Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Phước Cho Người Than Khóc

Thi-thiên 137:1-9

"Phước cho những người than khóc, vì sẽ được yên ủi!" (Ma-thi-ơ 5:4).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúng tôi trong câu 1 là ai? Vì sao họ buồn và khóc? Vì sao họ không thể hát bài ca của Đức Giê-hô-va? Vì sao họ kêu cầu Đức Chúa Trời nhớ lại các con cái Ê-đôm? Câu 8, 9 nói gì? Bạn nghĩ gì về luật "gieo giống chi, gặt giống nấy"?

Tác giả Thi-thiên này đặt mình vào vị trí của những người hồi hương để hồi tưởng thời kỳ lưu đày vào năm 587 trước Chúa. Qua đây ông truyền đạt cho người đọc sứ điệp: Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên liên tục hiện diện với con dân Ngài suốt thời kỳ họ bị lưu đày; Ngài vẫn tể trị, và Ba-by-lôn, một thế lực hùng mạnh bậc nhất vào thời đó, phải quy phục và chịu sự đoán phạt của Ngài. Những ý tưởng như thế không những đem lại sự yên ủi cho những cộng đồng người Giu-đa đang nản lòng trong thời kỳ hậu lưu đày, mà còn cho chúng ta ngày nay nữa.

Trước hết, ngay phần đầu của Thi-thiên này là hình ảnh của những người lưu đày ngồi khóc bên bờ sông. Cảnh đẹp hai bên bờ sông thơ mộng không làm cho họ vui. Trong thân phận của người xa xứ họ khắc khoải mong nhớ quê nhà. Dù ở trong tình trạng sụp đổ một cách thảm hại, nhưng Giê-ru-sa-lem vẫn luôn ở trong tâm tư, tình cảm của họ. Họ lại càng thêm buồn khi những kẻ bắt họ, ra lệnh cho họ hát một bài ca vui mừng. Lòng dạ đâu mà cất tiếng hát vui mừng trong hòan cảnh như thế, vì thế họ đã từ chối hát bài ca Si-ôn và treo đàn lên những cây dương liễu ở ven sông. Kế đến, tác giả như muốn nói rằng dù cá nhân ông từ chối hát khi những người bắt ông, yêu cầu ông hát, nhưng ông không thể không tiếp tục thương nhớ Giê-ru-sa-lem (câu 5, 6).

Sau khi người Ba-by-lôn tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 587 trước Chúa, Ê-đôm là dân tộc anh em với Ít-ra-ên đã cướp phá Giê-ru-sa-lem và giết chết những người Ít-ra-ên chạy đi lánh nạn (Ê-xê-chi-ên 25:12-14; Áp-đia 10-16). Đây là lý do tại sao tác giả kêu gọi Đức Chúa Trời là vị quan tòa tối cao trên hòan vũ đoán phạt Ê-đôm. Tuy sự đóan phạt Ê-đôm chỉ là khúc dạo đầu của sự đóan phạt thật sự trên Ba-by-lôn. Đất nước hùng mạnh một thời hủy điệt nhiều dân tộc giờ đây bị hủy diệt. Ba-by-lôn đã gây nhiều đau khổ cho nhiều dân tộc, giờ đây phải chịu đau khổ.

Có lúc chúng ta phải khóc vì đau lòng và không thể nào cất tiếng hát như người Ít-ra-ên khi thấy nhân loại ngày càng đau khổ bởi chiến tranh, dịch bịnh và thiên tai. Điều chúng ta có thể làm là trình bày cảm nghĩ của chúng ta về những khổ đau của nhân loại cho Đấng phán xét công bình và đầy lòng nhân từ?

Bạn bày tỏ cảm xúc như thế nào trước nỗi đau của con người và những hành động tàn bạo xảy ra trên thế giới? Hãy dành thời gian cầu nguyện trong ngày hôm nay để cầu xin Đức Chúa Trời can thiệp.

Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thế giới này bằng cái nhìn của Ngài và yêu thương thế giới này như Ngài yêu thương.

(c) 2024 svtk.net