Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Mục Tiêu Chiến Lược (3)

II Cô-rinh-tô 10:3-5

"Ta là đường đi, chân lý và sự sống" (Giăng 14:6).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn chủ nghĩa tương đối là gì? Chủ nghĩa này chống nghịch thế nào với đức tin của bạn? Khi tin Chúa Giê-xu là "đường đi, chân lý và sự sống" là bạn xác định điều gì? Làm sao bạn làm chứng được Đức Chúa Trời là chân lý tuyệt đối?

Thành trì thứ ba trong tư tưởng con người ngày nay là:

Chủ nghĩa tương đối: "Chủ nghĩa tương đối" lập luận không có một chân lý tuyệt đối và phổ quát, vì luân lý phát xuất từ phong tục xã hội và từ những định chế khác của con người. Do đó, những giá trị luân lý chỉ là sự đồng thuận văn hóa và chỉ có thể áp dụng cho từng vùng, từng nước thôi.

"Tư tưởng tương đối" bác bỏ sự hiện hữu một nền luân lý tuyệt đối, tức chân lý. Theo nghĩa này nó chống lại tư tưởng Cơ Đốc giáo đề cao chân lý có nguồn gốc và sự bảo đảm từ Đức Chúa Trời. Luân lý Cơ Đốc giáo đặt nền trên sự mạc khải trong Lời Đức Chúa Trời, qua Chúa Giê-xu. Kinh Thánh cho thấy đạo đức và chân lý đến từ Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là con đường duy nhất để con người có thể tìm đến chân lý duy nhất: "Ta là đường đi, chân lý và sự sống" (Giăng 14:6).

Luân lý Cơ Đốc giáo đến từ đức tin. Đó là sự kiện toàn luân lý tự nhiên, nên nó trở thành luân lý phổ quát cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Nói khác đi luân lý Cơ Đốc không chấp nhận "luân lý tương đối" theo văn hóa hay theo chủng tộc hoặc nhận thức cá nhân. Con người, tập thể hay cá nhân không thể tự mình quy định luật luân lý cho chính mình, ngược với luật tự nhiên.

Chủ nghĩa tương đối khiến người ta quan niệm không có cái gì là tuyệt đối trắng hay tuyệt đối đen, không có điều gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, vì chân lý là tương đối. Đạo đức của con người ngày nay được quyết định bởi sự thăm dò ý kiến. Nếu đa số nói đúng thì việc đó đúng. Nếu đa số nói sai thì việc đó sai. Người ta thường trêu chọc ý tưởng chúng ta chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế, Đấng đã thiết lập một luật đạo đức cho mọi người trong mọi thời đại. Nếu một người không có khả năng để nghĩ điều gì là đúng hay sai thì làm sao họ có thể chấp nhận họ cần một Chúa Cứu Thế?

Tại sao chúng ta cần một Chúa Cứu Thế nếu chúng ta không phải là tội nhân, nhưng chỉ là người có những lựa chọn thiếu suy nghĩ? Đối với một người tin theo chủ nghĩa tương đối thì không có vấn đề tội lỗi, mà chỉ có lầm lỡ. Người ta đồng ý một số người đã làm người khác tổn thương, đau khổ, và hành động của họ phải bị hạn chế, nhưng ý tưởng người đó cần một Chúa Cứu Thế là ý tưởng xa lạ đối với tâm trí của người tin theo chủ nghĩa tương đối. Thêm vào đó, chủ nghĩa tương đối không chấp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là chân lý duy nhất đến từ Đức Chúa Trời. Người theo chủ nghĩa tương đối cho rằng con đường nào cũng dẫn đến Thượng Đế và không chấp nhận Chúa Giê-xu là "đường đi, chân lý và sự sống." Đây là thành trì Cơ Đốc nhân phải phá đổ. Chúng ta phải cho mọi người biết Chúa Giê-xu là Đấng bày tỏ Đức Chúa Trời cho con người. Ngài là Con Đường Duy Nhất dẫn đến thiên đàng. Hơn thế nữa, chúng ta cần phải hiểu Kinh Thánh nói rõ mọi người chúng ta phải đối diện Đấng Thẩm Phán xét xử theo những tiêu chuẩn Ngài đã công bố bởi Lời Ngài và Ngài tiếp tục viết bởi Chúa Thánh Linh vào lương tâm chúng ta.

Trong tư tưởng bạn phân biệt rõ ràng sự đúng, sai, tội và không tội, dẫn đến hành động trong đời sống mỗi ngày không? Xã hội ngày nay dạy chúng ta và con cháu mình không chỉ có trắng, đen mà còn có xam xám; hoặc không lo lắng về vấn đề phạm tội, sợ tội mà chỉ là lỡ lầm, bạn ứng xử thế nào với chủ thuyết này?

Lạy Chúa, xin giúp con biết sợ tội, sợ phạm tội và có tấm lòng sẵn sàng ăn năn để con luôn được gần Ngài.

(c) 2024 svtk.net