Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Đức Thánh Linh Ban Năng Lực

"Vậy, những người nhóm tại đó thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng? Ngài đáp rằng: Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết. Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. Các người đó đang ngó chăm trên trời trong lúc Ngài ngự lên, xảy có hai người nam mặc áo trắng hiện đến trước mặt, và nói rằng: Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy. (Công Vụ 1:6-11).

Khi nói đến quyền năng hay sức mạnh quý vị và các bạn nghĩ đến gì? Hình ảnh nào hiện ra trong tâm trí quý vị? Những đập nước lớn sản xuất thủy điện chăng? Hay năng lực hạt nhân, nguyên tử từng làm hai thành phố của Nhật bị san bằng? Năng lực nguyên tử có khả năng vận chuyển những chiếc tầu ngầm và tàu chiến hằng tháng ròng rã mà không cần thêm nhiên liệu chăng?

Có người khi nghĩ đến sức mạnh, liên tưởng đến dòng sông Amazon. Amazon là một sông vĩ đại. Lưu lượng nước sông này nhiều bằng tám con sông lớn nhất trên địa cầu. Ta biết sông Nile là con sông mà toàn lãnh thổ Ai-cập nhờ nước dẫn thủy nhập điền. Nhưng cửa sông Amazon lưu lượng nước nhiều đến 60 lần lưu lượng nước sông Nile. Mỗi ngày sông Amazon đổ xuống biển Đại Tây 32 nghìn tỷ lít nước. Con số đó có lẽ không mấy cho bạn chú ý nhưng lượng nước đó nhiềm gấp 200 lần nước mà tất cả các thành phố của Hoa-kỳ sử dụng trong một ngày. Amazon đúng là con sông nhiều sức mạnh.

Là người tin Chúa, chúng ta biết rằng sức mạnh còn mang nhiều ý nghĩa hơn là tiếng tuyệt-bin quay của thủy điện hay là các vụ nổ nguyên tử hay những con sông nước chảy siết. Vì tất cả những thứ này là bằng cớ về quyền năng của Đức Chúa Trời.

Từ đâu mà những hạt electron tràn vào những sợi giây cáp để thắp sáng thành phố chúng ta?

Từ đâu mà có cái năng lượng có thể sắp xếp lại tận cấu trúc của vật chất trong những phản ứng hạt nhân?

Từ đâu mà dòng nước làm xoi mòn những triền núi và chảy không ngừng ra biển cả?

Ngoài Chúa ra ai có quyền làm biến dạng những đường vòng quanh trái đất của chúng ta?

Con người có thể kiềm chế hay chia rải năng lực. Nhưng nguồn của năng lực, sức mạnh chính là do Chúa cả.

Chúa còn có loại sức mạnh khác nữa. Đó là sức mạnh siêu nhiên. Loại sức mạnh của Đức Thánh Linh trong đời sống những người tin Chúa là một thí dụ. Đây là loại sức mạnh có thể làm cho cơn khát khao về tâm linh của toàn nhân loại được thỏa mãn.

"Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã viết vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển." (Giăng 7:37-39).

Người nào tin thì quyền năng Thánh Linh sẽ giáng trên người ấy như một con sông đầy sức mạnh. Lễ Ngũ Tuần đầu tiên chính là khi Thánh Linh giáng xuống trên con dân của Ngài. Hội thánh non trẻ ban đầu được ban cho quyền năng để thi hành mệnh lệnh quá vĩ đại của Đức Chúa Trời qua lệnh truyền của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu vinh quang sau khi thực hiện xong nhiệm mạng hi sinh cứu chuộc nhân loại, sống lại từ cõi chết, thăng thiên, đã giữ đúng lời hứa, đưa Thánh Linh như dòng nước nay sức mạnh tràn vào hội thánh để thực hiện công việc truyền bá phúc âm cho toàn thế giới.

Năng Lực để Làm Nhân Chứng Hiệu Quả

Lời mà Chúa Giê-xu từng hứa ngay từ khi Ngài bắt đầu chức vụ trên đất, đã được nhắc lại sau khi Chúa phục sinh, ngay trước khi Ngài lìa môn đệ trở về với Chúa Cha. Lu-ca đã kể lại chi tiết như sau:

"Vậy, những người nhóm tại đó thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng? Ngài đáp rằng: Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết. Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất." ( Công Vụ 1:6-8).

"Quyền phép để làm chứng.."đây là một trong những ân tứ quan trọng mà Thánh Linh ban cho con dân Chúa. Quyền năng Thánh Linh vận hành như thế nào trong công tác làm nhân chứng ta không hiểu được vì đó là một trong các huyền nhiệm của Chúa. Nhưng qua Kinh Thánh và kinh nghiệm chúng ta biết được một vài điểm.

Sức thuyết phục.

Sứ đồ Phao lô viết cho tín hữu tại Rô-ma rằng: "Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc;" (Rô-ma 1:16). Không ai có thể làm nhân chứng cho Chúa hữu hiệu mà không tin chắc rằng phúc âm hay tin mừng thật sự có tác động. Nghi ngờ thường làm cho ngọn lửa chứng đạo cháy âm ỷ đến nỗi không ai thấy. Nhưng Thánh Linh quả quyết với chúng ta rằng Đức Chúa Trời có thể hành động và thay đổi đời sống con người. Thánh Linh nhắc cho chúng ta nhớ những gì Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta. Thánh Linh bên trong chúng ta tiếp thêm nhiên liệu cho đức tin của chúng ta, Ngài tiếp tục thuyết phục chúng ta rằng Chúa Giê-xu là Đấng nay năng quyền và là Cứu Chúa của chúng ta. Với lòng tin chắc như thế chúng ta có sức mạnh vươn ra đụng chạm đến những người chưa biết Chúa và làm nhân chứng cho Ngài.

Can đảm giữa lúc bị chống đối.

Đây là một ân tứ Thánh Linh ban cho để giúp chúng ta trong lúc làm nhân chứng cho Chúa. Tức là khi chia sẻ niềm tin cho người chưa tin Chúa. Gương chứng về Stephan đáng cho chúng ta chiêm nghiệm. Stephan là người tử đạo đầu tiên trong hội thánh ban đầu, ông cũng là nhân chứng đầu tiên tử nạn vì đức tin. Trong Kinh Thánh Tân Ước thì làm nhân chứng và tử đạo cùng nghĩa vì trong tiếng Hi-lạp nhân chứng với tử đạo là một chữ. Theo ý nghĩa đó, làm nhân chứng là liều mạng vì sự thật, vì điều mình tin nhận. Đó là việc Stephan đã làm, vì dù biết rằng công bố tin mừng sẽ đưa đến cái chết, Stephan vẫn không dập tắt ngọn đưốc tin mừng nhưng còn khơi sáng hơn giữa cơn chống đối mãnh liệt. Stephan đã tăng cường sức mạnh của lời chứng bằng cách lời cầu nguyện cho kẻ đang bách hại mình. Đây chính là cái can đảm mà Thánh Linh ban cho.

Vững tin trong mọi hoàn cảnh. Đây là một việc trợ giúp khác mà Thánh Linh đưa đến. Trong lời hứa của Chúa Giê-xu khi truyền lệnh cho các môn đệ làm nhân chứng cho Ngài, Chúa nói đến tầm hoạt động mở rộng của họ. Trước tiên là Giê-ru-sa-lem, căn cứ cơ bản là nơi vừa có nhiều bạn lại cũng nhiều tử thù phải là chỗ rao truyền tin mừng, làm nhân chứng nhiều hơn cả. Toàn vùng Giu-đê và Sa-ma-ri cũng vậy, đây là hai vùng sát cạnh nhau nhưng chẳng mấy thuận thảo với nhau. Thật ra không có nơi nào trên thế giới là không được đặc ân nghe tin mừng và tin nhận. Đức Chúa Trời không phải là vị thần của một địa phương, và tin mừng không phải cho riêng một dân tộc nào. Đức Thánh Linh đi bất cứ nơi nào nhân chứng của Chúa đi đến. Thánh Linh hành động trong bất cứ nơi nào có người cư ngụ và diễn dịch sứ điệp về Chúa Giê-xu ra mọi ngôn ngữ và văn hóa dưới ánh mặt trời.

Quan tâm đến mọi giống người. Đức Thánh Linh ban quyền năng cho chúng ta để làm nhân chứng hữu hiệu trong mọi hạng người trong xã hội. Không phải chỉ riêng Stephan theo gương Chúa Giê-xu cầu xin Cha tha thứ cho những người chống đối bách hại mình, sứ đồ Phao-lô từng nói: "Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức là dân Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men." (Rô-ma 9:3-5). Đó chính là mối quan tâm thiết tha mà Đức Thánh Linh ban cho người làm nhân chứng. Chúng ta không thể nào nhân danh Chúa rao truyền tin mừng nếu đối tượng không cảm thấy chúng ta quan tâm, thương xót họ.

Năng Lực Kiên Trì Chịu Đựng

Chúng ta không thể làm nhân chứng hiệu quả nếu không được quyền năng Thánh Linh yểm trợ. Chúng ta cũng không thể sống đời tin kính vẹn lành nếu không có quyền năng đó. Chúng ta giống như những chiếc phi cơ lúc nào cũng nhờ sức mạnh của động cơ mới cất cánh được. Thánh Linh còn giống như con sông chảy mãi để cung cấp sức đẩy cho con thuyền của chúng ta.

Trong lá thư gởi cho hội thánh Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô trách cứ họ: " Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? nếu quả là luống công! Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin?" (Ga-la-ti 3:3-5). Đây là tình trạng nản lòng bỏ cuộc của người Ga-la-ti ngày xưa và chúng ta ngày nay khi gặp thất bại hay chống đối, trở lực hay khó khăn về tinh thần hay vật chất, thế rồi muốn trở về đường hướng hoạt động cũ. Nghĩa là đi theo mắt thấy chứ không theo đức tin. Theo giải pháp của mình mà hành động thay vì tin cậy nơi Chúa. Hay nói khác đi là nương cậy vào một cái gì khác hơn là quyền năng Thánh Linh.

Chỉ Thánh Linh mới có thể cho ta sức mạnh và năng lực kiên trì chịu đựng. Không gì chán nản hơn là cố gắng sống theo các nguyên tắc của Chúa mà không có năng quyền của Thánh linh. Muốn làm theo ý chỉ của Chúa, theo dấu chân Chúa, vâng theo lời dạy của Chúa, tất cả đều phải nhờ sức của Thánh Linh.

Năng Lực để Sống Đời Thánh Thiện Tin Kính.

Đức Thánh Linh giúp chúng ta làm nhân chứng hiệu quả, Ngài ban năng lực khi ta cần kiên trì chịu đựng. Nhưng Đức Thánh Linh còn giúp ta sống cuộc đời thánh thiện và tin kính nữa.

"Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời." (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5).

Những lời cảnh cáo trên đây là của sứ đồ Phao-lô đối với các tân tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông dạy họ phải lưu tâm đến ý chỉ của Đức Chúa Trời, phải tôn trọng quyền lợi của người khác, không được xâm phạm đến vợ của người ta, và luôn luôn phải nghĩ đến cuộc phán xét tội của Chúa. Nhưng sau đó ông dường như đoán trước được thắc mắc của người đọc thư, là làm sao làm nổi? Ông trả lời:

"Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy. Cho nên ai khinh bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh bỏ người ta đâu bèn là khinh bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban Thánh Linh của Ngài trong anh em." (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:7,8).

Ta lưu ý đến các chữ Thánh trong mấy câu này: nên thánh, Thánh Linh. Thánh Linh ở với chúng ta và có năng quyền thánh hóa đời sống chúng ta nếu chúng ta bằng lòng thuận phục theo lời Chúa dạy.

Khi Chúa Giê-xu nói về việc đưa Thánh Linh xuống ở với các môn đệ, họ hỏi Ngài rằng khi nào thì vương quốc của Chúa thể hiện. Ngài không cho biết khi nào, nhưng cho biết làm thế nào mà vương quốc ấy thể hiện. Đó là, nơi nào Đức Thánh Linh hành động, thì nơi ấy là vương quốc trời thể hiện. Khi Thánh Linh ban cho quyền năng để ta làm nhân chứng về tin mừng, thì nước Chúa được bành trướng. Khi Thánh Linh ban năng lực cho con dân Chúa kiên trì chịu đựng, thì vương quốc Chúa được vững bền. Khi Thánh Linh ban năng lực để duy trì đời sống thánh khiết thì vương quốc trở thành hoàn hảo.

Như sức mạnh của con sông Amazone và còn mạnh hơn thế nữa, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang tác động. Hãy đi với Ngài, các bạn sẽ ngạc nhiên về những việc xảy ra.