Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Tin Là Thấy

Giăng 20:24-31

"Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy Ta, nên ngươi tin. Phước cho những người chẳng từng thấy mà đã tin vậy!" (câu 29).

Câu hỏi suy ngẫm: Các môn đệ đã kể cho ông Thô-ma nghe điều gì? Vì sao ông không tin? Ông muốn gì? Khi không tin điều gì bạn thường có thái độ nào? Chúa Giê-xu đã hiện ra và nói gì với ông Thô-ma? Ông xưng nhận điều gì? Điều đó có ý nghĩa gì? Bạn học được điều gì từ phần Kinh Thánh này?

Có một người vắng mặt khi Chúa Giê-xu hiện ra trong căn phòng đóng kín, đó là ông Thô-ma. Dù ông đã được nghe các môn đệ khác kể họ đã gặp gỡ Chúa Giê-xu, nhưng ông không tin và đòi thấy bằng chứng rõ ràng thì mới tin. Nhiều người trong vòng chúng ta cũng giống như ông Thô-ma, thấy mới tin, không thấy không tin. Tuy nhiên, những gì ông nhìn thấy và lời xưng nhận của ông lại là một trong những lời chứng mạnh mẽ hơn hết về Chúa Phục Sinh (câu 27, 28).

Có thể nói mối quan tâm của Sứ đồ Giăng trong suốt sách Phúc Âm Giăng là niềm tin, sự tận hiến cho Chúa Giê-xu (câu 11:25, 26; 20:31) và lời kêu gọi "chớ cứng lòng, song hãy tin!" (câu 27). Sứ đồ Giăng cũng muốn truyền đạt cho chúng ta ba điều sau đây:

Thứ nhất, cái chết của Chúa Giê-xu là sự thật. Ông Thô-ma nói rằng ông sẽ chẳng bao giờ tin nếu không thấy những vết thương nơi thân thể của Chúa Giê-xu. Đức tin Cơ Đốc đặt sự chết của Chúa Giê-xu tại trọng tâm của sứ điệp Phúc Âm. Ông Thô-ma đã gặp Chúa Giê-xu phục sinh là Đấng đã bước vào thế giới này để cứu chuộc tội nhân.

Thứ hai, sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật. Ngài đã chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết để đứng trước mặt ông Thô-ma. Khi nhìn thấy các vết thương trên người của Ngài, chẳng những ông Thô-ma bày tỏ sự tôn thờ, mà còn đặt niềm tin trọn vẹn nhất nơi Ngài. Đối với người Giu-đa việc gọi một người khác "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!" (câu 28) là một điều không thể tin được. Người Giu-đa chỉ tôn thờ một mình Đức Chúa Trời, tôn thờ một người nào khác là phạm tội trọng (Giăng 10:33). Tuy nhiên, trong ánh sáng của sự phục sinh, ông Thô-ma nhận biết người đứng trước mặt ông là Thầy, là Chúa và Ngài cũng là Đức Chúa Trời của ông.

Thứ ba, kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân là kinh nghiệm thực tế. Các câu 30 và 31 tóm tắt mục đích của Sứ đồ Giăng khi viết sách Phúc Âm này. Ông khẳng định rằng chúng ta có thể đặt niềm tin trọn vẹn nơi những điều mà ông đã tận mắt, tận tai nghe thấy và ghi chép lại. Ông muốn nói rằng "tin là thấy", là kinh nghiệm và là lời chứng của vô số người khắp trên thế giới trải qua nhiều thế kỷ.

Ông Thô-ma đã được thay đổi bởi ông đã thấy Chúa Giê-xu phục sinh. Từ đó ông đã sống trung thực và hết lòng với niềm tin của ông nơi Ngài. Ông không chỉ phục vụ Đức Chúa Trời ở Giê-ru-sa-lem, mà còn đem Phúc Âm đến nam bán cầu, trong đó có đất nước Ấn Độ. Đây là những gì có thể xảy ra khi chúng ta thật sự được gặp gỡ Chúa Phục Sinh và được thay đổi bởi Ngài.

Điều gì khiến bạn tin rằng Chúa Giê-xu đã sống lại? Câu nói của ông Thô-ma "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!" có ý nghĩa gì đối với bạn?

Lạy Chúa, từ đáy lòng con cầu nguyện với Ngài rằng "Con tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của con!" (Mác 9:24).

(c) 2024 svtk.net