Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

Thánh-linh Ban Ân Tứ Năng Lực Đặc Biệt.

"Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người." (1 Cô-rinh-tô 12:4-11).

Ganh đua có thể hữu ích và có lợi. Vì ước muốn làm tốt hơn có thể giúp cho một người hay một cơ quan đạt đến trình độ mong muốn. Những bộ môn như nghệ thuật, âm nhạc,điền kinh, phát minh v.v. sở dĩ thành công vượt bực là vì có ganh đua. Mọi người đều nỗ lực, cố gắng làm tốt nhất, phát triển tài năng và khả năng cho cao, để vượt người khác là những người đã vô địch hay thành công lớn.

Nhưng ganh đua cũng có thể là một việc nguy hiểm. Vì thông thường chúng ta có thể vượt qua ranh giới là hữu ích cho mình, nhưng còn làm sao gây tổn hại cho người khác hay đối phương nữa. Vì khi ta thắng, thế nào cũng có người bị thiệt hại. Đôi khi ta thắng mà lại vẫn thua, vì thắng với lòng kiêu hãnh, thì cũng như thua vậy. Một phương diện khác, ta thua là vì coi thành quả là của mình, trong khi đó thật ra là điều Chúa ban cho. Ta cũng thua là vì thái độ nhìn xuống những người không làm được bằng mình.

Một trong những bằng chứng tội ác trong đời sống chúng ta và xã hội là cuộc thi đua nào cũng đưa đến chỗ không tốt. Các bạn học sinh ý thức rất rõ về vấn đề này. Họ đòi hỏi là phương pháp cho điểm và đánh giá bài làm phải khuyến khích họ cố gắng tối đa hơn là chỉ vì ganh đua. Các nhà quản trị thương mại, nhất là ở cấp trung, đang tìm ra những phương cách thay thế ganh đua bằng cách công nhận khả năng của mỗi người trong việc hợp tác với nhau và cùng chia sẻ phần thưởng của thành công đem lại. Công thức thi đua đã chứng tỏ là thất bại chứ không đem lại lợi ích thực tiễn. Vì ganh đua đưa đến căng thẳng, chán nản, tuyệt vọng, ngã lòng và đau ốm nữa. Ganh đua còn khuyến khích người ta làm dối hay lừa gạt sao cho có điểm cao hay được thăng tiến trong thương mại.

Một phương cách tiếp cận mới đang cần cho sự tương giao của chúng ta với nhau. Chúng ta cần tìm ra những phương cách sao cho việc đóng góp của chúng ta được hữu hiệu nhất cho xã hội, cho Giáo-hội, cho Nước Chúa mà không bị xao nhãng vì những hậu quả tiêu cực do ganh đua đưa đến.

Đây cũng là lý do mà sứ đồ Phao-lô đã ra huấn thị cho các hội thánh tại Rô-ma, Tiểu Á và Cô-rinh. Các hội thánh trong các vùng này đã trở thành nạn nhân của một loại ganh đua sai lạc. Một số tín hữu trong các hội thánh này đã kiêu hãnh vì các ân tứ Chúa ban cho họ và rất hãnh diện về uy quyền của họ trong các hội thánh do vì các ân tứ phát sinh ra. Những người khác cản thấy bị bỏ rơi, mặc cảm tự ti, vô dụng. Sứ đồ Phao-lô đã cố sửa chữa lại các việc sai trái này. Ông đã cho các hội thánh này biết nguyên tắc hợp nhất trong dị dạng để bỏ đi việc ganh đua tai hại. Ông đã viết cho hội thánh Cô-rinh là nơi người ta rất kiêu hãnh về thành công trong địa hạt tâm linh lúc đó. Ông viết: "Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung." (1 Cô-rinh-tô 12:4-7).

Sứ đồ Phao-lô dạy vừa minh bạch lại vừa sâu nhiệm. Ba Ngôi Đức Chúa Trời là nguồn gốc của sự hợp nhất trong hội thánh. Vì tất cả chúng ta đều tôn thờ Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh vì thế chúng ta phải là một. Dù chúng ta thuộc về tổ chức giáo phái nào vẫn chưa quan trọng bằng việc hợp nhất cơ bản này. Hơn nữa các ân tứ mà chúng ta nhận được là để phục vụ người khác chứ không phải để quy lợi cho mình. Như thế trong việc phục vụ, không có chỗ cho phe đảng, kiêu hãnh, hay ganh đua gì nữa. Khi Thánh-linh hoạt động thì Ngài chỉ cho chúng ta thấy phương pháp mới.

Ân Tứ về Quyền Năng

Sứ đồ Phao-lô đi vào chi tiết về các ân tứ mà ông nghĩ đến. Đây là danh sách ân tứ thứ ba được ghi trong các bức thư của ông. Cho các hội thánh tại La-mã, ông đã viết về các ân tứ để phục vụ như: nói tien tri, phục vụ, giáo dục, khuyến khích, đóng góp, làm việc nghĩa, nhân đạo. Thư cho hội thánh Ê-phê-sô ông liệt kê ra các ân tứ dùng để gia tăng sức mạnh của hội thánh để các nhiệm vụ được thực hiện tốt, đó là các ân tứ về lãnh đạo như: sứ đồ, tiên tri, giảng sư, mục sư, và giáo sư. Thư cho hội thánh Cô-rinh ông viết về các ân tứ về quyền năng: " Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy." (1 Cô-rinh-tô 12:8-10).

Ân tứ đầu tiên là Lời nói khôn ngoan. Ta có thể xem thêm trong 1 Cô-rinh-tô 1:18-25 để hiểu rõ hơn về Lời nói khôn ngoan này: "Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời. Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không? Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta." (1 Cô-rinh-tô 1:18-25). Theo như các câu này thì lời nói khôn ngoan đây chính là lời giãi bầy tin mừng hay Phúc âm cho đồng bào. Đây là tin mừng về việc Chúa Giê-xu vào đời để hi sinh cứu chuộc nhân loại. Đây là vào thời giáo hội sơ khai chưa có Kinh Thánh Tân Ước để cho người đọc và biết về Chúa Giê-xu.

Tiếp theo là Lời nói tri thức, đây là hiểu biết về những điều huyền nhiệm và giải thích cho người khác biết. Đây chính là một mặc khải của Thánh-linh.

Đức tin, đây không phải là đức tin căn bản, nhưng là tin vào việc quyền năng của Chúa. Phao-lô gọi là đức tin có thể dời núi được. Đây là những người được ân tứ để làm những việc to lớn lạ thường cho Chúa.

Chữa lành bệnh, đây là ân tứ Chúa ban cho một số người để đặt tay cầu nguyện thì người bệnh được lành.

Làm phép lạ theo sau chữa bệnh. Chữa bệnh cũng là làm phép lạ, nhưng ở đây có thể là việc đuổi quỷ hay tà ma.

Nói tiên tri, nhiều khi về chuyện tương lai, nhưng cũng liên quan đến chuyện hiện tại. Có thể nói về những chuyện Chúa đã làm, Chúa đang làm và Chúa sẽ làm.

Khả năng phân biệt các tà linh. Đây là khả năng Chúa ban cho một số người, nhất là trong những vùng mà tà linh ngự trị. Hội thánh ngày xưa cũng như hiện tại, việc tà linh hiện diện đều phải có người đối đầu. Ngay cả những kẻ dối giả, mạo nhân danh Chúa mà làm những việc tàn hại. Ngay cả những người gọi là tin Chúa nhưng đem vào hội thánh những tư tưởng hay hành vi ngoại giáo làm cho nhiều người hoang mang. (Như chuyện tiêu diệt con rồng và hình con rồng ở vùng Sài-gòn trước đây vì bảo là biểu tượng của ma quỷ làm cho con cái Chúa không biết phải tin như thế nào.) Những người có ân tứ này sẽ có khả năng phân biệt đâu là việc của Chúa và đâu là việc do ma quỷ xui khiến.

Nói các thứ tiếng, việc này nhắc ta nhớ ngày lễ 50 ngày hay Ngũ Tuần, là khi những người được Thánh-linh ngự, nói được các ngôn ngữ xa lạ. Nhiều người xưa nay vẫn cầu nguyện bằng một thứ ngôn ngữ mà chỉ có họ mới hiểu được mà thôi.

Khả năng diễn giải tiếng lạ. Đây là khả năng đi sát với khả năng nói tiếng lạ. Đây là khả năng chứng minh người nói tiếng lạ có phải là nói thật hay không. Vì Phao-lô dạy rằng tiếng lạ phải có người biết thông giải, nếu không là giả mạo.

Tình thương

Thông thường khi trong Hội Thánh có một số người được ân tứ và phát triển ân tứ thì có hai hiện tượng xẩy ra. Thứ nhất là tính kiêu căng của người được ân tứ và thứ hai là sự bất mãn của những người cho rằng mình không có ân tứ nào cả.

Sứ đồ Phao-lô trả lời cho hội thánh Cô-rinh-tô ngày xưa về việc lạm dụng quyền năng là phải chú trọng vào tình thương. Phải áp dụng tình yêu Chúa cho đúng chỗ. Trong 1 Cô-rinh-tô 12:31 ông nói: "Hãy ước ao cho được ân tứ lớn hơn hết" nhưng ông kèm ngay "Bây giờ tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn." Và sau đó là một tuyệt tác phẩm về tình thương trong Chúa 1 Cô-rinh-tô 13:

"Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ. Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ. Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ. Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương."

Lý luận của sứ đồ Phao-lô rất đơn giản: Quyền năng mà không có tình thương thì chỉ là gây ồn ào nhưng trống rỗng; biểy diễn nhưng không có mục đích, thành đạt nhưng không thỏa mãn. Mới nhìn thì quyền năng rất gây ấn tượng, nhưng chỉ tình thương mới tồn tại.

Trong 1 Cô-rinh-tô 14:1, sứ đồ Phao-lô dạy:Hãy nôn nả tìm kiếm tình thương. Cũng hãy ước ao các ân tứ thiêng liêng, nhất là ân tứ nói tiên tri. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng đừngï chú trọng vào việc trình bày quyền năng thiêng liêng, nhưng hãy chứng minh phúc âm của Chúa Giê-xu là thật trong các công tác truyền giảng và qua các nghĩa cử thương yêu.

Kêu gọi tiết chế

Ngày nay nhiều khi người ta nhầm lẫn cho rằng ân tứ Thánh-linh hiển nhiên nhất là nói tiếng lạ. Chắc chắn tại Cô-rinh-tô vào thời ông Phao-lô người ta cũng đã gặp khó khăn do nói tiếng lạ phát sinh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra hai điều căn bản:

Thứ nhất: Đừng nói tiếng lạ nơi công cộng nếu không có ai thông dịch.

Thứ hai: trong một buổi hội họp nếu có người nói tiếng lạ thì chỉ nên tối đa là ba người thôi.

1 Cô-rinh-tô 14: 27-2927 "Ví bằng có người nói tiếng lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải. Nếu không có ai thông giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời. Người nói tiên tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi, còn những kẻ khác thì suy xét."

Theo sứ đồ Phao-lô thì dù việc nói tiếng lạ hay thông giải tiếng lạ đều là ân tứ thiêng liêng, người sử dụng phải tiết chế cách dùng. Khi ở trước công chúng thì không dùng nói tiếng lạ để cho mọi người chú ý đến mình, nhưng là để hỗ trợ hội thánh. Nếu không, chỉ nên nói tiếng lạ ở chỗ riêng tư.

Công việc của Thánh-linh giống như rượu mới. Chúng ta không được đóng kín tâm hồn đối với công việc đó, nhưng phải thực hành mọi ân tứ nào chúng ta có và đặt dưới kỷ luật của Kinh Thánh. Thánh-linh Đấng ban các ân tứ với Thánh-linh hà hơi và Lời Kinh Thánh là một. Không thể chấp nhận một sự xung đột giữa việc sử dụng ân tứ đúng cách với việc hiểu rõ lời Kinh Thánh dạy.

Công việc lớn nhất của Thánh-linh là lấy tình thương kết hợp những người yêu Chúa lại với nhau. Khi nào người ta thấy có dấu hiệu bất hòa trong hội thánh thì tức khắc phải đặt tất cả dưới nguyên tắc của tình thương trong Chúa. Thánh-linh Đấng ban ân tứ cũng là Thánh-linh của tình thương.