là người dâng hiến, ban cho mà còn nuối tiếc. Người dâng như vậy thì không thể nào rời rộng được. Người gieo vì ép buộc. Ấy là người dâng hiến trong tình thế bắt buộc. Không dâng thì sẽ mất thể diện, hay là sẽ bị lương tâm cắn rứt, vv... Người dâng như vậy cũng chưa thực sự là rộng rãi, dù số lượng hiến dâng có nhiều hay ít. Cuối cùng là người gieo vui lòng. Ấy là người vì biết ơn Chúa, vì thực sự thương người mà dâng hiến, giúp đỡ một cách rời rộng.

3) Có khi chúng ta vừa gieo lại vừa gặt. Nhà nông không thể thâu gặt ngay sau khi mình gieo giống. Nhưng ân sủng của Chúa thì khác. Sứ đồ Phao-lô dạy: "Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh chị em mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh chị em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rộng rãi nữa để làm các thứ việc lành" (câu 8). Điều này không có nghĩa là Chúa hứa sẽ cho chúng ta giàu có khi chúng ta ban cho rộng rãi. Nhưng Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta đầy đủ những gì chúng ta cần cho chính mình và cho những công việc Chúa muốn chúng ta làm.

4) Chúng ta gặt để gieo thêm. Chúa cho chúng ta thêm ân phước để chúng ta có thể tiếp tục ban cho nhiều hơn nữa "anh chị em được phong phú về mọi mặt để làm mọi việc từ thiện rộng rãi" (câu 11). Chúa chúng ta là Chủ Tể vạn vật. Chúa giàu có vô cùng. Chúa có quyền tiếp trợ trực tiếp cho mỗi con dân Ngài. Ngài chọn chúng ta làm ống dẫn để đem ân phước đến cho những người chung quanh. Chúng ta trung tín ban cho, thì Chúa sẽ cho thêm, để chúng ta được rời rộng mà ban cho nhiều hơn nữa. Nhờ đó, Danh Chúa được tỏ sáng qua chúng ta.

Bạn đã biết nguyên tắc "gieo và gặt" của Chúa. Bạn áp dụng thế nào? Bạn có những hạt giống nào? Bạn sẽ gieo chúng ra sao?

Chúa ơi không thể nào con kể hết được những điều Ngài ban cho con. Cảm tạ Ngài. Xin giúp con biết ban cho rời rộng khi mà nhu cầu của nhiều người quanh con quá nhiều.

(c) 2024 svtk.net