Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Đến Giê-ru-sa-lem

Thi-thiên 120:1-7

"Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; khá quỳ gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi! Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi" (Thi-thiên 95:6, 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả kêu cầu Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh nào? Là người yêu chuộng hòa bình, tác giả cảm thấy thế nào khi chung sống với những người ưa thích chiến tranh? Trong tình trạng hỗn loạn, trong chiến tranh, khi đối mặt với cuồng phong, bão tố, lụt lội, động đất, làm thế nào bạn có được sự bình an?

Đây là bài ca đầu tiên trong một loạt 15 "Bài Ca Đi Lên Từ Bực" kể từ Thi-thiên 120 đến 134. Những người hành hương vui mừng hát lên những bài ca này trong lễ hội diễn ra tại đền thờ khi mà bàn chân của họ tiến đến trung tâm thờ phượng của Giê-ru-sa-lem. Mười lăm bài ca tương ứng với mười lăm bậc thang đưa những người thờ phượng bước vào sân trong đền thờ. Thi-thiên này tương ứng với bậc thang đầu tiên là bậc thấp nhất và là Thi-thiên than vãn nói lên nỗi lòng nhớ quê hương cùng niềm hy vọng của những người xa xứ trở về ngôi nhà thiêng liêng của họ là đền thờ.

Có hai địa danh được nói đến trong câu 5: Mê-siếc ở Tiểu Á bên cạnh Biển Đen và Kê-đa nói đến thành viên của bộ tộc Á-rập sống ở sa mạc Á-rập. Rất có thể hai địa danh xa cách Giê-ru-sa-lem này được sử dụng trong thơ ca để nói lên cảm xúc của một người đang sống trong một đất nước, một nền văn hóa xa lạ. Không những xa lạ mà đôi khi còn thù địch với đất nước và nền văn hóa mà từ nơi đó người này được sinh ra. Nếu chúng ta biết có người nào đó đang sống trong tình trạng như vậy, điều chúng ta cần làm là cầu nguyện khẩn thiết cho người này.

Ông Đa-vít có nhiều kinh nghiệm sống với những người thô bạo và hung ác. Nhiều lần ông bị săn đuổi phải chạy trốn thật xa để bảo toàn mạng sống. Có lúc ông phải tạm trú giữa những người, không những ghét ông, mà còn ghét cả hòa bình, bởi họ luôn kêu gọi vũ trang để giải quyết xung đột. Ông Đa-vít cũng như những người thánh của Đức Chúa Trời cảm thấy khốn khổ khi bất đắc dĩ phải sống chung với những con người gian ác. Ông nhận biết nỗi khổ lớn nhất, lớn hơn sự bắt bớ, sự thù ghét, là xa cách Đức Chúa Trời nếu tiếp tục sống như thế. Trong hoàn cảnh ấy ông đã kêu than rằng "khốn nạn cho tôi" và cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu ông.

Bạn thường đến thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm trạng nào? Khi buộc lòng phải chung sống với những người hung bạo và gian ác bạn cần làm gì?

Lạy Chúa, xin ban cho con sự vui mừng và giúp con luôn bày tỏ sự tôn kính, ngợi khen Ngài hết lòng khi thờ phượng Ngài.

(c) 2024 svtk.net