Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Lời về Đức Chúa Trời

Giăng 5:31-40; Hê-bơ-rơ 1:1-2

"Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy" (câu 39).

Câu hỏi suy ngẫm: Người Giu-đa tra xem Kinh Thánh với mục đích gì? Chúa Giê-xu tuyên bố Kinh Thánh viết về ai? Hê-bơ-rơ 1:1-2 cho thấy mục đích nào của Kinh Thánh? Lời Chúa giúp bạn hiểu biết và kinh nghiệm về Chúa thế nào?

Bất cứ ai đọc Kinh Thánh cũng dễ dàng nhận ra rằng Kinh Thánh viết về Đức Chúa Trời, nói cách khác Kinh Thánh là Lời về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời để chúng ta tương giao với Ngài và được sự sống. Những câu chuyện, những biến cố lịch sử, những lời dạy, những áng thơ văn trong Kinh Thánh cho ta thấy những bản tính của Đức Chúa Trời như quyền năng, vinh quang, thánh khiết, công chính, tình yêu, sự quan phòng. Kinh Thánh cũng cho thấy chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã thực hiện qua dân tộc Ít-ra-ên, qua Chúa Giê-xu và qua Hội Thánh.

Những ai không tin Kinh Thánh cho rằng các tác giả viết Kinh Thánh đã cố gắng diễn tả và giải thích sự sống và lịch sử qua niềm tin chủ quan của họ về Đức Chúa Trời. Họ bác bỏ sự linh cảm của Đức Chúa Trời trên các tác giả, phủ nhận tính chính xác của Kinh Thánh, cũng như không chấp nhận cách trình bày lịch sử dựa trên niềm tin cá nhân nơi Đức Chúa Trời.

Để Kinh Thánh trở nên ý nghĩa và hữu ích, cần phải nhận thức được giá trị của bộ sách này. Các tác giả đã có những kinh nghiệm đặc biệt trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời như là một thực thể hằng sống và họ đã được Ngài soi dẫn, linh cảm để chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm đó. Đức Chúa Trời đã dùng những tác giả để ghi lại những kinh nghiệm tôn giáo của người xưa - tức những kinh nghiệm về mối liên hệ với Đức Chúa Trời - để qua đó chúng ta biết về Ngài. Kinh Thánh là mạc khải của Đức Chúa Trời, giúp chúng ta khám phá những kinh nghiệm của các nhân vật trong đó về Đức Chúa Trời, nhờ vậy chúng ta biết rõ Ngài hơn.

Cựu Ước là lịch sử của một dân tộc - dân tộc Ít-ra-ên - được ghi lại để chúng ta thấy được bản tính của Đức Chúa Trời, quyền tể trị và chương trình cứu chuộc của Ngài. Nói cách khác Cựu Ước viết về Đức Chúa Trời. Tân Ước là lịch sử của một con người - Chúa Cứu Thế Giê-xu - Đấng đến để "giãi bày Cha cho chúng ta" (Giăng 1:18). Người Giu-đa tra cứu Kinh Thánh Cựu Ước vì tươœng họ nhận được sự sống vĩnh cửu, họ không nhận ra Kinh Thánh nói về Chúa Giê-xu. Qua đời sống và sự giảng dạy của Chúa Giê-xu, chúng ta biết rõ hơn về Đức Chúa Trời và vương quốc của Ngài. Nói cách khác, cả Kinh Thánh đều viết về Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:1, 2).

Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài đến thế gian để "làm nhân chứng cho chân lý" (Giăng 18:37). Ngài không nói tự mình nhưng nói theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Giăng 12:49). Trong lời cầu nguyện từ biệt, Chúa Giê-xu nói, "Con đã truyền cho họ những lời Cha đã truyền cho Con" (Giăng 17:8). Chúa Giê-xu có thái độ rõ ràng đối với Cựu Ước. Ngài xác nhận toàn bộ Cựu Ước xác thực khi trích dẫn từ các sách Ngũ Kinh, Tiên Tri, và Thi-thiên (Lu-ca 24:27). Chúa Giê-xu cũng áp dụng toàn bộ Cựu Ước cho chính Ngài. Ngài dùng Ê-sai 61:1 trong nhà hội Do Thái tại Na-xa-rét (Lu-ca 4:16-21). Ngài khẳng định "Ấy là Kinh Thánh (Cựu Ước) làm chứng về Ta" (Giăng 5:39). Ngài quở trách người Do Thái vì họ nghiên cứu Cựu Ước nhưng không nhận ra Ngài. Chúa Giê-xu cũng xác nhận sự linh cảm, thẩm quyền và giá trị của Kinh Thánh khi tuyên bố, "Đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn" (Ma-thi-ơ 5:18).

Qua Kinh Thánh bạn biết gì về Chúa? Sự hiểu biết đó giúp mối liên hệ của bạn với Chúa thế nào?

Cám ơn Chúa vì Ngài đã bày tỏ chính Ngài trong Kinh Thánh. Qua Lời Chúa xin cho con mỗi ngày hiểu biết Ngài nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn, và kinh nghiệm những phước hạnh trong mối tương giao với Ngài nhiều hơn.

(c) 2024 svtk.net