Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Người Nhân Lành Thật

Lu-ca 10:30-37

"Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó. Ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho" (câu 33-34).

Câu hỏi suy ngẫm: Ai nhìn thấy nạn nhân đã bị cướp và nằm trong tình trạng khốn khổ trên đường? Bao nhiêu người thấy mà đi qua khỏi, theo bạn thì tại sao? Ai là người bằng lòng đến gần giúp đỡ, bạn nghĩ tại sao? Bạn nghĩ mình sẽ giống người nào trong những người đã nhìn thấy nạn nhân?

Trong câu chuyện Chúa Giê-xu kể ở đây, cả 3 nhân vật: thầy tế lễ, người Lê-vi và người Sa-ma-ri cùng đi trên một con đường, cùng đối diện với một sự kiện, cùng thấy những gì xảy ra, nhưng một trong ba người đó có cách xử sự khác biệt hơn, đó là người Sa-ma-ri. "Một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại..." (câu 31-34). Sự khác biệt của người Sa-ma-ri với hai người kia là mắt và lòng có chung một liên hệ. Đáng buồn thay, số người thấy và bỏ đi nhiều hơn là số người lại gần, những người thấy và bỏ đi là những người đáng ra phải làm một hành động yêu thương cụ thể nào đó vì địa vị của mình, nhưng họ đã không làm. Đây có thể là hình ảnh của chính chúng ta trước những gánh nặng của người khác chăng?

Thầy tế lễ là người giảng về lòng thương xót, người Lê-vi là người biết về lòng thương xót, nhưng người Sa-ma-ri là người thật có lòng thương xót. Chúng ta gọi nhân vật trong câu chuyện này là người Sa-ma-ri nhân lành không phải vì địa vị của ông, dòng giống của ông, mà vì việc làm của ông. Giữa mắt và lòng có một khoảng cách rất gần, nhưng một quãng đường thật xa. "Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật" (1 Giăng 3:18).

Thầy tế lễ bỏ đi qua khỏi, chắc vì người đang bận rộn với nhiều trách nhiệm lắm. Người Lê-vi lại gần thấy rồi đi qua khỏi, chắc vì nạn nhân đổ máu trông thật ô uế và kinh tởm. Người Sa-ma-ri đến gần ngó thấy thì động lòng thương chắc vì nghĩ đến thân phận vốn thuộc dân tộc bị con người coi khinh, nhưng bản thân mình lại được Đức Chúa Trời yêu mến, vậy thì thương người như thể thương thân, việc gì làm được hôm nay hãy cứ làm hết sức mình. Nhìn lại bản thân chúng ta, thử nghĩ rằng ngày đứng trước mặt Chúa, và sẽ phải hối tiếc vì những gì đáng lẽ làm được hôm nay, mà chúng ta đã không làm, thì sao?

"Người Sa-ma-ri lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người này, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả" (câu 34-35). Tại sao người phải mệt nhọc như thế, mất thì giờ như thế, tốn kém quá nhiều như thế cho một người không quen biết kia? Vì Chúa đã làm cho tôi nhiều quá, hy sinh cho tôi lớn quá, và trả giá cho tôi cao quá trong ngày tôi bị nạn. Chúa đã vì tôi bỏ sự sống Ngài, thì tôi cũng có thể hy sinh điều mình có cho một người khác được vậy; Chúa đã đối xử với tôi như một người lân cận của Ngài, nên tôi cũng đối xử với người ấy như người lân cận của mình, vì tôi muốn giống Chúa tôi.

Chúng ta có thể xúng xính trong bộ áo thầy tế lễ, có thể đạo mạo trong tư cách người Lê-vi, nhưng chúng ta chỉ có thể giống Chúa khi chúng ta làm như Ngài đã làm. Bạn cưu mang cho anh chị em mình chăng, muốn trở nên giống Chúa chăng, vậy thì không thể nào tính toán với Chúa được, vì trong tình yêu không thể loại trừ sự trả giá hy sinh.

Bạn có nghĩ rằng mình quá bận rộn và không thể có thì giờ dành cho người khác không? Bạn có nghĩ rằng mình đã hy sinh nhiều và không thể hy sinh thêm nữa không? Bạn có ước ao rằng mình không chỉ có bộ dạng của người Cơ Đốc mà là người Cơ Đốc thật sự không?

Lạy Chúa Giê-xu, xin dạy con việc cần làm cho những điều mắt trông thấy, trang điểm con với vẻ đẹp tình yêu Chúa ban, làm rung động trái tim con bằng lòng thương xót giống Chúa.

(c) 2024 svtk.net