Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Thánh Linh Với Quả Trái Đặc Biệt

"Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau. Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác. Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp. Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời. Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó. Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy. Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau." (Ga-la-ti 5:13-26).

Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi rất thích bức vẽ Chúa Giê-xu quỳ gối cầu nguyện bên tảng đá trong khu vườn Ghết-sê-ma nê. Gương mặt Chúa sáng ngời vì có một luồng sáng từ trời chiếu xuống. Phía xa xa, trong bóng tối có mấy ông sứ đồ ngồi quanh một gốc cây lớn mà ngủ. Tôi cũng nhớ có một mùa kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, tạp chí Asia Week có đăng một bức vẽ Chúa Giáng Sinh mà tất cả các nhân vật đều là người châu Á, tựa như người Trung Hoa. Các họa sĩ phương Tây vẽ Chúa như người tây phương, nghĩa là tóc nâu vàng, mũi cao, da trắng, trong khi đó có họa sĩ châu Phi vẽ Chúa hoàn toàn da đen như họ.

Không ai biết hình dung Chúa Giê-xu như thế nào, nhưng mỗi người dường như mang một hình ảnh Chúa khác nhau. Không ai thích hình vẽ Chúa xấu, hay có những chi tiết không đẹp, và gần như ai cũng thích người ta vẽ Chúa sang trọng, dáng cao và oai phong.

Các họa sĩ cố vẽ Chúa cho đẹp hơn và muốn cho người ta biết về các đức tính của Chúa nữa.

Chẳng hạn như một họa sĩ vẽ Chúa đang bồng ãm một bé gái và chung quanh Ngài có nhiều trẻ con do các bà mẹ đưa đến. Em bé gái nắm lấy bàn tay Chúa và tay kia chỉ vào vết đinh trên bàn tay Chúa, mặt nó ngước lên nhìn Chúa. Phía dưới bức tranh có hàng chữ trong dấu ngoặc kép: "Tay Chúa làm sao vậy?"

Nhiều nhà thích treo bức tranh ở gần cửa với hình vẽ Chúa đang gõ cửa một ngôi nhà. Bên dưới có câu: "Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ, ai nghe tiếng ta mở cửa cho, Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta." ( Khải Huyền 3:20). Chắc quý vị không lạ gì hình ảnh này.

Dĩ nhiên là nhìn vào các hình vẽ này chúng ta chỉ đánh giá nghệ thuật của họa sĩ chứ không thể nào biết gì hơn về Chúa.

Kinh Thánh Tân Ước mô tả Chúa Giê-xu rất rõ, nhưng không nói gì về hình dáng của Chúa mà chỉ phản ánh con người thật của Ngài, con người bên trong. Cuộc đời của Chúa Giê-xu xoay quanh sứ mạng cứu chuộc nhân loại. Vẻ đẹp của Chúa là vẻ đẹp của một Đấng Thánh, vì thương nhân loại lầm than mà bằng lòng vào đời, hi sinh chuộc tội cho mọi người và ban sự thứ tha, tái tạo cho những ai hạ mình tin nhận Ngài.

Tuy nhiên Sứ đồ Phao-lô đã gói ghém những nét đẹp nhất của Chúa Giê-xu trong thư gởi cho các hội thánh tại Ga-la-ti, khi ông bàn về các đặc tính của quả trái Thánh Linh:

"Nhưng trái của Thánh Linh là yêu thương, niềm vui, an bình, kiên nhẫn, tử tế, thiện lành, trung thành, nhẹ nhàng, tự chế, không có luật lệ nào cấm đoán các việc ấy," (Ga-la-ti 5:22-23).

Dĩ nhiên là không cần phải nghiên cứu nhiều mới hiểu các đức tính này, nhưng điều khó là làm thế nào đưa các đức tính ấy vào đời sống những người mệnh danh là người tin Chúa Giê-xu. Đây là lúc mà ta cần đến Đức Thánh Linh.

Tăng trưởng xẩy ra trong môi trường xung khắc.

Chúng ta rất cần Thánh Linh. Nhất là chúng ta lúc nào cũng sống trong một môi trường nhiều xung khắc. Tăng trưởng, nếu có, thường xẩy ra trong một hoàn cảnh có đối nghịch. Chúa Giê-xu từng cảnh cáo các môn đệ của Ngài về điểm này. Chúa nói về sự chống đối của Sa-tan thường sinh ra đau thương khổ nạn trên trần gian (Giăng 16:1-11, 33). Chúa cũng đã nói về việc người đời ghen ghét nên ngược đãi người tin theo Chúa. (Giăng 15:18-25). Chúa cho thấy rõ rằng người tin Chúa trưởng thành trong không khí thù nghịch. Nhưng Chúa cũng nói rõ rằng sự chống đối không thể nào làm nghẹt ngòi các dòng nước sống của Thánh-linh. Tăng trưởng vẫn xẩy ra mặc dù có đối nghịch. Chúa Thánh-linh lúc nào cũng đắc thắng, mặc dù kẻ thù là ai.

Sứ đồ Phao-lô đã đưa ra chủa đề "Tăng trưởng giữa cơn xung khắc" trong lá thư gởi cho tín hữu tại Ga-la-ti. Nhưng trận chiến đây không phải là với trần gian hay với ma quỷ mà là với xác thịt. Ông dạy: "Nhưng tôi nói rằng, hãy bước đi theo Thánh-linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với Thánh-linh, Thánh-linh có những điều ưa muốn trái với xác thịt. Hai bên trái nhau như vậy nên anh em không làm được điều mình muốn làm." (Ga-la-ti 5:16-17).

Xác thịt trong các câu này nghĩa là: tham dục, tham vọng, nổi loạn, và ích kỷ. Đây là những tính khí tự nhiên bảo vệ quyền lợi của mình và làm hại kẻ khác. Tôn thờ vật chất và khinh bỏ Chúa, gọi điều tốt là xấu, xấu là tốt.

Công việc tái tạo của Thánh-linh phải liên can đến kẻ thù lớn nhất, đó là Sa-tan. Việc tái tạo lại xẩy ran gay giữa trần gian là nơi mọi người có quan điểm hoàn toàn khác với quan điểm của Chúa. Hơn thế nữa, việc tái tạo này còn đụng chạm đến những động lực xui khiến ta suy nghĩ sai lạc và hành động sai trái, các động lực này nằm ngay trong con người của mỗi chúng ta.

Công việc của Thánh-linh không xẩy ra giữa đồng không, nhưng lại ở ngay giữa những đám cỏ dày.

Xác thịt của mỗi chúng ta là một loại kẻ thù nguy hiểm. Sứ đồ Phao-lô dùng từ xác thịt với dụng ý. Vì kẻ thù của đức tin tại Ga-la-ti chú trọng rất nhiều về xác thịt. Thí dụ như lễ cắt dương bì, là một cuộc mổ cắt nhỏ trên da thịt và để lại một dấu vết trên thân xác. Người ta nói rằng đó chính là dấu hiệu của một người tín đồ chân thật. Những người không phải Do-thái lúc đó muốn theo đạo, phải nhập tịch Do-thái trước đã. Luật lệ thời Môi-se được đem ra áp dụng cốt để ngăn cản người ta tin theo Chúa. Điểm này cũng làm cho người ta chú trọng quá nhiều về thể xác. Chú trọng quá nhiều về thể xác làm cho vấn đề thêm khó khăn chứ không giải quyết gì được cả, vì khi chú trọng như thế, ta dành chỗ cho xác thịt, tức là bản tính con người cũ hoạt động. Không khác gì khi ngứa ta muốn gãi, và khi gãi lại làm cho ngứa hơn. Xác thịt cũng vậy.

Khi ta bỏ quên xác thịt thì những hành vi tội ác của nó sẽ đột phá ở phía mà ta không nhìn thấy. Chăm lo cho nó thì nó sẽ đền đáp bằng cách làm cho bạn đau khổ. Vì việc làm của xác thịt chỉ là tội ác mà thôi.

Những việc xác thịt này – tức là những thôi thúc về tội ác – sẽ tấn công thân xác con người qua các hình thức như: vô luân, bất khiết,dâm loạn. Chúng dẫn tax a khỏi sự thờ phượng chân chính mà buông mình vào việc thờ tượng hình và phù phép. Chúng biến con người thành thú vật tranh giành nhau trong những cuộc chống trả, tranh đấu, ghen ghét, giận hờn, ích kỷ, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ. Chúng chỉ có một mục đích là phá hủy bản chất con người qua những thói xấu như say rượu, gây rối loạn v.v. Chẳng trách mà sứ đồ Phao-lô sau khi liệt kê ra các tội phạm này, đã kết luận: "Những kẻ phạm các tội ấy sẽ không hưởng nước Đức Chúa Trời đâu!"

Tăng trưởng là kết quả của Thay đổi Cá Tính

May thay sứ đồ Phao-lô không ngừng ở chỗ cảnh cáo thôi. Ông cho biết rằng Thánh-linh của Đức Chúa Trời có quyền năng hơn xác thịt. Xác thịt và Thánh-linh đối nghịch nhau. Dĩ nhiên là phải thế. Khi buông trôi thả lỏng, xác thịt sẽ đi đến chỗ phạm tội kinh khủng. Nhưng khi Thánh-linh can thiệp, những điều mới mẻ sẽ xuất hiện. Đời sống sẽ thay đổi, cá tính được tinh luyện và quả trái bắt đầu phát sinh.

Quả trái trong Kinh Thánh thường được dùng để mô tả những đức tính đáng được vun trồng. Tiên tri Ê-sai so sánh dân tộc Ít-ra-ên với cây nho mà Đức Chúa Trời mong muốn có quả nho ngon ngọt. Nhưng vào lúc hái nho, Chúa chỉ thấy ra những quả nho hoang, nhỏ và chua. Quả nho ngon ngọt mà Chúa mong đợi là sự công chính và thánh thiện. Quả nho hoang dại là những tội ác làm đổ máu và gây ra áp bức. (Ê-sai 5:1-7).

Phúc âm Giăng 15 cũng ghi lời Chúa Giê-xu khuyến giục các môn đệ muốn kết quả tốt thì phải liên kết với gốc nho là Ngài. Vì Chúa là cây nho và chúng ta là nhánh. Quả trái mà Chúa mong đợi là tình thương yêu: "Điều răn của ta đây: các anh em phải thương yêu nhau như ta đã thương yêu các anh em."

Một vị giáo sư đã ví sánh quả trái của Thánh-linh như quả cam. Khi ta cầm quả cam trong tay thì ta có một quả cam. Nhưng khi ta bóc cam ra thì thấy nó có 8 phần. Quả cam là một nhưng có tám phần. Tình thương của Thánh-linh bna cho cũng có tám phần như thế. Vị giáo sư này bảo rằng, tám phần đó là: niềm vui, an bình, kiên nhẫn, tử tế, thiện lành, trung tín, mềm mỏng và tiết chế.

Thương yêu, niềm vui và an bình là những đáp ứng của chúng ta đối với ân huệ của Đức Chúa Trời trong đời ta. Khi Thánh-linh giúp ta cảm kích sự tha thứ tội và Chúa Cứu-thế đã đem đến thì có những thay đổi xẩy ra trong nội tâm chúng ta. Chúng ta vươn ra xa để đối đãi với người khác bằng quan tâm và trọng kính, đó là thương yêu. Khi chúng ta phát triển một niềm tin sâu sắc rằng Đức Chúa Trời sẽ khiến cho mọi việc trong đời ta đều tốt lành thì đó là niềm vui. Khi chúng ta thoải mái trong quan hệ với Chúa, biết rằng Chúa thuộc về chúng ta và Chúa là Đấng Vĩ Đại hơn bất cứ kẻ thù nào của chúng ta, thì đó là an bình.

Kiên nhẫn, tử tế và thiện lành là đức tính khi ta đáp ứng nhu cầu của người khác. Khi Thánh-linh dẫn chúng ta vào đời sống trưởng thành, chúng ta không những có kiên nhẫn chịu đựng mọi sự đối đãi khắc nghiệt của người đời, nhưng còn có thể vươn tay ra làm các nghĩa cử mà không kiêu căng. Kiên nhẫn là khả năng chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn mà không nổi nóng. Tử tế là nói năng ôn tồn với người khác, nhất là những ai cần ta giúp đỡ. Thiện lành là bước thêm một bước ngoài khả năng và hành động với các nghĩa cử thương yêu và thánh thiện đối với người cùng khốn.

Trung tín, mềm mỏng và tiết chế là nói đến kỉ luật cho bản thân. Khi Thánh-linh chăm sóc cho ta trưởng thành, ta thấy mình trở thành vững vàng hơn trong hành vi. Trung tín nghĩa là giữ đúng lời hứa, làm trọn điều cam kết, thái độ trước sau như một để cho người tin cậy. Mềm mỏng là thực hành tất cả những điều này một cách nhẹ nhàng hòa dịu không nóng nảy, không quá đáng. Nghĩa là chúng ta biết dùng sức mạnh của mình một cách thích đáng không hung hăng hợm hĩnh. Tiết chế là việc kỉ luật trong miếng ăn, thức uống và các khuynh hướng. Đây là tính quân bình và hoà dịu, tế nhị và biết phán đoán trong thói quen, lời nói và hành động.

Đó chính là quả trái của Thánh-linh hay những phương cách mà tình yêu điều hợp hành vi của chúng ta và hình thành đức tính cho chúng ta. Khi Thánh-linh hành động thì xác thịt bị chế ngự và những điều về lệ luật hình thức không cần nữa. Ta nên nhớ rằng ta có thể cố gắng để phát sinh ra quả trái bằng các chương trình tu dưỡng tâm linh, các điều này rất hữu ích, tuy nhiên nếu không có quyền năng Thánh-linh, tức là ta làm bên ngoài Chúa, thì kết quả sẽ khác hẳn, sẽ không hiệu quả và không bền.

Ta cũng nên nhớ rằng cuộc tăng trưởng nào cũng cần thời gian. Bước đi với Thánh-linh cũng phải qua từng bước một. Tiến lên dần dần đến mức trưởng thành. Vì đây không phải loại thành công như đi học, đi thi, nhưng là kinh nghiệm sống, rèn luyện đức tính giữa môi trường với bao nhiêu vật cản và sức trì kéo. Chúng ta cần lý trí, ý chí và cả tình cảm để quyết tâm. Không phải quyết tâm trưởng thành, nhưng quyết tâm thuận phục Chúa từng giây phút. Vì Thánh-linh ghen tương rất mạnh, không bằng lòng xung khắc với bất cứ sức mạnh nào, kể cả ý chí của chúng ta. Thánh-linh phải làm chủ hoàn toàn chứ không phải là tôi. Tôi có bổn phận giữ kỷ luật, nghiêm khắc, tự chế, nhưng nhờ quyền năng của Thánh-linh mà thực hiện. Nghĩa là phải hết lòng tin và hoàn toàn vâng phục. Đó là khó khăn của việc trưởng thành tâm linh.

Tuy nhiên khi đã bước được những bước đầu tiên và nếm được vị ngọt của tình yêu Chúa thì ta sẽ phấn khởi tiến lên.

Nên nhớ rằng, Thánh-linh giúp ta tăng trưởng với mục đích rõ rệt, đó là trở thành như Chúa Cứu Thế. Nghe chừng như khó khăn vô cùng, nhưng đó chính là tiêu chuẩn. Chúng ta sống theo nguyên tắc của Chúa và tập tành những đức tính như Ngài "Cho đến chừng Chúa Cứu-thế thành hình" trong chúng ta, theo lời sứ đồ Phao-lô.

Bài học này rất khó, tuy nhiên không tăng trưởng thì ta không thể làm gì được. Ta không thể sống như cây giả tạo, nhưng phải được tăng trưởng và ra hoa kết trái, đó chính là mục đích mà Thánh-linh có mặt bên cạnh ta.